Chị Nguyễn Thị Cúc - Supply chain manager, IT&R Global
Case study

Nguyễn Thị Cúc

Supply Chain Manager - IT&R Global

“Văn hóa tại Úc rất chú trọng vào trải nghiệm thực tế. Thế nên, tôi dần biết cách mở lòng để trải nghiệm những điều mới mẻ: từ dám du lịch một mình từ Sydney đến Melbourne hay mạnh dạn thử sức lãnh đạo đội nhóm với nhiều thành viên đến từ các nước khác nhau” – Chị Nguyễn Thị Cúc – Supply Chain Manager, IT&R Global chia sẻ. 

PSO MBA

 

*Động lực nào thúc đẩy chị quay lại con đường học vấn để chinh phục tấm bằng MBA?

Với nền tảng trong lĩnh vực Hệ thống Thông tin Quản lý, tôi bắt đầu sự nghiệp với vai trò Business Analyst. Sau đó, tôi chuyển sang thử sức trong lĩnh vực Supply Chain. 

Qua quá trình làm việc, tôi nhận ra mình vẫn còn “non” ở những kỹ năng như quản trị đội nhóm, quản trị con người, cũng như kỹ năng lãnh đạo. Và đây là những yếu tố phải có để xây dựng sự nghiệp đường dài. 

Chính những nhận thức này đã thôi thúc tôi tìm hiểu về chương trình MBA. Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi tin rằng MBA không chỉ là một tấm bằng, mà là cơ hội để tôi lấp đầy những thiếu hụt đó một cách có hệ thống và toàn diện. 

*Cơ duyên nào đã khiến chị quyết định lựa chọn hình thức du học chuyển tiếp bậc Thạc sĩ tại WSU (Úc)?

Là một cựu sinh viên UEH, tôi có cơ hội biết đến chương trình Thạc sĩ liên kết giữa ISB và Western Sydney University. Điều thu hút tôi từ đầu chính là đội ngũ giảng viên nhiệt tình và giàu kinh nghiệm.

Chương trình mang tính linh hoạt cao khi cho phép sinh viên lựa chọn giữa việc học toàn phần tại Việt Nam hoặc theo mô hình chuyển tiếp – giai đoạn 1 tại Việt Nam và giai đoạn 2 tại Úc. Ban đầu, tôi còn lo lắng rằng mình chưa đủ kinh nghiệm và còn nhiều kỹ năng cần hoàn thiện.

Tuy nhiên, sau một năm học tại Việt Nam, tôi cảm nhận được những thay đổi tích cực trong bản thân. Tôi hiểu rõ hơn về chính mình, dần quen thuộc với văn hóa Úc và cải thiện đáng kể kỹ năng tiếng Anh. Những tiến bộ này giúp tôi nhận ra rằng đây chính là thời điểm thích hợp để thực hiện giấc mơ du học mà tôi đã ấp ủ từ lâu. 

*Kỷ niệm học thuật tại Úc nào khiến chị ấn tượng nhất? 

Môn BAP (Business Analyst Project) mang đến cho tôi cảm giác như làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia thu nhỏ. Tôi được làm việc với nhiều bạn đến từ nhiều nước, vì thế mỗi người đều có sở thích và cá tính riêng. Điều này đã tạo ra những tình huống khá thú vị.

Ví dụ, ngay cả việc đi ăn cùng nhau cũng trở thành một thử thách. Có bạn không ăn được thịt bò, có bạn chỉ chọn quán có chứng nhận Halal, hoặc có bạn lại không ăn được đồ cay. Chúng tôi đã phải khá vất vả để tìm một quán ăn phù hợp với sở thích của tất cả mọi người. Trong quá trình làm việc nhóm cũng vậy, mỗi người đều mang một màu sắc riêng. Điều quan trọng là chúng tôi phải học cách dung hòa cái tôi cá nhân để làm việc hiệu quả. 

Tôi còn có cơ hội được thử sức ở vai trò trưởng nhóm. Tôi nhận ra rằng, một người lãnh đạo cần phải biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của từng thành viên. Chẳng hạn, một bạn có thể rất giỏi Powerpoint nhưng không tự tin để thuyết trình.  Việc nắm bắt được những đặc điểm này sẽ giúp người “đầu tàu” phân chia công việc hợp lý, phát huy tối đa sở trường của mỗi cá nhân, từ đó tạo ra một sản phẩm tập thể hoàn chỉnh. 

Chị Nguyễn Thị Cúc - Supply chain manager, IT&R Global (du học chuyển tiếp)

*Đâu là những trở ngại chị gặp phải khi học tập tại “đất khách”?

Trước đây, dù đi đâu hay làm gì, tôi luôn có gia đình và bạn bè bên cạnh. Thế nên, thử thách lớn nhất có lẽ là học cách sống xa gia đình.

Thêm nữa, lịch học của tôi bắt đầu vào tháng 4, nhưng các kỳ đăng ký ký túc xá lại rơi vào tháng 1 và tháng 7. Thế nên, tôi phải tạm tìm chỗ ở bên ngoài trong khi chờ đến ký đăng ký tiếp theo. Việc tìm được chỗ ở ưng ý giữa thành phố xa lạ thật sự không hề dễ dàng. Sau đó, tôi lại phải tiếp tục thay đổi thói quen đi lại để thích nghi với văn hóa giao thông. Ở Úc, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng, khác hẳn với việc đi lại bằng xe máy như ở Việt Nam. 

Nhưng bây giờ có dịp nhìn lại, tôi cảm thấy mỗi thử thách mình từng vượt qua đều là một trải nghiệm vô giá. Chúng không những giúp tôi trưởng thành hơn mà còn mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm trong chuyến “xuất ngoại” của mình. 

*Chị có thể chia sẻ về những mối quan hệ ý nghĩa mà chị đã xây dựng được trong thời gian du học không?

Quyết định đến ký túc xá là một lựa chọn đúng đắn. Tại đây, tôi được tham gia rất nhiều hoạt động kết nối tập thể như câu lạc bộ, tập yoga, vẽ tranh,…

Đặc biệt, ký túc xá là nơi tôi được gặp gỡ và làm quen với rất nhiều người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Qua những lần trò chuyện, tôi không chỉ học được nhiều điều hay từ chính họ mà còn mở mang hiểu biết về văn hóa, con người của từng quốc gia. Sau khi trở về Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và hứa sẽ cùng nhau đi du lịch, khám phá đất nước của từng thành viên trong nhóm.

Đây có lẽ là điều quý giá nhất mà tôi có được sau hành trình du học. 

Chị Nguyễn Thị Cúc - Supply chain manager, IT&R Global (du học chuyển tiếp)

MBA Alumni: Chị Nguyễn Thị Cúc - Supply chain manager, IT&R Global

*Theo chị, trải nghiệm học tập ở Úc để lại cho chị những ấn tượng gì?

Văn hóa học thuật tại Úc rất chú trọng vào trải nghiệm thực tế, tư duy phản biện và tinh thần làm việc nhóm. Những điều này, dù đã học 12 năm phổ thông và một thời gian ở đại học tại Việt Nam, tôi vẫn chưa có cơ hội được trải nghiệm sâu sắc.

Một điều làm mình vô cùng ấn tượng là sự thân thiện và nhiệt tình của mọi người xung quanh. Đặc biệt, với môn Business Project do Dr. Wayne giảng dạy, tôi nhận ra giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành sẵn sàng giúp đỡ. Thầy là luôn dành thời gian hàng tuần để ngồi lại với nhóm, lắng nghe những khó khăn chúng tôi gặp phải trong quá trình làm việc. Thầy không chỉ đưa ra những lời khuyên trong học tập mà còn chia sẻ nhiều lời khuyên quý giá trong cuộc sống. 

*Chị nhận thấy mình thay đổi như thế nào sau thời gian du học?

Tôi nhận thấy mình tự tin hơn, độc lập hơn. Tôi dám du lịch một mình từ Sydney đến Melbourne. Tôi dám tự trải nghiệm các hoạt động một mình. Có những điều tôi có lẽ chưa từng làm ở Việt Nam thì tôi đã “dám” trải nghiệm ở Úc. 

Một sự cải thiện rõ rệt khác là kỹ năng tiếng Anh. Sinh sống và học tập trong môi trường đa quốc gia đòi hỏi tôi phải sử dụng tiếng Anh hằng ngày, bao gồm cả tiếng Anh học thuật và tiếng Anh giao tiếp. 

Chị Nguyễn Thị Cúc - Supply chain manager, IT&R Global (du học chuyển tiếp)

*Chị có nhắn nhủ gì đến các bạn cũng có dự định du học thạc sĩ chuyển tiếp?

Lời nhắn nhủ duy nhất mà tôi muốn gửi đến các bạn có dự định du học thạc sĩ chuyển tiếp là: Hãy đừng chần chừ nữa, mạnh dạn xách balo và đi!

Trước đây, tôi cũng đã từng đắn đo liệu có nên sang Úc du học hay không. Nhưng cho đến bây giờ, tôi khẳng định rằng mình chưa bao giờ hối tiếc về quyết định đó. Một năm ở Úc đã mang lại cho tôi vô vàn những trải nghiệm và bài học quý giá, những điều mà tôi tin rằng mình sẽ khó có được nếu chỉ ở Việt Nam.