Fin Talks #4: IFRS – “Hộ chiếu” Tài chính để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
IFRS không chỉ là một chuẩn mực kế toán – đó còn là “ hộ chiếu” giúp doanh nghiệp Việt sẵn sàng hội nhập tài chính quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang IFRS không hề đơn giản, doanh nghiệp phải đối mặt với 3 thách thức: hệ thống, nhân sự và chi phí.
Vậy IFRS tác động ra sao đến chiến lược tài chính? Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thích nghi và áp dụng thành công? Lắng nghe chia sẻ từ hai chuyên gia tài chính dày dạn kinh nghiệm: PGS.TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer và chị Bùi Hoàng Mỹ Linh – Head of Finance Business Partner tại AIA Việt Nam, đồng thời là học viên MBA Talent khóa 2022, để hiểu rõ hơn về hành trình chuyển đổi này.

Mục lục
Quản trị thu nhập – Lằn ranh mong manh giữa minh bạch và mập mờ
Theo PGS.TS Đoàn Anh Tuấn, “income smoothing” (làm mượt thu nhập) là một kỹ thuật phổ biến trong quản trị thu nhập, nơi doanh nghiệp can thiệp có chủ đích vào báo cáo tài chính nhằm tạo ra một bức tranh tài chính ổn định qua các năm, thay vì biến động mạnh theo thực tế kinh doanh. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính minh bạch và hệ quả của việc “làm mượt” số liệu tài chính.
Đứng trên góc độ nhà đầu tư, tính minh bạch luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Việc điều chỉnh để “làm mượt” thu nhập có thể tạo ra những hình ảnh không trung thực về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là trường hợp của các ngân hàng với khoản “lãi dự thu” lớn, tạo ra hình ảnh lợi nhuận tăng đều qua các năm nhưng lại gặp vấn đề về tính thanh khoản khiêm tốn.
“Earnings Management phần lớn ảnh hưởng tiêu cực đối với nhà đầu tư, bởi bản chất dẫn đến sự giảm tính minh bạch trong báo cáo tài chính,” PGS.TS Đoàn Anh Tuấn nhấn mạnh. Hệ quả của việc thiếu minh bạch này không chỉ dừng lại ở giá cổ phiếu không tốt mà còn làm bào mòn lòng tin, ảnh hưởng đến danh tiếng và khả năng thu hút đầu tư của doanh nghiệp.
IFRS – Giải pháp nâng cao tính minh bạch tài chính
Trước những thách thức về tính minh bạch, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế – IFRS, được xem là một trong những giải pháp then chốt. Từ góc độ thực tiễn, chị Bùi Hoàng Mỹ Linh đã mang đến những chia sẻ đầy giá trị về việc áp dụng IFRS, đặc biệt là khi ứng dụng IFRS vào AIA – một tập đoàn có mặt tại 18 quốc gia với công ty mẹ đặt tại Hồng Kông.

Tại AIA Việt Nam, ngoài việc tuân thủ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), công ty còn phải chuyển đổi báo cáo từ VAS sang IFRS để đáp ứng yêu cầu hợp nhất của tập đoàn. Điều này đặt ra thách thức lớn khi doanh nghiệp phải vận hành song song hai hệ thống báo cáo với hai cách tiếp cận kế toán khác nhau.
Chị Linh khẳng định tầm quan trọng của một “ngôn ngữ chung” trong báo cáo tài chính: “Tương lai của báo cáo tài chính là sự thống nhất. Không thể mỗi quốc gia có một cách hiểu khác nhau về ‘revenue’ hay ‘profit’, đặc biệt trong một ngành phức tạp như bảo hiểm – nơi một hợp đồng có thể kéo dài nhiều năm.”
Áp dụng IFRS giúp mang lại lợi ích lâu dài trong việc so sánh hiệu quả hoạt động qua các giai đoạn khác nhau, từ đó doanh nghiệp có thể đánh giá chính xác mức độ tăng trưởng và điều chỉnh chiến lược phù hợp.
“Khi mọi thứ minh bạch, doanh nghiệp có thể tập trung vào ý tưởng về gia tăng hiệu quả, cải thiện lợi nhuận và doanh thu”, chị Linh chia sẻ. Nguồn vốn từ thị trường cổ phiếu cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, khám phá mô hình kinh doanh mới và thử nghiệm sản phẩm mới, giúp doanh nghiệp vận hành trơn tru và hiệu quả hơn.
Việc áp dụng IFRS còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp, vượt xa khỏi phạm vi báo cáo tài chính. Chị Mỹ Linh nhấn mạnh rằng khi báo cáo tài chính trở nên minh bạch, doanh nghiệp có thể thu hút nguồn vốn đầu tư dễ dàng hơn, từ đó mở ra cơ hội cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng trưởng lợi nhuận.

