Quản trị nhân sự là gì?
Quản trị nhân sự không chỉ là một chức năng doanh nghiệp mà đó còn là nghệ thuật lãnh đạo và dẫn dắt đội nhóm. Nhà lãnh đạo có thể không tinh thông tất cả chức năng doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu hụt hiểu biết về quản trị con người.
Quản trị nhân sự là gì?
Quản trị nhân sự (Human Resource Management) là quá trình cấu trúc, điều tiết và quản lý nhân viên để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức. Các tổ chức thuộc nhiều ngành nghề và quy mô khác nhau đều dựa vào Quản trị nhân sự để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Cha đẻ của Quản trị học hiện đại – Peter Drucker đã khẳng định: “Nhân lực là tài sản quý giá nhất của một tổ chức.”
Do đó, người làm trong lĩnh vực Quản trị nhân sự cần phải xem trọng nguồn vốn con người và khai thác hợp lý để cải thiện sự hài lòng và thúc đẩy động lực của nhân viên. Nhân viên được làm việc trong môi trường tích cực và được tạo điều kiện phát triển sẽ có năng lực hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Chức năng của Quản trị nhân sự không chỉ dừng lại ở các hoạt động cơ bản như tuyển dụng, đào tạo và trả lương. Thực tế, vai trò của nhân sự ngày nay ngày càng trở sâu rộng hơn. Ngoài việc đảm bảo rằng các vị trí trong tổ chức được bổ sung bằng những ứng viên phù hợp, và cung cấp các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng cho nhân viên, bộ phận Nhân sự còn phải triển khai các chiến lược hiệu quả để giữ chân nhân tài.
Việc giữ chân nhân tài đòi hỏi một phương án toàn diện, bao gồm việc xây dựng môi trường làm việc tích cực, cung cấp cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp, cũng như thiết lập các chế độ đãi ngộ hợp lý và công bằng. Điều này không chỉ giúp duy trì sự hài lòng và gắn bó của nhân viên, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa tiềm năng và cống hiến hết mình cho tổ chức.
Quản trị nhân sự và những khía cạnh cốt lõi
Tuyển dụng nhân sự
Tuyển dụng nhân sự là yếu tố nền tảng của quy trình Quản trị nhân sự. Một quy trình tuyển dụng hiệu quả không chỉ giúp chọn lựa những ứng viên có kỹ năng và chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc mà còn đảm bảo rằng họ hòa hợp với văn hóa và giá trị cốt lõi của tổ chức.
Khi các nhân viên hiểu rõ và cùng chia sẻ một mục tiêu chung với tổ chức, họ không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn chủ động đóng góp vào sự phát triển lâu dài của công ty. Sự hòa hợp này chính là khởi đầu cho quá trình hợp tác win-win giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Tuyển dụng là một quy trình nhiều bước từ xác định nhu cầu tuyển dụng, lập bảng mô tả công việc, đăng tin tuyển dụng, sàng lọc ứng viên đến phỏng vấn, onboarding đào tạo và hòa nhập. Vì tính chất phức tạp của quy trình, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển được nhân viên phù hợp ngay lần đầu tiên để tiết kiệm chi phí và tránh tình trạng trì trệ trong thời gian thiếu hụt nhân sự.
Xây dựng chính sách lương thưởng
Trong quản trị nhân sự, việc xây dựng và quản lý chính sách lương thưởng không chỉ là một yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân tài, mà còn là công cụ chiến lược giúp duy trì động lực và nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.
Bộ phận nhân sự dựa trên các tiêu chuẩn ngành để xác định lương cơ bản, hoa hồng, các phúc lợi, thời gian nghỉ phép, những lợi ích phi tài chính khác để đảm bảo sự đãi ngộ công bằng và đồng nhất trong toàn công ty. Mức đãi ngộ phù hợp với kỳ vọng của nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh trên thị trường lao động.
