Head of Finance Business Partner tại AIA Việt Nam: “Nên đặt mục tiêu, sẵn sàng tinh thần và tâm thế khi học MBA”
Theo chị Bùi Hoàng Mỹ Linh, Head of Finance Business Partner tại AIA Việt Nam, MBA là một hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư về thời gian, nỗ lực nên các bạn cần đặt rõ mục tiêu, chuẩn bị tinh thần và tâm thế để tích lũy được những kiến thức hỗ trợ cho công việc.
Mục lục
- Được biết, chị Linh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Tài chính, chị có thể chia sẻ thêm về hành trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia? Đâu là điểm chị cảm thấy thú vị nhất khi gắn bó với công việc trong một quãng thời gian dài?
- Vốn gắn bó trong cùng một lĩnh vực qua nhiều năm, chị có gặp khó khăn gì trong hành trình sự nghiệp?
- Theo chị, đâu là điều quan trọng nhất trong cách quản trị bản thân – từ bên ngoài hay bên trong bản thân mình?
- Được biết, hiện tại chị đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney, chị quản lý thời gian trong khi vừa đi làm, vừa đi học MBA như thế nào?
- Cuối cùng, chị sẽ dành những khuyên nào dành cho các bạn trẻ để chuẩn bị “tâm thế” sẵn sàng đối mặt với cường độ học tập tại chương trình MBA?
Được biết, chị Linh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Tài chính, chị có thể chia sẻ thêm về hành trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia? Đâu là điểm chị cảm thấy thú vị nhất khi gắn bó với công việc trong một quãng thời gian dài?
Trong hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực này, tôi nhận ra điều thú vị nhất đó là ngành Tài chính không hề khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại, vẫn có rất nhiều điều thú vị như các vị trí front-line, đại diện cho phòng Tài chính để làm việc với bộ phận Business.
Trước đây, tôi đã từng thực tập ở mảng Kiểm toán, Kế toán nhưng sau khi nhận ra bản thân yêu thích những công việc năng động hơn, tôi đã quyết định gắn bó với nghề Finance Business Partner – công việc hỗ trợ khía cạnh tài chính cho các bạn bên bộ phận Business, giúp họ đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn.
Vốn gắn bó trong cùng một lĩnh vực qua nhiều năm, chị có gặp khó khăn gì trong hành trình sự nghiệp?
Tôi nghĩ khó khăn đầu tiên tôi gặp phải chính là xác định công việc phù hợp với bản thân. Là người yêu thích sự năng động, sự thay đổi, cập nhật liên tục nên tôi mất một khoảng thời gian để nhận ra bản thân phù hợp với Finance Business Partner. Đây là công việc đòi hỏi sự nhanh nhạy trong cách nâng cao kiến thức để thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi từ thị trường, đối thủ, khách hàng.
Tiếp theo chính là cách sắp xếp lại thứ tự công việc khi mới đi làm. Tôi tin rằng các bạn mới ra trường cũng sẽ gặp vấn đề tương tự, ví dụ như phải “đi họp” quá nhiều mà không rõ mục tiêu là gì. Điều này khiến bản thân tôi trở nên hoang mang, không biết mình cần làm gì hay bắt đầu từ đâu. Sau thời gian dài đi làm, tôi học được cách điều chỉnh công việc, sắp xếp thời gian, kỳ vọng của sếp và đồng nghiệp để tối ưu hóa năng suất của mình.
Cuối cùng, vì yêu cầu công việc cần kết hợp cùng các bộ phận Business để tham vấn, nếu như thiếu kiến thức về bối cảnh kinh tế sẽ rất khó làm việc. Tôi nghĩ nếu không liên tục cập nhật kiến thức dễ dẫn đến tình trạng bản thân không hiểu mọi người đang nói gì, khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, khi đó, việc đặt để góc nhìn vào kinh doanh là một điều thách thức.
Theo chị, đâu là điều quan trọng nhất trong cách quản trị bản thân – từ bên ngoài hay bên trong bản thân mình?
Tôi luôn đặt quản trị năng lượng làm yếu tố ưu tiên. Khi bản thân đã sẵn sàng với nguồn năng lượng tích cực, tôi luôn tin rằng bản thân có thể giải quyết được bất kì vấn đề nào xảy ra trong công việc. Bên cạnh đó là việc bám sát mục tiêu cần phải làm trong một ngày, học những kