MBA Alumni - Chị Tạ Thị Ngọc Quí
Case study

Tạ Thị Ngọc Quí

Supplier Lead - Schneider Electric

Đầu tiên, chị Quí hãy giới thiệu đôi nét về bản thân và công việc hiện tại?

Tôi là Tạ Thị Ngọc Quí, hiện đang gắn bó cùng công ty Schneider Electric với vai trò Supplier Lead. Với niềm đam mê mãnh liệt về kinh tế và chuỗi cung ứng, cùng hơn 15 năm kinh nghiệm tích lũy, tôi đã từng đảm nhiệm các vị trí như Sourcing Manager và Category Manager. 

Đâu là động lực/ thời điểm mang tính bước ngoặt cho quyết định lựa chọn PSO MBA? Những mục tiêu, mong đợi của chị với quyết định chương trình thạc sĩ này là gì?

Mục tiêu học MBA luôn nằm trong kế hoạch dài hạn của tôi. Trong hai năm, từ 2021 đến 2022, vì cảm nhận bản thân không có sự đột phá, tôi đã chuyển việc ba lần. Tuy nhiên, với kiến thức hiện tại, tôi khó có thể tiến xa hơn. Sự thôi thúc thay đổi mạnh mẽ trỗi dậy bên trong. Vì vậy, cuối năm 2021, tôi bắt đầu tìm hiểu các chương trình MBA trong và ngoài nước.

Cuối cùng, tôi quyết định chọn chương trình PSO MBA vì hai lý do chính:

Thứ nhất, tôi luôn khao khát được đi du học, nhưng với công việc hiện tại và trách nhiệm gia đình, việc nghỉ 2 năm để học ở nước ngoài là vô cùng khó khăn. Vì vậy, chương trình PSO MBA, với môi trường học tập và phương pháp giảng dạy từ Úc, mang lại cho tôi cảm giác thuận tiện như “du học tại chỗ”.

Thứ hai, cộng đồng PSO rất mạnh mẽ và gắn kết, vì vậy khi tham gia vào cộng đồng này, việc phát triển bản thân không chỉ giới hạn trong 2 năm học mà còn kéo dài mãi mãi. 

Với những giá trị ý nghĩa như vậy, tôi đã chọn chương trình PSO MBA.

Sau 2 năm học tập, tôi cảm nhận được không chỉ kiến thức nền tảng được nâng cao với các mô hình và khái niệm kinh doanh cập nhật mới, mà các kỹ năng mềm như đàm phán, thuyết trình, và phân tích vấn đề cũng được phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, hình ảnh cá nhân của tôi cũng được các thầy cô tư vấn và trau chuốt, giúp tôi xây dựng một cá nhân chuyên nghiệp và chất lượng cả về tư duy, kiến thức và ngoại hình. Từ đó, một phiên bản tốt hơn của tôi đã được hình thành.

Nhìn lại hành trình học tập MBA vừa qua, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?

Điều tôi tự hào nhất là đã vượt qua được sự thúc giục từ bỏ từ bên trong bản thân mình.

Tôi vẫn còn nhớ khi bắt đầu hành trình PSO MBA, nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Dù may mắn làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia với nền tài chính ổn định, mỗi ngày đi làm, tôi đều nhận thông báo về những thay đổi chiến lược của công ty để tăng lợi thế cạnh tranh, công ty triển khai nhiều dự án cải thiện chi phí, tinh gọn chuỗi cung ứng và cải thiện nội bộ. Điều đó khiến khối lượng công việc của tôi tăng lên đáng kể.

Đồng thời, là một người phụ nữ có gia đình, tôi phải dành nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” – Đó không chỉ là cụm từ trong sách vở mà là thực tế diễn ra hàng ngày

 trong căn nhà nhỏ của chúng tôi. Có những lúc, sau khi con ngủ, tôi mới có thể mở máy tính để bắt đầu làm bài tập MBA. Việc học chương trình quốc tế như PSO MBA đòi hỏi sự tập trung cao độ, tinh thần tự học và phát triển bản thân, cùng với lượng lớn bài tập nhóm và cá nhân.

