Xác lập giá trị truyền thông thương hiệu: Cần sự minh bạch và dài hạn
Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, ThS. Nguyễn Thị Kim Thoa – Giám đốc truyền thông Philip Morris International (PMI) đã có những đúc kết quý giá về truyền thông thương hiệu và những “nguyên tắc” tạo nên giá trị của một người làm truyền thông.
Trước khi đảm nhận vai trò Giám đốc truyền thông tại PMI, chị Kim Thoa từng theo đuổi tấm bằng MBA và nắm giữ vị trí lãnh đạo các bộ phận truyền thông tại S-Fone, VNG Corporation, và điều hành agency Red Havas hơn 10 năm. Những chia sẻ xoay quanh chủ đề truyền thông thương hiệu đã được chị gửi gắm trong số mới nhất của hội thảo MBA For Success do Viện ISB tổ chức.
Mục lục
Bất kể lĩnh vực nào, truyền thông thương hiệu cũng cần rõ ràng
Có thể nói, bộ phận truyền thông hiện nay không hẳn nhằm mục đích trực tiếp tăng thêm doanh số, bán được thêm nhiều sản phẩm, tiếp thị thêm dịch vụ. Thay vào đó, truyền thông đóng vai trò xây dựng các cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa công ty, tổ chức với các bên liên quan, đặc biệt là báo chí, công chúng, khách hàng và toàn bộ nhân viên. Truyền thông đóng vai trò như là “vệ sĩ” bảo vệ thương hiệu cho công ty, tổ chức. Hoạt động truyền thông doanh nghiệp thành công sẽ mang lại những giá trị bền vững cho thương hiệu.
Theo chị Kim Thoa, vai trò của truyền thông thương hiệu ngày càng có tiếng nói bởi hiện nay người ta mua hàng đôi khi không phải chỉ vì sản phẩm phù hợp, mà quan trọng là tin tưởng vào thương hiệu của bạn và những gì mà doanh nghiệp bạn đang làm cho xã hội. Vì vậy, các công ty cần chú trọng các hoạt động truyền thông doanh nghiệp, dù đang ở bất kỳ cấp độ nào.
Trải qua những công ty mà lĩnh vực kinh doanh luôn đối diện với những đánh giá, định kiến khắt khe của xã hội mỗi ngày, chị Kim Thoa nhấn mạnh truyền thông thương hiệu là yếu tố có vai trò trọng yếu. Chẳng hạn khi ở VNG, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực game online và dịch vụ trực tuyến, hoạt động truyền thông đã góp phần chủ chốt trong việc bảo vệ hình ảnh thương hiệu, đặc biệt là trong thời điểm mà thị trường chưa hiểu hết giá trị của các sản phẩm, dịch vụ giải trí trực tuyến, ngành nghề này vẫn còn mới lạ nên thiếu định hướng về mặt thông tin và chưa được đưa vào quản lý có kiểm soát tại thị trường Việt Nam như hiện nay. Thế nhưng, ở những giai đoạn quyết liệt đó, chị Thoa vẫn tin rằng sự phát triển của game là một xu hướng tất yếu và kiên định với chiến lược truyền thông của mình. Qua thời gian, điều này đã được thực tế chứng minh, từ một hình thức giải trí chưa bao giờ được nhìn nhận một cách thấu đáo, game online đã được công nhận là một môn thể thao điện tử (e-sport) và ngành công nghiệp game tại Việt Nam đã để lại những dấu ấn ngoạn mục giúp Việt Nam trở thành cường quốc về game ở Đông Nam Á như hiện nay.
“Trong thời điểm phân cực mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta đang chứng kiến văn hóa “bài xích” hoặc những phong trào cổ xúy cực đoan. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng chủ nghĩa cực đoan không dẫn đến kết quả tích cực nào cả, và điều mà cộng đồng cần đó là được tiếp cận đến những thông tin, kiến thức minh bạch thuần túy, thay vì bị bắt buộc phải lựa chọn giữa các tư tưởng đối lập. Thế giới không phải chỉ có hai sắc thái đen và trắng, không chỉ có điều hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Định kiến xã hội hay ý thức hệ thường tự quyết định “màu sắc” cho một vấn đề, một sản phẩm thay vì phản án đúng bản chất của sự thật . Chính vì vậy, khi truyền thông thương hiệu cho những doanh nghiệp, hay sản phẩm mà luôn nằm trong tầm ngắm của xã hội, dư luận, người làm truyền thông hơn bao giờ hết càng cần tìm kiếm những cơ hội trao đổi cởi mở, đa chiều dựa trên thông tin, dữ liệu minh bạch, sở cứ khoa học mà định kiến hay ý thức hệ có thể che lấp”, chị Kim Thoa chia sẻ.
Nghề truyền thông không có “trái đắng”?
Trước câu hỏi của PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB, người dẫn dắt chương trình về những “trái đắng” trong nghề truyền thông, chị Thoa cho rằng có thể hơi lạ nhưng với chị, một nghề vốn phải giao thiệp và va chạm rất nhiều này lại không có “trái đắng”.
Chị Kim Thoa cho rằng một người theo nghề sẽ luôn có tâm thế xem những khủng hoảng truyền thông cũng như một phần trong công việc sẽ luôn có những kịch bản để thích ứng với những sự cố ấy. Cần lên được kế hoạch và những phương án dự phòng trong nhiều trường hợp là cách giúp bạn tránh được những sóng gió.
Theo chị Thoa, người làm truyền thông cần giữ cho mình 3 nguyên tắc “bất di bất dịch”. Trước hết là sự rõ ràng, minh bạch, được thể hiện trong mọi thông điệp về sản phẩm, dịch vụ, tầm nhìn của doanh nghiệp được gửi đến khách hàng. Ngay cả khi đảm nhiệm vai trò truyền thông cho những sản phẩm, dịch vụ nhận được các ý kiến trái chiều như game online hay thuốc lá thế hệ mới, người làm truyền thông càng cần phải cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về những khuyến cáo và mức độ ảnh hưởng tiềm năng của sản phẩm, dịch vụ bên cạnh những giá trị, lợi ích cho người dùng. Thương hiệu của bạn sẽ được đánh giá cao nếu có những sở cứ khoa học minh bạch, được kiểm chứng về sản phẩm, kèm theo những nguyên tắc kinh doanh có tính trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, chẳng hạn như giới hạn độ tuổi của người mua hoặc từ chối cung cấp cho những đối tượng không nên tiếp cận đến sản phẩm, dịch vụ đó, v.v. Những nguyên tắc thực hành tốt này sẽ giúp cho các công ty, tổ chức có được sự tin cậy từ khách hàng và cộng đồng.
Xây dựng danh tiếng cho một tổ chức, doanh nghiệp là cả một hành trình dài, cần sự nỗ lực và nguồn lực. Đôi khi, bạn cũng cần có dũng khí và sự tự tin để nói ra những sự thật mà trước đây chưa ai dám nói, chẳng hạn như mặt tích cực của việc giải trí với game online, hoặc những cách tiếp cận khác khả thi, hiệu quả hơn trong việc đối phó với vấn đề thuốc lá. “Cuối cùng, truyền thông cần sự nhân văn. Ngày nay, truyền thông luôn cần hướng tới con người, vì mục đích và sự phát triển của con người. Khi đó, quá trình truyền thông thương hiệu mới thật sự chạm đến được trái tim của cộng đồng”, chị Kim Thoa nhận xét.
Chị Thoa cho rằng, ở vị trí lãnh đạo, bạn cần biết lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người. Người lãnh đạo giỏi ngày nay sẽ luôn được nhân viên vừa “nể” vừa “thương”. Khi lãnh đạo luôn hướng tới con người, tới nhân viên, tin tưởng trao quyền, tạo cơ hội phát triển cho thế hệ kế thừa, đó chính là tình cảm thật sự. Đồng thời cũng tạo mọi điều kiện để “huấn luyện” nhân viên qua những thử thách trong công việc, để mỗi nhân viên khi đến với doanh nghiệp ngoài việc cống hiến cho đội nhóm và tổ chức, còn có được cơ hội học hỏi và trưởng thành để trở thành những người kế nhiệm tương lai. Mối tương quan hai chiều này sẽ giúp giữ được “tâm” nhân viên ở lại cống hiến lâu dài cho tổ chức. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, tình cảm ấy sẽ giúp tập thể gắn kết, luôn tiến về phía trước vì mục tiêu cuối cùng là thành công chung của tập thể và xác lập giá trị dài hạn cho truyền thông thương hiệu.