Kinh nghiệm triển khai ESG với lăng kính của các CFO

ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã trở thành một hoạt động chiến lược quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thức tỉnh mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với trách nhiệm môi trường và xã hội.

Cùng điểm lại những thông tin kiến thức được cập nhật từ hội thảo MBA Talk #104 do viện ISB phối hợp Đại học Western Sydney tổ chức để có thêm sự chuẩn bị cho quá trình triển khai ESG trong doanh nghiệp

Báo cáo ESG: cần lượng hóa để minh bạch và thuyết phục

Chia sẻ tại MBA Talk #104, chị Trần Lê Na – Former Chief Financial Officer, MiTek nhận định: “ESG không chỉ tác động đến các hoạt động kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư dài hạn để đảm bảo sự bền vững từ gốc rễ.” 

ESG bao gồm ba yếu tố cơ bản: Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance). “Để có một báo cáo ESG minh bạch và thuyết phục, cần số hóa các hoạt động ESG thông qua các chỉ số đo lường cụ thể và đặc trưng của 3 trường E – S – G.” – Chị Na khẳng định. Báo cáo ESG sẽ được CEO công bố hằng năm, nhằm thể hiện sự cam kết vững chắc và liên tục của doanh nghiệp với mục tiêu tạo dựng môi trường kinh doanh xanh. 

MBA Talk: chỉ số đo lường ESG
Bà Trần Lê Na đề xuất các chỉ số đo lường ESG.

Về Environment, một trong những chỉ số quan trọng là lượng khí thải từ các hoạt động doanh nghiệp và phương tiện giao thông mà doanh nghiệp sử dụng. Doanh nghiệp cần đánh giá xu hướng tăng giảm của khí thải hằng năm và có kế hoạch giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, nguồn điện sử dụng trong sản xuất cũng cần được xem xét kỹ lưỡng liệu nhà cung cấp điện năng có đáp ứng các yêu cầu của ESG không. 

Ở khía cạnh Social, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là sự đa dạng trong lực lượng lao động. Tỷ lệ nữ giới, người da màu hay các nhóm dân tộc thiểu số trong công ty không chỉ là những con số cần theo dõi mà là những giá trị cần được tôn trọng và thúc đẩy. Để phối hợp nhịp nhàng, trong nội bộ MiTek thành lập một số cộng đồng nhân viên như ACT (Abilities Celebrated Together – giúp cải thiện cảm xúc và gắn kết nhân viên), BEN (Black Employee Network – đại diện cho người da màu), Pride (cộng đồng LGBTQIA),… Những cộng đồng này sẽ giúp nhân viên dễ tìm thấy “bộ lạc” của mình và có thêm sức mạnh trong việc hòa nhập và thể hiện trong môi trường tập thể. 

Đồng thời, số lượng hoạt động nhân ái, như hiến máu đến hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật hay các tổ chức từ thiện, đều là những chỉ số quan trọng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đặc biệt trong ngành sản xuất, an toàn lao động là yếu tố then chốt, bao gồm tỷ lệ tai nạn lao động và các biện pháp đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

MBA Talk: bà Trần Lê Na

Về mặt Governance, một trong những yếu tố thiết yếu là bảo mật dữ liệu. Trong thế giới công nghệ hiện đại, các công ty không chỉ cần bảo vệ thông tin nội bộ mà còn phải đảm bảo rằng các dữ liệu được xử lý và truyền tải một cách an toàn và bảo mật. Mỗi năm, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán từ các công ty kiểm toán uy tín từ Big4 để đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong các hoạt động tài chính quản trị. 

Với kinh nghiệm triển khai, bà Trần Lê Na bày tỏ: “Đạt được những chỉ số này không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều về nguồn vốn, công sức và thời gian. Việc đầu tư nâng cao chỉ số thậm chí có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút trong ngắn hạn.” Đặc biệt đối với những doanh nghiệp lần đầu thực hiện, việc đo lường các chỉ số này thường gặp phải khó khăn lớn vì nhiều chỉ số khó có thể định lượng một cách rõ ràng. 

