G Kitchen “được nhiều hơn mất” khi đưa thịt sạch lên sàn thương mại điện tử

Là thương hiệu thịt sạch thuộc Greenfeed Group, G Kitchen là đơn vị tiên phong trong việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử với mục tiêu thay đổi thói quen tiêu thụ thịt của người Việt.

Tại hội thảo MBA Talk #89 với chủ đề “Data-Driven Insights into Shopper Behavior: Optimizing Ecommerce Strategies for Success”, ông Lê Bá Ngọc – Former Head of Retail and E-commerce, Greenfeed Group đã chia sẻ chiến lược chinh phục người dùng trực tuyến của G Kitchen.

Diễn giả Lê Bá Ngọc
Diễn giả Lê Bá Ngọc – Former Head of Retail and E-commerce, Greenfeed Group tại hội thảo MBA Talk #89.

Cú hích giữa thị trường bão hoà 

Tại Việt Nam, thói quen mua thịt heo ở chợ truyền thống hay siêu thị đã có từ rất lâu và duy trì cho đến ngày hôm nay. Cũng vì lẽ đó, sạp bán thịt heo là một trong những kênh bán được người dùng ưa chuộng nhất.  

Cụ thể, theo ông Lê Bá Ngọc, thị trường thịt heo Việt Nam đạt mức tiêu thụ 2.8 triệu tấn vào năm 2017. Tuy nhiên, trong số đó, 96% số lượng là thịt heo tư nhân, thịt có thương hiệu chỉ chiếm 4%. Ngoài ra, khái niệm thịt “nóng” – thịt có một trong các khâu từ sản xuất, giết mổ đến đưa đến tay người tiêu dùng trong điều kiện nhiệt độ thường luôn chiếm tỉ lệ được chọn mua nhiều nhất, lên đến 98%. Hai loại thịt còn lại là thịt mát – tất cả các khâu đều nằm ở nhiệt độ mát 0-4 độ C và thịt đông chỉ chiếm lần lượt 1%. 

Quầy sạp thịt heo nóng tại các chợ truyền thống
Quầy sạp thịt heo nóng tại các chợ truyền thống.

Thuộc hệ thống chuỗi thực phẩm 3F Plus (Feed-Farm-Food) do Tập đoàn GREENFEED Việt Nam phát triển, G Kitchen ra mắt từ 2018 với mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm sạch, ngon, tiện lợi.

Những năm gần đây, khi các bệnh liên quan đến gia cầm ngày càng tăng cao, nhu cầu tiêu thụ thịt được kiểm chứng và đảm bảo cũng tăng lên đáng kể. Người tiêu dùng chấp nhận ăn thịt sạch với giá cao hơn, thậm chí cao hơn gấp đôi. Đây cũng là thời cơ mở ra tiềm năng phát triển cho G Kitchen triển khai các kênh mua sắm mới để phân phối thịt sạch đến tệp khách hàng.

Qua việc nghiên cứu các loại hình kênh mua sắm ở thời điểm bấy giờ, G Kitchen xác định 4 thị trường phân phối có sự tham gia trực tiếp từ đối thủ cạnh tranh:

  • Wet Market (Chợ truyền thống)
  • Modern Trade (Siêu thị/ Chuỗi siêu thị)
  • Horeca/B2B (Nhà hàng, khách sạn, quán cà phê/ doanh nghiệp)
  • Retail Stores 

Chuỗi cung ứng từ G Kitchen có hơn 100 sản phẩm, lên kệ tại hơn 39.000 điểm bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc. Ngoài ra còn có 30 cửa hàng Thịt Sạch G Kitchen tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Với kênh B2B, G Kitchen còn cung cấp nguồn nguyên liệu uy tín cho nhà hàng, trường học, hãng hàng không, chuỗi café (GreenFeed, 2021).

Nhận thấy thị trường thương mại điện tử chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, G Kitchen quyết định xây dựng một kênh e-commerce riêng, cung cấp giải pháp mua thịt heo sạch, tiện lợi cho người tiêu dùng mục tiêu là nhóm khách hàng  nữ, giúp họ loại bỏ suy nghĩ đắn đo đi chợ sớm, về lúc mấy giờ.

Ngay từ lúc ra mắt thương hiệu, G đã xác định E-commerce là một kênh bán hàng và xây dựng thương hiệu có tính chiến lược. G sở hữu một ứng dụng bán hàng thương mại điện tử tự xây dựng có tên gọi G Kitchen. Ông Ngọc chia sẻ, có thể nói G là một trong những thương hiệu đầu tư xây dựng và có đầu tư bài bản vào việc bán thực phẩm (cụ thể là thịt heo tươi sống) online, bán hàng qua app. 

