Chiến lược sáng tạo nội dung hiệu quả cho chiến dịch Inbound Marketing

Doanh nghiệp nên áp dụng phương pháp Inbound Marketing như thế nào để tối đa hoá khả năng thu hút, tương tác với người dùng mục tiêu nhưng vẫn không gây khó chịu, phản cảm?

Bản hướng dẫn chi tiết “The In-Depth Guide To Creating Effective Inbound Marketing Campaigns” được Hubspot nghiên cứu và tổng hợp sẽ cung cấp những gợi ý chi tiết cho quá trình lên chiến lược, triển khai chiến dịch Inbound Marketing một cách tối ưu.

Inbound Marketing là gì?

Inbound Marketing là một giải pháp thu hút, tương tác với người dùng nhằm cung cấp những thông tin, nội dung giá trị, góp phần tạo sự tin tưởng nơi người dùng. Theo Hubspot, một chiến dịch Inbound Marketing sẽ xoay quanh 3 giai đoạn chủ đạo: (1) Thu hút (Attract) người tiêu dùng bằng nhóm nội dung, thông tin hữu ích, (2) Tương tác (Engage) và xây dựng mối quan hệ với họ tại những kênh media quen thuộc (3) Tạo cảm xúc tích cực (Delight) bằng những dịch vụ, hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin xuyên suốt hành trình trải nghiệm. 

Khái niệm Inbound Marketing

 

Chiến dịch Inbound Marketing có thể giải quyết những mục tiêu như tăng độ nhận biết của một sản phẩm/ dịch vụ mới, thu thập phản hồi của khách hàng hoặc chuyển đổi lượt đăng ký tham dự sự kiện. Để có thể đáp ứng đa dạng mục tiêu kể trên, những thông tin và hoạt động tương tác của nhóm chiến dịch Inbound Marketing được triển khai dưới đa dạng hình thức. Một số định dạng thường gặp bao gồm email, mạng xã hội, digital ads và video.

Doanh nghiệp sẽ cần lưu ý 3 điểm chính để có thể lên chiến lược và triển khai chiến dịch Inbound Marketing thành công. 

Điểm lưu ý đầu tiên là “lấy khách hàng làm trọng tâm”. Một chiến dịch Inbound Marketing nên bao gồm những hoạt động, nội dung thu hút thay vì làm phiền người dùng. Những hoạt động, thông điệp sẽ được tùy chỉnh sao cho phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình mua hàng để thu hút được những khách hàng tiềm năng (lead) chất lượng, nâng cao khả năng chuyển đổi. 

Hoạt động, nội dung phù hợp sẽ cần sự hỗ trợ của những công cụ tích hợp để tối ưu hoá hiệu suất. Cụ thể, những công cụ có khả năng tích hợp bối cảnh của khách hàng tiềm năng và phân phối thông tin này đến những kênh chính giúp tạo trải nghiệm liền mạch, cá nhân hoá cho người tiêu dùng. Từ đó, góp phần tạo thiện cảm và nâng cao hiệu quả của chiến dịch. 

Một điểm cộng khác của chiến dịch Inbound Marketing là tính linh hoạt khi có thể đáp ứng mục tiêu về mặt thu hút khách hàng, người dùng, khách mời của đa dạng hoạt động như hội thảo, sự kiện ra mắt sản phẩm mới.

Xem thêm: 05 bước xây dựng Kế hoạch Marketing căn bản Marketer cần biết

S.M.A.R.T – Công thức đặt mục tiêu thông minh cho chiến dịch Inbound Marketing

Danh sách mục tiêu là một “điểm neo” quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của chiến dịch. Dù vậy, việc có thể “thả neo” những mục tiêu chất lượng sẽ đòi hỏi sự xem xét và lên kế hoạch tỉ mỉ. Doanh nghiệp có thể áp dụng công thức S.M.A.R.T để có cơ sở đánh giá tính phù hợp cho những mục tiêu của chiến dịch Inbound Marketing.

Công thức đặt mục tiêu - S.M.A.R.T

  • S – Specific (Tính cụ thể): Mục tiêu không nên quá “bay bổng”, lan man mà cần thể hiện rõ những đề mục sau: (1) kết quả mong muốn, (2) tầm quan trọng của mục tiêu, (3) những bên chịu trách nhiệm cho mục tiêu này cùng (4) những giải pháp đề xuất và (5) rào cản còn tồn đọng. 
  • M – Measurable (Có thể đo lường): Những mục tiêu đề ra cần đi kèm với những chỉ số đo lường cụ thể.
  • A- Attainable (Tính khả thi): Doanh nghiệp nên phân nhỏ mục tiêu sao cho các phòng ban, đội ngũ có thể hoàn thành theo từng giai đoạn của chiến dịch.
  • R – Relevant (Tính liên quan): Nhóm mục tiêu nên phục vụ cho mục tiêu và định hướng cốt lõi của doanh nghiệp.
  • T – Timely (Mốc thời gian): Để nâng cao tính khả thi và hiệu quả, mỗi mục tiêu đề ra nên đi kèm với mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Sau khi chốt được những mục tiêu cho chiến dịch, đội ngũ phụ trách cần thông báo cụ thể cho các phòng ban liên quan để đảm bảo các bên đều nắm rõ những thông tin cần thiết, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Chiến lược sáng tạo nội dung cho chiến dịch Inbound Marketing

Việc tạo những nội dung, thông tin khuyến mãi bắt trúng nhu cầu và sở thích của nhóm khách hàng tiềm năng sẽ giúp nâng cao tỉ lệ tạo nên những lead chất lượng. Khi khách hàng được tiếp cận với những nội dung bổ ích, phù hợp, họ có xu hướng sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân để có toàn quyền truy cập. Những thông tin thuộc nhóm 1st-party data này được xem như “kho báu” cho marketer trong thời đại nhu cầu bảo mật thông tin tăng cao như hiện tại. 