MBA Talk #105: chị Trần Lê Na, MiTek

Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì là của ai?

Trước khi tìm hiểu thêm về triển khai ESG thực tế trong doanh nghiệp, anh Vương Nguyễn Đăng KhoaCPA (Aus.), ACMA, CGMA | Group Chief Financial Officer – Maison Group Corporation cùng học viên PSO MBA điểm qua một số quy định pháp lý mà anh cho rằng sẽ là “thước đo” về mặt Environment trong ESG của doanh nghiệp sắp tới. 

Trước đây, các doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm xử lý rác thải trong quá trình sản xuất, còn việc xử lý rác thải sau khi người tiêu dùng sử dụng chưa có quy định pháp lý rõ ràng. Vào đầu năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu đối với việc tái chế sản phẩm và bao bì. Nghị định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các cam kết về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. 

Các trường hợp sau sẽ được miễn trừ trách nhiệm cho các nhà sản xuất và nhập khẩu bao bì dành cho xuất khẩu, bao bì phục vụ nghiên cứu, học tập, thử nghiệm, hoặc sản phẩm có doanh thu dưới một ngưỡng nhất định. Cụ thể, 

  • Các nhà sản xuất bao bì có doanh thu dưới 30 tỷ VND 
  • Các nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu dưới 20 tỷ VND 

Ngoài ra, bao bì được phân loại thành sáu nhóm với mức độ thiết yếu để tái chế tăng dần: thực phẩm, mỹ phẩm, hóa phẩm, dược phẩm, sản phẩm tẩy rửa và bao xi măng. Các quy định áp dụng sẽ được triển khai theo lộ trình từ 2024 đến 2027, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thích ứng.

MBA Talk #104: Lộ trình tái chế bao bì
Lộ trình tái chế các loại sản phẩm, bao bì

Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ có hai phương án để thực hiện nghĩa vụ tái chế sản phẩm và bao bì. Thứ nhất, doanh nghiệp có thể chọn 1 trong ba phương án tái chế: tự xây dựng bộ phận tái chế nội bộ (recycling in-house), thuê đơn vị tái chế chuyên nghiệp, hoặc hợp tác với các tổ chức trung gian, thường là các hiệp hội liên kết doanh nghiệp với các nhà tái chế. 

Thứ hai, nếu chưa ưu tiên việc tái chế, doanh nghiệp có thể đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Khi đó, nhà nước sẽ thay doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế. 

Để tính phí đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường, công thức tính phí được xác định theo tỷ lệ tối thiểu sản phẩm phải tái chế (R), sản lượng sản xuất (V) và mức phí tái chế (Fs). Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải đóng góp phí theo công thức: P = R * V * Fs

Fs tính chi phí đóng quỹ BVMTVN
Bảng tra Fs theo phân loại sản phẩm và bao bì

ESG ảnh hưởng đến Mô hình Tài chính: lăng kính từ “nhà bia”

>> Xem thêm: Giải mã tác động của ESG đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp

Bối cảnh và định hướng

Trước Nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hiện đang bắt gặp các yêu cầu mới liên quan đến tái chế các sản phẩm bao bì.

Hai loại bao bì phổ biến trong ngành bia là lon nhôm và chai thủy tinh. So với chai thủy tinh, lon nhôm có giá bán cao hơn. Tuy nhiên, chai thủy tinh mang lại lợi nhuận gộp cao hơn. Thêm vào đó, các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ và xu hướng tiêu dùng bền vững trong cộng đồng người tiêu dùng, bia chai đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên hơn. Bia chai, nếu được tái chế đúng cách, có thể được sử dụng nhiều lần và là một giải pháp bao bì khá thân thiện với môi trường. 

Theo ông Vương Nguyễn Đăng Khoa, các công ty sản xuất bia đang nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cân bằng hai mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận và điều hướng nhận thức của người tiêu dùng khi lựa chọn bao bì sản phẩm. Do đó, trong chiến lược phát triển sản phẩm, họ tập trung vào việc cung cấp những lựa chọn tiêu dùng thân thiện với môi trường, trong đó bia chai thủy tinh sẽ là bao bì chủ lực.

