Kinh nghiệm tự học: Công thức 70-20-10
Hiện nay, tập đoàn Hitachi Vantara Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình 70-20-10 nhằm khuyến khích nhân viên có thể tự học và phát triển bản thân. Trong chuỗi chương trình MBA for Success do Viện ISB tổ chức, ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Hitachi Vantara, kiêm Tổng giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam, đã bàn luận nhiều về mô hình 70-20-10 thông qua chủ đề “Thử thách Chuyển đổi số – Lãnh đạo và Học tập”.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh là cái tên quen thuộc trong giới chuyên gia công nghệ. Ông từng là quản lý cấp cao nhiều công ty đa quốc gia như: IBM, Microsoft, Hewlett Packard, Schneider Electronic. Năm 2018, ông gia nhập Hitachi Vantara Việt Nam – công ty thuộc tập đoàn Hitachi, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản chuyên giải quyết các thách thức số cho khách hàng và được hơn 80% các doanh nghiệp thuộc nhóm Fortune 100 tin tưởng hợp tác.
Mô hình 70-20-10 trong công ty
Hiện nay, trong các công ty, nhân viên luôn được tạo cơ hội học tập. Về việc này, ông Nguyễn Bá Quỳnh cho biết công ty đang theo mô hình “70-20-10”. Trong đó, 70% kiến thức mới cho người lao động nâng cao tay nghề sẽ có ngay trong từng công việc mà họ đang đảm nhiệm. Công ty sẽ tạo điều kiện giao các dự án, nhiệm vụ thú vị và đa dạng giúp nhân sự khám phá và rút ra kinh nghiệm cho mình.
20% việc học từ các đồng nghiệp. Muốn như vậy, nhân viên cần có tâm trí rộng mở và luôn sẵn lòng giao tiếp, hỏi han với các đồng nghiệp của mình. 10% còn lại đến từ các khóa học được công ty tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng của người lao động.
Giá trị của sự tự học
Cũng trong cùng số phát sóng, PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB – nhấn mạnh về giá trị của sự tự học như một kim chỉ nam trên con đường chuyển đổi số. Ông cho rằng, học sinh Việt Nam trước nay thường theo “mô tuýp” học thật tốt ở phổ thông và đại học là xong. Ngày nay, cái mới xuất hiện gần như mỗi ngày. Do vậy để tồn tại, các bạn trẻ vẫn luôn phải tự tìm tòi để cập nhật kiến thức cho mình.
Ông Quân khẳng định: Dù vô số cái mới có xuất hiện, nhưng nguyên lý của chúng sẽ không thay đổi, chỉ có cách làm khác đi. Vì vậy, kinh nghiệm mà các bạn trẻ tích lũy không phải là cách thức làm những việc hôm qua, mà là sự ứng biến linh hoạt để giải quyết vấn đề mới hôm nay và ngày mai.
Lời kết
Người trẻ có thể áp dụng mô hình này vào chính công việc mình đang làm. Việc trở nên cởi mở, không ngại lăn xả để tiếp nhận kiến thức sẽ giúp người trẻ nâng cao năng lực, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.
MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được dẫn dắt bởi PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB – nhằm cung cấp những chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.