3 chiến lược dòng tiền trong doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp, 3 chiến lược dòng tiền: Hoạt động – Đầu tư – Tài chính luôn cần được phân tích kỹ lưỡng và dự phóng cẩn trọng nhằm đánh giá hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và đưa ra các quyết định kinh doanh trong tương lai phù hợp, đồng thời có phương án dự phòng rủi ro chặt chẽ.

Hội thảo MBA Talk #85 với chủ đề “Cash Flow Management Strategies and Best Practices” chào đón ông Đặng Nguyễn Trường Tài – Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ  Daiichi Life Việt Nam và ông Vương Khắc Huy – Trưởng phòng Phân tích & Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Daiichi Life Việt Nam đến tham gia chia sẻ cùng các học viên chương trình PSO MBA

3 chiến lược dòng tiền chính 

Dòng tiền hoạt động (Operating Cash Flow – OCF) 

Dòng tiền hoạt động kinh doanh, hay còn gọi là lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh là chỉ số thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của một doanh nghiệp.

Dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh bao gồm:

  • Tiền thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ
  • Tiền thu bản quyền, phí, hoa hồng
  • Doanh thu bán chứng khoán kinh doanh

Các khoản thu khác không dùng tiền mặt và không thuộc dòng tiền hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

Tương tự, dòng tiền chi cho hoạt động kinh doanh bao gồm:

  • Tiền chi trả cho nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ
  • Tiền chi mua chứng khoán kinh doanh
  • Tiền chi trả cho người lao động 
  • Tiền chi trả lãi vay
  • Tiền chi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh như tiền phí bảo hiểm, chi tạm ứng, ký quỹ
  • Các khoản chi khác không thuộc dòng tiền hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính

Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, OCF thể hiện khả năng tạo ra tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu trả nợ, chia lãi cho các chủ sở hữu và gia tăng đầu tư, đồng thời là cơ sở cho việc lập kế hoạch lưu chuyển tiền tệ kỳ tới.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm về quản trị dòng tiền từ 3 chuyên gia Tài chính

Dòng tiền đầu tư (Cash Flow from Investing Activities – ICF) 

Dòng tiền đầu tư (chi tiêu đầu tư tài sản cố định) là dòng tiền phát sinh liên quan đến hoạt động đầu tư tài sản cố định, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương (> 0) thể hiện đầu tư của doanh nghiệp bị thu hẹp vì doanh nghiệp đã bán bớt tài sản cố định hoặc thu hồi các khoản đầu tư tài chính. ICF có thể dùng để bù đắp sự thiếu hụt trong hoạt động kinh doanh, để trả nợ vay hoặc để trả cổ tức.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm (< 0) thể hiện doanh nghiệp mở rộng đầu tư, do doanh nghiệp phải chi tiền ra để mua sắm xây dựng thêm tài sản cố định hoặc gia tăng đầu tư vốn ra bên ngoài.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư bao gồm:

  • Tiền chi mua sắm tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
  • Tiền thu do thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác.
  • Tiền chi cho vay 
  • Tiền thu hồi lại vốn cho vay 
  • Tiền chi góp vốn đầu tư vào đơn vị khác
  • Tiền thu hồi góp vốn đầu tư vào đơn vị khác
  • Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia

Dòng tiền tài chính (Cash Flow from Financing Activities – FCF)

Dòng tiền tài chính cho biết doanh nghiệp đang trả nợ hay đang vay thêm nợ, vay thêm làm gì, đang trả cổ tức cho nhà đầu tư cổ tức hay đang huy động tiền từ nhà đầu tư…

Các chỉ số này ngầm cho biết hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp có đang đạt đến mức bão hoà hay chưa hay vẫn còn có khả năng đầu tư thêm. 

Dòng tiền từ hoạt động tài chính bao gồm:

  • Tiền thu từ vốn góp của chủ sở hữu
  • Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, kể cả tiền chi mua cổ phiếu quỹ
  • Tiền thu từ các khoản vay ngắn và dài hạn
  • Tiền chi trả nợ gốc vay ngắn và dài hạn
  • Tiền chi trả nợ thuê tài chính
  • Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho các chủ sở hữu

Dòng tiền tài chính đo lường lượng vốn được cung ứng từ bên ngoài sau khi trừ lượng vốn từ doanh nghiệp ra bên ngoài. Trong đó:

  • Dòng tiền tài chính dương (> 0) thể hiện doanh nghiệp đã được tài trợ từ bên ngoài, doanh nghiệp phải huy động thêm vốn bằng cách đi vay hoặc tăng thêm vốn chủ sở hữu.
  • Dòng tiền tài chính dương (< 0) thể hiện doanh nghiệp không cần tài trợ, doanh nghiệp đã trả bớt nợ vay và chia lãi cho chủ sở hữu hoặc trả lại một phần vốn góp cho chủ sở hữu.

Ngoài ra, dòng tiền tài chính âm còn là dấu hiệu của một quá trình cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc dấu hiệu của quá trình thu hẹp đầu tư khi hoạt động kinh doanh đạt đến mức bão hòa.

Vai trò quan trọng của quản trị dòng tiền (Cash flow management)

Trong phần chia sẻ của mình,  ông Vương Khắc Huy – Trưởng phòng Phân tích & Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Daiichi Life Việt Nam đi sâu vào kinh nghiệm thực tiễn trong quản trị dòng tiền và các lầm tưởng về dự phóng kết quả kinh doanh thường gặp trong doanh nghiệp. 

Ông Huy định nghĩa, quản lý dòng tiền là quá trình theo dõi và kiểm soát lượng tiền vào và ra của doanh nghiệp để dự phóng chính xác nhu cầu dòng tiền trong tương lai. Khi kết thúc một chu kỳ tài chính, 3 chỉ số OCF, ICF, FCF được tổng hợp lại thành dòng tiền cuối kỳ (Cash Flow Statement). 

Ông Vương Khắc Huy Daiichi Life Việt Nam
Tại sự kiện MBA Talk, ông Huy chia sẻ về vai trò quan trọng của quản trị dòng tiền trong việc ra quyết định kinh doanh.

Quản trị dòng tiền đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định kinh doanh, bao gồm: 

  • Tài chính doanh nghiệp (Corporate finance)
  • Đầu tư (Investments)
  • Mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions)
  • Ngân hàng (cho vay)

Trả lời cho câu hỏi “Tỉ lệ dòng tiền từ 3 dòng tiền hoạt động – đầu tư – tài chính nên được phân bổ như thế nào?”, ông Vương Khắc Huy cho biết, không thể có công thức chung, chẳng hạn như với đòn bẩy tài chính (vay nợ của doanh nghiệp) thì việc sử dụng như một đồ thị có lên có xuống, việc của nhà phân tích tài chính là cần phải đánh giá tìm được mức tỷ lệ tối ưu phù hợp với doanh nghiệp của mình để thu được lợi nhuận cao nhất. 

Dòng tiền trong doanh nghiệp
Được ví như dòng máu trong doanh nghiệp, quản trị dòng tiền hiệu quả là yếu tố tiên quyết dẫn dắt doanh nghiệp đến thành công.

Ông Huy cho biết, chúng ta có thể xác định doanh nghiệp đang quản lý nguồn tiền (cashflow) hiệu quả hay không từ hai yếu tố: nhất quán (consistence) và cân bằng (balance). Khi được yêu cầu dự phóng 10 năm để xem xét nguồn tiền gia tăng đến đâu, tình hình lời lỗ của doanh nghiệp, nhìn cấu trúc là có thể phân tích, dự đoán được.  

Xem thêm các chia sẻ của ông Vương Khắc Huy trong sự kiện MBA Connect #6 Phân bổ Danh mục Đầu tư Trong Năm 2024

6 lỗi thường gặp trong quản trị dòng tiền

Trong phần chia sẻ của mình ông Huy cũng chỉ ra 7 lỗi thường gặp trong quản trị dòng tiền, cụ thể như sau:

  1. Dự báo doanh thu quá lạc quan và/hoặc ước tính quá thấp chi phí: Người phân tích thường đưa ra dự đoán dựa trên những tình huống tốt nhất hoặc giả định rằng doanh số bán hàng sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định, trong khi đó lại ước tính chi phí kinh doanh không tăng tương xứng hoặc chỉ tăng theo mức danh nghĩa giản đơn chủ quan nào đó . Việc này có thể dẫn đến những kỳ vọng không thực tế giữa khoảng cách về Lợi nhuận mong đợi và Lợi nhuận có khả năng đạt được. 
  2. Tăng trưởng tài sản cố định thấp hơn tăng trưởng doanh thu: Ông Huy cho biết, hầu hết khi thực hiện dự phóng tài chính doanh nghiệp thì người phân tích thường  mặc định doanh thu phải tăng qua hằng năm trong khi tài sản cố định không có thay đổi đáng kể. Điều này là chưa chính xác vì sự tăng trưởng doanh thu có mối quan hệ tương quan đồng biến với việc tăng tài sản cố định, hay nói cách khác, nếu không có đầu tư sẽ không có tăng trưởng.
  3.  Đánh giá thấp nhu cầu về vốn lưu động: Vốn lưu động (NWC) được sử dụng khi doanh nghiệp giảm dòng tiền tự do để hỗ trợ cho mục đích tăng trưởng. Sự thay đổi trong NWC được xem như một khoản đầu tư vào tài sản ngắn hạn như tăng khoản phải thu, tăng hàng tồn kho hay thanh toán các khoản phải trả.
  4. “Too much cash on hand” (Giữ quá nhiều tiền mặt trong tay):  Thông thường, doanh nghiệp phải luôn duy trì đủ tiền mặt để trang trải chi phí hoạt động trong ít nhất từ ba đến sáu tháng. Điều đó giúp đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời. Tuy nhiên, ông Huy cho biết, việc giữ quá nhiều tiền mặt có thể phản tác dụng vì điều đó phản ánh số tiền dư không được sử dụng hiệu quả để tạo ra thêm doanh thu và lợi nhuận cho công ty, hay tạo ra thêm/bảo vệ giá trị cho cổ đông. 
  5. Thực hiện những thay đổi lớn trong vòng quay tiền mặt: Vòng quay tiền mặt (Cash Conversion Cycle – CCC) là đơn vị đo thời gian (tính bằng ngày), ví dụ như để một doanh nghiệp chuyển đổi các khoản đầu tư từ hàng tồn kho thành dòng tiền từ bán hàng. Các nhà phân tích thường mắc sai lầm khi dự báo những thay đổi lớn trong giai đoạn chuyển đổi tiền mặt này. Cần lưu ý rằng dự phóng dòng tiền hàng năm không được phép sai lệch đáng kể so với con số những năm trước nếu như không có những cơ sở hợp lý giải thích đi kèm
  6. Nhầm lẫn giữa Capex tăng trưởng (growth capex) và Capex duy trì (maintenance capex): Người phân tích cần tách biệt và theo dõi cụ thể 2 loại Capex này mặc dù việc xác định cụ thể tỷ lệ cho từng loại là không dễ dàng. Thông thường, Capex duy trì nên tương đương với mức khấu hao hàng năm để đảm bảo tài sản của doanh nghiệp hoạt động tốt ổn định. Riêng đối với Capex tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng trong năm mà doanh nghiệp đặt ra. 

2 hình thức định giá doanh nghiệp (Valuation)  

Tiếp nối phần chia sẻ của ông Vương Khắc Huy, phần chia sẻ của diễn giả Đặng Nguyễn Trường Tài – Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Daiichi Life Việt Nam khái quát góc nhìn thực tế khi ứng dụng quản trị dòng tiền vào phân tích và định giá doanh nghiệp.

Ông Đặng Nguyễn Trường Tài Daiichi Life Việt Nam
Phần chia sẻ của ông Tài nhấn mạnh vào ứng dụng phân tích và đánh giá doanh nghiệp.

Absolute Valuation (Định giá tuyệt đối)

Giá trị tuyệt đối, còn được gọi là giá trị nội tại (intrinsic value), đề cập đến phương pháp định giá doanh nghiệp sử dụng phân tích dòng tiền chiết khấu (discounted cash flows – DCF) để xác định giá trị doanh nghiệp. 

Ông Tài cho biết, phương pháp giá trị tuyệt đối khác với các mô hình giá trị tương đối nhằm kiểm tra giá trị của một doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành hay lĩnh vực.

Nhà đầu tư xác định cổ phiếu được định giá thấp hay cao bằng cách so sánh giá cổ phiếu với giá trị tuyệt đối của nó với giá hiện tại.

Có một số thách thức khi sử dụng phân tích giá trị tuyệt đối bao gồm dự báo dòng tiền, dự đoán tốc độ tăng trưởng chính xác và đánh giá tỷ lệ chiết khấu phù hợp.

Relative Valuation (Định giá tương đối) 

Khác với định giá tuyệt đối chỉ nhìn vào giá trị nội tại của một tài sản, định giá tương đối xác định giá trị của một tài sản dựa trên so sánh với các tài sản tương tự.