Nhưng sau mỗi lần muốn từ bỏ, tôi lại tự nhủ cố gắng thêm một chút nữa. Và rồi một ngày nối tiếp một ngày, một học kỳ nối tiếp một học kỳ. Mỗi môn học được vượt qua đều là một chiến thắng nhỏ giúp tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thật sự yêu thương và tự hào về bản thân đã vượt qua được những thử thách không hề nhỏ trong 2 năm vừa qua và chiến thắng chính mình.

Được biết chị vừa tham gia sự kiện WSU Award Ceremony nhờ thành tích học tập xuất sắc, vậy đâu là bí quyết để chị đạt được thành tựu đó?

PSO MBA là một chương trình đầy giá trị và thực tiễn. Điểm đặc biệt của chương trình không chỉ nằm ở các bài tập và thi cá nhân, mà còn có những dự án nhóm với phần trọng số đánh giá cao. Vì vậy, để đạt được thành tích học tập xuất sắc, ngoài việc nỗ lực cá nhân hàng ngày, làm việc nhóm hiệu quả cũng đóng góp đáng kể.

Câu chuyện của nhóm tôi có thể là một sự may mắn và cũng là một cái duyên. Nhóm được lựa chọn thông qua hệ thống sắp xếp ngẫu nhiên của nhà trường cho môn học đầu tiên. Sáu con người từ năm nhóm ngành khác biệt hoàn toàn, đến từ những vùng quê khác nhau, đã dung hòa và hỗ trợ, cùng nhau tạo ra nhiều giá trị chung và đạt được vô số điểm H và HD cho các bài thi nhóm.

Đến thời điểm này, ngoài thành tích học tập được ghi nhận tại WSU Award Ceremony, điều đặc biệt là mối quan hệ bền chặt mà chúng tôi vẫn đang gìn giữ. Mối quan hệ không chỉ dừng lại ở sáu thành viên ban đầu, mà còn mở rộng ra vòng bạn bè của mỗi người. Đây là điều quý giá nhất mà chúng tôi cảm nhận được là không chỉ có thêm bạn học, mà còn có những người bạn thật sự vượt thời gian.

Chị có thể chia sẻ cụ thể về một hoặc hai môn học mà chị cảm thấy thử thách nhất? 

Trước khi bước vào giai đoạn 2, cả lớp chúng tôi phải đối mặt với thử thách khủng khiếp mà chúng tôi gọi là “Hố tử thần”. Chỉ cần một chút mất tập trung, bạn sẽ trượt dài không ngừng.

Tôi vẫn nhớ rõ như in thời điểm bắt đầu “cuộc chiến” vào tháng 10 năm 2023, cũng là khởi đầu của quý cuối cùng trong năm. Quý cuối cùng của năm là thời điểm chạy KPI, gấp rút hoàn thành dự án, chốt sổ sách và chốt sales. Nói chung, ngay cả việc thở cũng khiến bạn cảm thấy mình đang chiếm dụng quá nhiều thời gian.

Tuy nhiên, thử thách không bao giờ đến một mình. Vào quý 4 năm 2023, thử thách thứ hai đã xuất hiện. Thầy Saram, xuất phát điểm là một kỹ sư, nhưng với sự nhạy bén của mình, thầy đã tham gia vào nhiều dự án đầu tư và quản lý quốc tế. Kinh nghiệm của thầy vượt xa sự tưởng tượng của chúng tôi. Nhưng điều làm chúng tôi “choáng váng, hết hồn đến bật ngửa” chính là phương pháp giáo dục của thầy.

Thầy chọn phương pháp giáo dục thông qua trò chơi mô phỏng. Chúng tôi được đại diện cho các doanh nghiệp trong thế giới ảo, nhưng thông tin và cách thức vận hành lại vô cùng thực tế. Hàng ngày, thầy đăng các bài phân tích thị trường vào những khung giờ “vàng”, kèm theo hàng trăm trang dữ liệu. Quyết định kinh doanh của chúng tôi phải phản ánh khả năng hiểu và phân tích trọng điểm của những dữ liệu đó. Cả lớp như những chiếc máy scan được tích hợp AI, mỗi thành viên, không ai bảo ai, đều tự giác nỗ lực 200% vì mục tiêu chung. Bên cạnh đó, lớp học trở thành một cuộc chiến tranh luận sôi động. Thầy và chúng tôi cùng đưa ra các quan điểm đầu tư và kinh doanh khác biệt, sau đó phản biện và thuyết phục lẫn nhau về luận điểm của mình.