Ngoài ra, một số tổ chức xem lương thưởng là một yếu tố phản ánh chính xác mức đóng góp và năng lực làm việc của nhân viên. Vì thế, không ít phòng nhân sự xây dựng chính sách lương thưởng dựa trên bảng đánh giá hiệu suất của từng nhân viên.
Đào tạo và phát triển nhân viên
“Xây dựng tổ chức học tập chính là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp thích nghi và bứt phá.” – Quan điểm chia sẻ và bàn luận tại hội thảo MBA Talk #81 “How to develop a learning organization?
Đối với tổ chức, việc đầu tư vào đào tạo không chỉ giúp cải thiện hiệu suất chung, nâng cao chất lượng công việc, mà còn là yếu tố then chốt trong việc duy trì khả năng cạnh tranh và thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Một chương trình đào tạo bài bản và đúng trọng tâm là cách tổ chức tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên cảm thấy được chú trọng và xứng đáng để gắn bó lâu dài.
Đối với nhân viên, các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn còn góp phần thu hẹp khoảng cách giữa năng lực cá nhân và khung năng lực nghề nghiệp, từ đó mở ra cơ hội thăng tiến cho nhân viên. Được tham gia các lớp đào tạo sẽ giúp nhân viên tự tin hơn trong công việc, nâng cao sự hài lòng và động lực làm việc vì họ nhận thấy tổ chức thực sự quan tâm đến sự phát triển của từng nhân viên.
Đảm bảo sức khỏe lao động
Tại hội thảo MBA Talk #77, bà Lê Thị Hồng Thắm, Giám đốc Nhân sự tại Colgate-Palmolive (Việt Nam) cho biết tình trạng sức khỏe tinh thần kém ở nơi làm việc gây ra ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lao động và giữ chân nhân sự trên toàn thế giới. Do đó, nhiều nhân viên hiện nay có xu hướng ưu tiên sức khỏe lao động, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần, hơn là lương thưởng. Trong khi lương thưởng có thể tạo động lực ngắn hạn, những phúc lợi liên quan đến sức khỏe lao động lại đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì sự gắn bó với doanh nghiệp.
Đảm bảo sức khỏe lao động cho nhân viên là nhiệm vụ then chốt của quy trình Quản trị nhân sự, giúp nhân viên tiếp cận các dịch vụ thăm khám định kỳ chất lượng, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, và duy trì một môi trường làm việc lành mạnh, không có các hiện tượng tiêu cực như bắt nạt nơi công sở.
Hơn nữa, sức khỏe lao động ổn định giúp nhân viên hạn chế tối đa những phân tán ngoài luồng công việc, từ đó đạt đến trạng thái tập trung và tạo ra kết quả công việc đạt chất lượng cao.
Quản trị nhân sự: Năng lực không thể thiếu của nhà lãnh đạo toàn năng
Thực tế, năng lực Quản trị nhân sự không chỉ là yêu cầu bắt buộc của bộ phận Nhân sự, Quản trị nhân sự còn là một năng lực không thể thiếu đối với một lãnh đạo toàn năng. Người lãnh đạo thực thụ không thể độc lập đưa ra quyết định chiến lược mà còn phải biết cách quản lý – điều hành con người. Nếu không trang bị kiến thức quản trị nhân sự vững chắc, lãnh đạo sẽ khó khăn trong việc xây dựng cấu trúc tổ chức hiệu quả, duy trì sự gắn bó và hợp tác của nhân viên.
Nhà lãnh đạo hơn hết cần nhạy bén trong các tình huống xung đột, giao tiếp hiệu quả và khai mở tiềm năng của nhân viên. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản trị nhân sự tài tình chính là chìa khóa giúp nhà lãnh đạo tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận trong đội ngũ, từ đó hoàn thành sứ mệnh của người dẫn đầu.
>>> Tham khảo Chương trình Thạc sĩ PSO MBA phát triển năng lực lãnh đạo toàn diện