Ông Tài cho hay, các hệ số thường được sử dụng trong định giá tương đối đối với một cổ phiếu bao gồm: chỉ số P/E (Price/Earnings), chỉ số PEG (Price/Earnings to Growth), chỉ số (Price-to-Cash Flow), chỉ số P/B (Price-to-Book).

Thông thường, nhà đầu tư sẽ phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư đồng thời so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. Ông Tài lưu ý thêm, nhận biết chu kỳ kinh tế (doanh thu) qua từng giai đoạn trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ với một vài yếu tố nổi bật của doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều thông tin hữu ích khi so sánh giá trị cổ phiếu.

Phương pháp đánh giá triển vọng kinh doanh tương quan với dòng tiền

Ông Tài đưa ví dụ, một doanh nghiệp nọ trong lĩnh vực bất động sản có dự án tốt, giao nhà nhanh, tuy nhiên, những phát sinh trong quá trình sử dụng như vấn đề về sổ hồng, lại không được cập nhật đến nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ phát hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi nhận được thông tin báo có nợ từ nước ngoài.

Từ ví dụ trên, ông Tài nhấn mạnh, khi đầu tư phân tích, ngoài việc đánh giá chỉ số tăng trưởng lợi nhuận, việc phân tích dòng tiền của doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này ít được thực hiện vì hầu hết mọi người cho rằng phức tạp và khó xác minh tính chính xác. “Giữa việc cân bằng giữa profit (lợi nhuận) và liquid (thanh khoản), tôi sẽ nghiêng về phía liquid hơn.” – ông Tài nói.  

Từ đó, khi đánh giá triển vọng kinh doanh trong một ngành hàng hay một doanh nghiệp,  những cơ sở dự kiến tương quan với dòng tiền trong tương lai bao gồm nhà đầu tư có thể phân tích bao gồm:

  • Báo cáo dòng tiền trong quá khứ
  • Yếu tố vĩ mô, xu hướng ngành hàng trong tương lai

Cùng với đó, ông đưa ra những yếu tố then chốt khi phân tích thị trường, tùy giai đoạn mà doanh nghiệp sẽ thực hiện các chính sách khác nhau. Hai chính sách chính được ông Tài nhắc đến bao gồm: 

  • Chính sách tài khoá (fiscal policy): gồm những chính sách dài hạn liên quan đến chính sách chi tiêu và thuế từ chính phủ tác động đến điều kiện kinh tế vĩ mô: tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. 
  • Chính sách tiền tệ (monetary policy): để kiểm soát nguồn cung tiền tổng thể và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời áp dụng các chiến lược như điều chỉnh lãi suất và thay đổi yêu cầu dự trữ của ngân hàng.

Ông Tài cho hay, doanh nghiệp sẽ luân chuyển việc sử dụng giữa hai chính sách này tuỳ theo chu kỳ kinh tế, khi chu kỳ giảm thì áp dụng chính sách tài khoá với các ngành phù hợp.

Ông nói thêm, khi đầu tư và làm so sánh hai doanh nghiệp, đặc biệt là hai doanh nghiệp cùng ngành, chúng ta thường sử dụng profit margin (biên lợi nhuận), lấy lợi nhuận so với doanh thu, nếu tỉ lệ càng cao thì càng tốt. Tuy nhiên, so sánh gross profit margin (tỷ suất lợi nhuận gộp) là cách toàn diện nhất để đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai. 

Kết hợp phân tích hai yếu tố trên,  ông Tài cho biết, dưới góc độ đầu tư chứng khoán, nếu là nhà đầu tư dài hạn, bạn có thể phân tích theo hướng FA (Fundamental Analysis) dựa vào báo cáo tài chính, lợi thế cạnh tranh và thị trường hiện tại của doanh nghiệp. 

Ngược lại, đối với nhà đầu tư ngắn hạn, phương pháp TA (Technical Analysis) lại là lựa chọn được ưu tiên. Technical Analysis phân tích các xu hướng thống kê thu thập được từ hoạt động giao dịch, chẳng hạn như biến động giá  và thị trường.  

Kết

Qua phần chia sẻ của hai diễn giả Đặng Nguyễn Trường Tài và Vương Khắc Huy, có thể thấy, dòng tiền tựa như “dòng máu” và báo cáo tài chính tổng hợp nguồn tiền là “bộ khung xương” làm điểm tựa giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Mô hình tài chính nếu được xác định tốt sẽ phản ánh cách dòng tiền được phân bổ trong 3 chiến lược dòng tiền: hoạt động, đầu tư và tài chính.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).