Hành trình thay đổi thói quen tiêu thụ thịt sạch người Việt Nam 

Theo ông Ngọc, khi chuyển qua thị trường online, G Kitchen nhận thấy nhiều lo lắng từ phía khách hàng khi tiến hành nghiên cứu thị trường. Người tiêu dùng quen mua thịt tại quầy/ sạp quen thuộc, họ cũng ưu tiên đi chợ sớm để lựa được thịt tươi ngon. 

Do đó, khi lựa chọn sản phẩm online, người tiêu dùng có nỗi lo “thịt sạch” – thịt được kiểm định và an toàn. Bên cạnh đó, thịt còn cần phải tươi, những yêu cầu về độ tươi của thịt gồm độ khô ráo, độ đàn hồi, màu sắc, mùi thơm đặc trưng và màu sắc lớp da.  

Những băn khoăn của khách hàng về thịt sạch
Những băn khoăn của khách hàng khi mua thịt trên sàn thương mại điện tử

Ngoài các lo lắng về sản phẩm, người tiêu dùng còn băn khoăn về giá cả và sự “tiện lợi” khi mua sắm trên thị trường thương mại điện tử. 

Đối mặt với những lo lắng của người tiêu dùng, nền tảng e-commerce G Kitchen có thể đáp ứng được: 

  • Thời gian: Tại G Kitchen cung cấp hai lựa chọn giao nhanh trong ngày chỉ với khoảng thời gian 3H áp dụng với các khu vực nội thành hoặc đặt trước 01 ngày với các khu vực khác 
  • Hình thức thanh toán: Đa dạng lựa chọn thanh toán, với hình thức thanh toán nổi bật đang được lựa chọn nhiều hiện nay là thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ trả sau hoặc thẻ trả trước
  • Dịch vụ sau khi mua: Nếu như ở các sạp chợ truyền thống, các dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi mua hoặc đổi trả gần như không có thì tại G Kitchen, chính sách đổi trả thịt tại nhà hoặc tích điểm trên thẻ thành viên được nhiều khách hàng thích thú 
  • Khuyến mãi: Các chương trình khuyến mãi phổ biến trên e-commerce được áp dụng trên G Kitchen như Sale chớp nhoáng hoặc Ưu đãi dùng thử để tạo động lực mua sắm cho khách hàng 
  • Giá cả: Người mua tại các sạp chợ truyền thống chỉ được biết giá khi giao tiếp với người bán nhưng ở thị trường online, việc công khai giá cả giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng “cân đo đong đếm” 
  • Lựa chọn thịt: Nếu như tại các chợ truyền thống, người mua sẽ nhìn, thậm chí chạm vào để cảm nhận rồi chọn thì ở sàn thương mại điện tử, người mua hàng hoàn toàn có thể tin tưởng  G Kitchen khi luôn đảm bảo thịt có chất lượng tốt đến với khách hàng. 

Chiến lược E-commerce xoay quanh khách hàng 

G Kitchen định vị nền tảng thương mại điện tử không chỉ là một kênh thuần về phân phối sản phẩm mà còn là nơi thương hiệu xây dựng hình ảnh trong mắt khách hàng. 

G Kitchen không chọn phân phối chính qua các ông lớn mà chọn cách tự xây dựng, tự quản lý ứng dụng của riêng mình. Lý giải về điều này, ông Ngọc cho biết, G Kitchen muốn hoàn toàn tự chủ việc tiếp cận và tối ưu trải nghiệm khách hàng theo cách của thương hiệu. Các điểm chạm đều được  đo lường, giám sát và nghiên cứu để phát triển thêm như chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết, hotline hỗ trợ 24/7…    

Đúc kết từ chiến lược xây dựng thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, ông Ngọc cho hay, khi hành vi tiêu thụ của khách hàng ở kênh truyền thống và kênh điện tử khác nhau, việc sở hữu và thấu hiểu dữ liệu từ hành vi khách hàng là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp đạt được thành công. 

Kết 

Miếng bánh khổng lồ thương mại điện tử có đủ khả năng đưa thương hiệu thành công nhưng cũng sẵn sàng nuốt chửng thương hiệu nếu chiến lược không đúng. Nhận thấy tiềm năng khai thác cực lớn cũng như khả năng kiểm soát rủi ro từ nền tảng này, G Kitchen đã gặt hái những thành tựu nổi bật nhờ chiến lược đường dài đúng đắn.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).

Theo dõi các sự kiện MBA Talk tiếp theo tại đây.