MBA Talk #104: anh Khoa Vương, Maison

Quyết định chiến lược trong việc phân bổ chi phí

Việc xác định phí tái chế và đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường không chỉ đơn thuần là vấn đề tuân thủ pháp luật mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc chi phí trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào cách phân bổ chi phí này – vào COGS (Cost of Good Sold) hay G&A (General & Administration Expenses) – doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những tác động khác nhau về mặt tài chính. 

Các loại bao bì như lon nhôm, thùng bia carton, chai thủy tinh, và két nhựa sẽ thuộc đối tượng cần tái chế. 

Trong đó, các sản phẩm như chai bia thủy tinh và két bia nhựa có thể được tái chế trực tiếp trong quy trình sản xuất của công ty, ví dụ như nghiền nhỏ và tạo hình. Trong khi lon nhôm và thùng carton đòi hỏi một quy trình tái chế chuyên nghiệp với chuyên môn cao hơn và có thể sẽ phải hợp tác với các đơn vị bên ngoài. Hai phương án tái chế khác nhau sẽ dẫn đến các dòng chi phí khác nhau. 

Nếu phí tái chế được ghi nhận vào COGS, điều này sẽ trực tiếp làm giảm Gross margin (lợi nhuận gộp), ảnh hưởng đến khả năng sinh lời từ hoạt động sản xuất. Ngược lại, nếu được tính vào G&A hoặc Selling expenses, chi phí này sẽ tác động đến chiến lược chi phí hoạt động, làm thay đổi cách thức hoạch định ngân sách và kế hoạch tài chính dài hạn của công ty.

Lấy ví dụ cụ thể, doanh thu của công ty là 2 tỷ USD và gross margin khoảng 40%, chi phí sản xuất (COGS) sẽ vào khoảng 1,4 tỷ USD. Trong đó, 60% (tương đương 1 tỷ USD) là chi phí bao bì. Nếu phí tái chế được tính vào COGS, doanh nghiệp sẽ phải chịu một khoản chi phí lớn, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể. 

Chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí

Đầu tư vào hoạt động tái chế chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí phát sinh. Tuy nhiên, việc tăng giá không đơn giản và phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp lý và không làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là: Tăng giá bao nhiêu là hợp lý? Tăng giá trong bao lâu? Tăng giá cho bao nhiêu SKU (mã sản phẩm) là phù hợp?Lộ trình tăng giá nào là tối ưu?

Những câu hỏi này sẽ dẫn đến một loạt các thảo luận quan trọng giữa bộ phận FinanceCommercial Team, vì quyết định điều chỉnh giá bán không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn tác động sâu sắc đến toàn bộ hệ thống phân phối. Mỗi tầng phân phối (distributor) có thể phải đối mặt với giá bán khác nhau, và việc điều chỉnh giá cho từng đối tượng sẽ tạo ra những hệ quả nối tiếp phức tạp. Hoặc, thành lập các pháp nhân có năng lực tái chế cũng là một lựa chọn chiến lược, nằm trong chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu và tính chuyên môn cần thận trọng xem xét trước triển khai cho phù hợp tại Việt Nam.

MBA Talk #104: anh Khoa Vương, Maison

Tóm lại, việc đầu tư vào tái chế sẽ tạo ra một loạt các tác động về chi phí mà doanh nghiệp phải cân nhắc trong chiến lược giá bán. Quyết định tăng giá không chỉ là một phép toán tài chính đơn giản mà còn cần phải xem xét kỹ lưỡng về tính cạnh tranh của sản phẩm, sự nhạy cảm của thị trường, và lộ trình điều chỉnh giá sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Kết

Kết luận tại MBA Talk #104, anh Vương Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ với lập trường rõ ràng: “Ngay cả khi trong bối cảnh nền kinh tế đang chưa phục hồi, doanh nghiệp cần thận trọng chi tiêu, vẫn không nên cắt chi phí ESG nếu đang triển khai, vì ESG là chi phí phát triển đầu tư cho tương lai chứ không phải chi phí vận hành đơn thuần”.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).