Chúng tôi tham gia môn Integrated Business Experience với sự say mê và đạt được kết quả vô cùng mỹ mãn. Chúng tôi vô cùng biết ơn thầy vì đã tôi rèn cả lớp thành những thanh thép cứng rắn về tri thức và sắc bén trong ngôn ngữ thuyết trình. Hiện tại và mãi mãi về sau, mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau, IBE sẽ luôn là ký ức không thể nào quên. IBE và thầy Saram đã trở thành những kỷ niệm rực rỡ trong thanh xuân của chúng tôi.

Nhìn lại thì PSO MBA đã mang lại cho chị những thay đổi gì?

Sau khi hoàn thành chương trình MBA, tư duy của tôi đã chuyển biến toàn diện. Trước hết, tôi đã phát triển tư duy phổ quát, giúp nhìn nhận bức tranh toàn cảnh và tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp thay vì bị cuốn vào chi tiết nhỏ nhặt. Song song với đó, tư duy chiến lược của tôi cũng được nâng tầm – không còn đưa ra các quyết định tức thời mà thay vào đó là những tư duy dài hạn kết hợp với chiến lược kinh doanh rõ ràng. MBA còn giúp tôi trở nên sắc bén hơn với các con số; giờ đây, số liệu không chỉ đơn thuần là con số, mà là nền tảng quan trọng cho các quyết định tương lai. Đặc biệt, tư duy sáng tạo và sự tự tin của tôi cũng được nâng cao đáng kể, giúp tôi tự tin hơn trong thuyết trình, đàm phán và giao tiếp với đối tác kinh doanh.

Chương trình MBA đã trang bị cho tôi nền tảng kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Các môn học về quản lý nhân sự đã cung cấp nền tảng vững chắc, giúp việc quản lý thành viên trong phòng ban trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ rất nhiều cho quá trình thăng tiến trong công việc. Kiến thức tài chính tôi tiếp thu được giúp đưa ra các quyết định có tính chiến lược cao hơn, tránh những tác động tiêu cực đến dòng tiền của doanh nghiệp. Các báo cáo nội bộ và quyết định dựa trên số liệu ngày càng chính xác và hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở kiến thức kinh tế truyền thống, các môn học về phân tích dữ liệu đã giúp tôi áp dụng AI vào công việc hiện tại một cách dễ dàng hơn, giúp số hóa quy trình và tiết kiệm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.

Và cuối cùng MBA không chỉ mang lại kiến thức mà còn giúp tôi phát triển nhiều kỹ năng thiết yếu. Kỹ năng thấu hiểu người khác được nâng cao thông qua quá trình làm việc nhóm và các kỹ thuật đọc vị trong nhân sự được các giảng viên chia sẻ, tạo nền tảng vững chắc cho việc hiểu và phối hợp làm việc giữa các cá nhân tốt hơn. Kỹ năng giao tiếp của tôi cũng được cải thiện rõ rệt thông qua những buổi thuyết trình, tranh luận và đàm phán diễn ra xuyên suốt chương trình học. Đồng thời, tôi trở nên nhạy bén hơn trong việc phân tích dữ liệu và thông tin, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thực tế và mô hình kinh tế. Cuối cùng, kỹ năng quản lý thời gian – khả năng sắp xếp và cân bằng quỹ thời gian hạn chế để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc – là một trong những kỹ năng quý giá nhất tôi học được từ chương trình PSO MBA.

Cuối cùng, chị có nhắn nhủ gì đến các học viên PSO MBA khóa sau? 

Một duy nhất đó là “JUST DO IT”. Hãy làm những gì mà chúng ta cho là đúng. Mỗi chúng ta là một màu sắc và giá trị riêng. Đừng vì một ai hoặc một chút nản lòng mà bỏ qua cơ hội nâng cấp bản thân hàng ngày. Tự tin và kỷ luật sẽ đưa bạn và tôi đến nơi chúng ta mong muốn. Xin chúc PSO MBA sẽ mang lại giá trị vượt trội cho cộng đồng ở hiện tại và tương lai.