Áp dụng IFRS – Hành trình dài hơi với nhiều thử thách
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, việc áp dụng IFRS không phải là một hành trình dễ dàng. Chị Bùi Hoàng Mỹ Linh đã chỉ ra các thách thức chính mà doanh nghiệp phải đối mặt khi triển khai IFRS:
- Thiếu kinh nghiệm chuyên môn: Việc áp dụng IFRS đòi hỏi kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn, trong khi nguồn nhân lực am hiểu IFRS tại Việt Nam còn hạn chế.
- Thách thức về dữ liệu: Để lập báo cáo tài chính theo IFRS, doanh nghiệp cần có dữ liệu đầy đủ và chính xác, nhưng nhiều dữ liệu cần thiết không có sẵn. Điều này đòi hỏi một quá trình phân tích, thu thập và đối chiếu giữa VAS và IFRS, đặc biệt trong các khoản mục như doanh thu, chi phí và ghi nhận tài sản.
- Hệ thống công nghệ thông tin (IT System): Các hệ thống kế toán hiện tại có thể không hỗ trợ đầy đủ IFRS, đòi hỏi phải nâng cấp hoặc thay thế hệ thống kế toán và các phần mềm tài chính liên quan để đảm bảo tính chính xác và đồng nhất trong báo cáo.
- Thay đổi văn hóa và cơ cấu tổ chức: Việc áp dụng IFRS có thể dẫn đến thay đổi trong cấu trúc tổ chức, yêu cầu thành lập bộ phận chuyên trách về IFRS reporting. Đồng thời, đội ngũ nhân sự cũng cần được đào tạo để thay đổi tư duy và thích ứng với cách tiếp cận kế toán mới.
- Chi phí triển khai: Doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đáng kể khi áp dụng IFRS, điển hình là chi phí đầu tư hệ thống kế toán hay chi phí đào tạo nhân sự.

7 lưu ý để áp dụng IFRS hiệu quả
Theo Head of Finance, AIA Việt Nam, để triển khai IFRS một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần tuân theo 7 lưu ý quan trọng sau:
Lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp: Đánh giá kỹ lưỡng và lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp là bước đầu tiên quan trọng để triển khai IFRS hiệu quả.
- Chuẩn hóa mẫu báo cáo: Xây dựng các mẫu báo cáo chuẩn (reporting templates) giúp tăng hiệu suất và giảm thời gian làm báo cáo, đặc biệt khi số lượng báo cáo theo IFRS thường nhiều và phức tạp hơn.
- Quản trị dữ liệu: Doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống bảo mật dữ liệu chặt chẽ, vì IFRS yêu cầu chi tiết hóa các khoản mục, dẫn đến việc tăng cường trao đổi dữ liệu giữa các phòng ban.
- Quản trị và đánh giá hệ thống: Kiểm tra và đánh giá hệ thống kế toán định kỳ để đảm bảo không có lỗi hoặc trục trặc trong quá trình vận hành.
- Thiết kế Chart of Accounts: Đây là bộ code giúp doanh nghiệp chuẩn hóa cách ghi nhận các khoản mục tài chính. Điều này bao gồm việc xác định bản chất chi phí và phân loại vào đúng tài khoản kế toán (chi phí, doanh thu, tài sản, nợ phải trả…) hoặc gắn Cost center với từng phòng ban, giúp phân bổ chi phí chính xác.
- Tự động hóa dữ liệu: Tự động hóa quy trình kế toán là yếu tố quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có khối lượng dữ liệu lớn như công ty bảo hiểm hoặc doanh nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu lớn (Big data).
- Đào tạo và hỗ trợ: Không chỉ đội ngũ chuyên trách IFRS mà tất cả nhân viên liên quan đến tài chính đều cần được đào tạo để hiểu và áp dụng IFRS đúng chuẩn.
Cân bằng giữa nguyên tắc kế toán và mục tiêu kinh doanh: “Nghệ thuật” của người làm Tài chính
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các chuyên gia tài chính là cân bằng giữa việc tuân thủ IFRS và đáp ứng mục tiêu quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Theo chị Mỹ Linh – Head of Finance tại AIA, đây không chỉ là một nhiệm vụ thiên về kỹ thuật mà còn là một “nghệ thuật” đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhạy bén và linh hoạt trong từng quyết định tài chính.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp luôn có định hướng rõ ràng về tình hình tài chính trong từng giai đoạn, từ đó đặt ra các yêu cầu đối với bộ phận tài chính. Ví dụ, CEO cần kiểm soát financial position của công ty trong năm, nhưng chính đội ngũ tài chính cần giải thích và làm rõ những kỳ vọng này dựa trên nguyên tắc kế toán.
Việc điều chỉnh số liệu tài chính để đạt được financial position mong muốn có thể liên quan đến các nguyên tắc như Accrual accounting hay Expense recognition. Lúc này, vai trò của CFO và đội ngũ tài chính không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ chuẩn mực kế toán mà còn cần tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp về rủi ro của các quyết định tài chính, đảm bảo sự cân bằng giữa Accounting policy và mục tiêu kinh doanh. Trong bối cảnh này, IFRS không chỉ là một bộ quy tắc mà còn là định hướng để doanh nghiệp thiết lập báo cáo tài chính minh bạch, nhất quán.
Chị Mỹ Linh nhấn mạnh rằng, trong tài chính doanh nghiệp, không có đúng hay sai tuyệt đối, quan trọng là xác định rõ ưu tiên và nguyên tắc vận hành. Vì thế, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản trị nội bộ chặt chẽ, bao gồm quy trình phê duyệt rõ ràng, nhằm đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và tuân thủ chuẩn mực kế toán.
>>> Xem thêm: Từ VAS đến IFRS: Chuyển đổi chuẩn mực tài chính cần sự đồng lòng của toàn thể
Kết
Chuyển đổi sang IFRS không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là một bước tiến chiến lược giúp doanh nghiệp Việt vươn xa trên bản đồ tài chính quốc tế. Dù hành trình này đầy thách thức, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống, nhân sự và tư duy tài chính, doanh nghiệp có thể biến IFRS thành lợi thế cạnh tranh bền vững. Ngày nay, câu hỏi đặt ra không còn là “Có nên áp dụng IFRS hay không?” mà là “Doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ đâu và chuẩn bị như thế nào để đón đầu xu hướng?”