Để mang đến những nội dung tương tác chất lượng, bổ ích, các hình thức Content Marketing đã được “tiến hoá” từ dạng ebook truyền thống sang những hình thức với mức độ tương tác cao hơn như webpages, hội thảo, talkshow, những phiên thảo luận trực tuyến độc quyền. 

Vậy đâu là những lưu ý doanh nghiệp cần lưu tâm khi triển khai nội dung cho các chiến dịch Inbound Marketing? 

Điều đầu tiên là xác định được mục tiêu cho chiến dịch và cách chiến dịch có thể đóng góp vào sự phát triển chung của hoạt động kinh doanh. Nếu chiến dịch lần này có mục tiêu là tăng lượng traffic đến website chính thức, marketer cần trả lời được câu hỏi việc tăng traffic đến website sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển chung của công ty? Khi lấy mục tiêu kinh doanh làm kim chỉ nam, marketer có thể đưa ra mục tiêu chiến dịch và hướng phát triển nội dung phù hợp. 

Điểm cốt lõi của chiến dịch Inbound Marketing là tạo kết nối, tương tác chất lượng với người dùng thay vì làm phiền họ với những quảng cáo không liên quan. Do đó, marketer cần hiểu quá trình sáng tạo nội dung là một quá trình thử và sai để có thể cung cấp những nội dung hữu ích cho tệp khách hàng tiềm năng. Để có thể rút ngắn quá trình thử – sai, đội ngũ chuyên gia từ Hubspot đã gợi ý danh sách 4 khía cạnh trong chiến lược nội dung giúp doanh nghiệp kết nối hiệu quả với người tiêu dùng.

Các bước cần thiết để xác định chiến lược Marketing

  1. Hiểu rõ đối tượng mục tiêu: Việc tạo được một hồ sơ khách hàng mục tiêu chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp có được những thông tin cơ bản cần thiết cho các hoạt động lên kế hoạch và sáng tạo nội dung.
  2. Hiểu rõ “điểm đau” (pain point) và nhu cầu của đối tượng mục tiêu: Tệp khách hàng mục tiêu đang muốn đạt được điều gì? Những rào cản, trở lực ngăn họ đạt được mục tiêu? Doanh nghiệp sáng tạo những nội dung giúp họ giải quyết được vấn đề sẽ ghi điểm mạnh trong tâm trí những khách hàng tiềm năng.
  3. Hiểu rõ định dạng nội dung yêu thích của đối tượng mục tiêu: Nhóm khách hàng tiềm năng thường ưu tiên định dạng video, infographic hay tài liệu có thể tải về và xem offline? Họ thường xem nội dung trên thiết bị di động, laptop hay PC? Khi đã xác định được định dạng nội dung yêu thích và thiết bị quen thuộc của tệp đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp sẽ lập được kế hoạch triển khai nội dung rõ ràng và sát với nhu cầu, thói quen của người dùng hơn.
  4. Hiểu về cách truyền đạt phù hợp với đối tượng mục tiêu: Doanh nghiệp nên quan sát cách nhóm người tiêu dùng mục tiêu giao tiếp, sử dụng từ ngữ để xác định được cách truyền đạt nội dung khớp với ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của họ, tránh truyền đạt những thông điệp quá khó hiểu, mơ hồ.

Content Mapping – đúng thông điệp, đúng thời điểm, đúng đối tượng

Bên cạnh việc hiểu rõ chân dung đối tượng mục tiêu, kỹ thuật Content Mapping cũng là một giải pháp giúp nâng cao khả năng chuyển đổi cho các chiến dịch Inbound Marketing. Cụ thể, Content Mapping là quá trình đưa những định dạng, loại nội dung phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình mua hàng.

Ví dụ, giai đoạn nhận biết (awareness) là thời điểm người tiêu dùng đã biết đến hoặc đã phát sinh nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Lúc này, định dạng nội dung phù hợp sẽ là ebooks giới thiệu sản phẩm, video hướng dẫn sử dụng hoặc các hội thảo chia sẻ thêm về thông tin sản phẩm.

Ở giai đoạn cân nhắc (evaluation), khách hàng nhận thấy sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể thỏa mãn nhu cầu của họ. Đây là giai đoạn doanh nghiệp cần đẩy mạnh các nhóm nội dung chứng minh độ phù hợp và ưu việt của sản phẩm để tăng tính thuyết phục. Những dạng nội dung được khuyên dùng là hội thảo, sự kiện trải nghiệm sản phẩm, chia sẻ trải nghiệm từ những khách hàng cũ, bảng giải đáp những câu hỏi thường gặp, video mô tả quá trình sử dụng sản phẩm.

Cuối cùng, khi khách hàng đã quyết định sẽ mua sản phẩm, dịch vụ, những dạng nội dung giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định sẽ là các gói dùng thử, dịch vụ tư vấn trực tuyến, voucher ưu đãi.

Kết

Tựu trung, Inbound Marketing là một hướng tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu tự nhiên, ít gây cảm giác tiêu cực và có khả năng cải thiện trải nghiệm người dùng nhờ vào nội dung thiết thực, hữu ích. Việc nắm rõ được chân dung khách hàng mục tiêu, thói quen tiêu thụ nội dung của họ sẽ tăng độ hiệu quả của chiến dịch Inbound Marketing, thu hút những tệp khách hàng tiềm năng chất lượng. Từ đó, góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong dài hạn.