Được biết, anh Quân đang đảm nhiệm vị trí leader một team phân tích dữ liệu cho Công ty ShopeeFood. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc hiện tại của mình?
Tôi là Bạch Hoàng Quân, Lead Commercial Business Intelligence, ShopeeFood, học viên PSO MBA khóa 2024. Hiện tại, tôi đang quản lý một team nhỏ với ba bạn. Công việc của chúng tôi chủ yếu xoay quanh việc phân tích dữ liệu “thô” thu thập từ nhà bán hàng, người dùng. Từ các dữ liệu được phân tích, tôi có thể gợi ý việc điều chỉnh ngân sách cho các chiến dịch Marketing.
Đâu là yếu tố giúp anh quyết định chọn chương trình Thạc sĩ Kinh doanh PSO MBA?
Tôi đăng ký chương trình PSO MBA vì chất lượng đào tạo uy tín, chương trình học thực tiễn, cùng các giảng viên dày dạn kinh nghiệm.
Là cựu sinh viên Viện ISB, tôi tin tưởng vào chất lượng đào tạo Thạc sĩ của trường. Chương trình học được thiết kế với 2 giai đoạn kết hợp kiến thức kinh doanh nền tảng và kỹ năng thực tiễn hoàn toàn phù hợp với nhu cầu học MBA của tôi. Ngoài ra, tôi còn có thể mở rộng kết nối với mạng lưới chuyên gia rộng lớn làm việc tại các tập đoàn.
Trước đây, tôi thường chú trọng phát triển kỹ năng chuyên môn. Khi trở thành leader một team nhỏ, tôi bắt đầu quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng lãnh đạo để đội nhóm phát triển xa hơn trong tương lai.
Từ quan điểm cá nhân, tôi nghĩ các bạn với nền tảng kỹ thuật nên học MBA vì đó là sự bổ trợ tuyệt vời. Bạn có thể hỗ trợ đội nhóm phát huy tiềm năng, thế mạnh khi có kiến thức quản trị được hệ thống hóa, cùng kỹ năng chuyên môn vững chắc. Từ đó, đội nhóm sẽ được dẫn dắt hiệu quả, đúng định hướng trong tương lai.
Anh gặp khó khăn gì khi học PSO MBA?
Tôi nghĩ cân đối thời gian là điều khó khăn nhất khi học MBA. Khi bắt đầu chương trình, việc đi làm đã chiếm phần lớn thời gian trong một ngày. Vì vậy, tôi chưa thể bắt kịp cường độ “nặng” của chương trình nên có phần “đuối sức” khi tham gia lớp học MBA vào cuối tuần.
Tuy nhiên, xem lại thời khóa biểu và phân bổ thời gian cụ thể cho từng đầu mục việc phải làm trong ngày đã giúp tôi sắp xếp ổn thỏa tất cả công việc. Hiện nay, tôi đã hình thành được tính kỷ luật và bắt kịp với nhịp độ công việc, học tập.
Đâu là môn học cho anh nhiều ấn tượng nhất trong suốt quá trình học PSO MBA?
Trước đây, công việc của tôi chỉ “thuần” về phân tích, xử lý dữ liệu. Vì vậy, tôi cực kỳ ấn tượng với môn Data-driven in Digital Marketing do thầy Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng bộ phận Thương mại Điện tử, Schneider Electric Việt Nam & Campuchia giảng dạy tại chương trình.
Nhờ tham gia vào lớp học, tôi hiểu rằng mọi chiến dịch Marketing đều cần được làm rõ mục tiêu cụ thể: tăng mức độ nhận diện thương hiệu hay chú trọng vào doanh số. Dựa vào mục tiêu đó chúng ta sẽ xem xét các chỉ số phù hợp để theo dõi. Ví dụ, đối với mục tiêu tăng mức độ nhận diện thương hiệu, thầy Tiến hướng dẫn học viên cần theo dõi chỉ số Impression / User đánh giá tần suất khách hàng tiếp xúc với quảng cáo. Về mục tiêu doanh số, học viên cần theo dõi chỉ số Conversion Rate hoặc Click-through-rate để quan sát hiệu quả chuyển đổi khách hàng.
Sau môn học, việc so sánh hiệu quả chiến dịch với tiêu chuẩn thị trường là vô cùng quan trọng.
Giảng viên yêu thích nhất của anh là thầy/ cô nào?
Cô Mai Linh Lê, General Manager for Indochina at HALEON trong môn Leadership and HR Management đã giúp tôi định hình phong cách lãnh đạo. Trong một lần giảng dạy, cô chia sẻ về tầm quan trọng của việc sử dụng trí tuệ cảm xúc (EQ) để giải quyết vấn đề. Cô cho rằng nếu vận dụng EQ hiệu quả, các bên liên quan cũng hài lòng hơn khi làm việc cùng và công việc cũng được giải quyết trôi chảy hơn.
Trước đây, tôi luôn giữ hai luồng suy nghĩ trong cách giải quyết vấn đề: chỉ có đúng hoặc sai. Sau môn học của cô Mai Linh, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về góc nhìn khác nhau của các bạn và phân tích, lắng nghe những quan điểm. Từ đó, tôi có thể kết luận chậm lại để rút ra cách làm việc tốt hơn cho bản thân.
Anh đã có những thay đổi gì sau khi tham gia chương trình PSO MBA?
Về kiến thức, tôi học được thêm về cách đọc dữ liệu của các chiến dịch Marketing và hiểu được chỉ số nào phù hợp với mục tiêu mà công ty đã đề ra. Về tư duy quản lý, tôi có thể điều chỉnh lại phương pháp phù hợp vì tôi hiểu rằng cách quản lý từng nhân viên cũng khác nhau.
Để phát triển các mối quan hệ, tôi thường kết nối LinkedIn và liên hệ các bạn nếu cần trao đổi thêm về kiến thức chuyên môn hay kỹ năng mới. Nhờ kết nối với các bạn và các chuyên gia, thầy cô giảng viên, tôi có thể nhận thêm tư vấn về cơ hội nghề nghiệp.
Trong quá trình làm việc nhóm, tôi gặp gỡ những con người mới với kỹ năng chuyên môn thuần thục. Chẳng hạn, tôi được làm chung với một bạn làm việc trong lĩnh vực Marketing tại công ty Sony Electronics Việt Nam. Bạn đã hướng dẫn tôi cách kể chuyện bằng số liệu một cách trực quan hơn thay vì chỉ xử lý dữ liệu thô như trước đây. Hiện tại, các “câu chuyện” của tôi đã sinh động, dễ hình dung hơn rất nhiều.
Lời khuyên của anh cho các bạn đang cân nhắc chương trình PSO MBA này là gì?
Nếu như bạn đã sở hữu nền tảng chuyên môn vững chắc và đang muốn tìm cách nâng cao kỹ năng, kiến thức quản lý; PSO MBA sẽ là một chương trình phù hợp cho bạn. Tại đây, cộng đồng giảng viên, chuyên gia rộng lớn với vốn kiến thức, kinh nghiệm dày dạn sẽ giúp bạn tích lũy “nguồn lực” để hoàn thiện vai trò quản lý của mình.
PSO MBA là chương trình thạc sĩ kinh doanh chuẩn quốc tế, được thiết kế bởi Đại học Western Sydney, Australia thuộc Top 1% Đại học xuất sắc nhất thế giới.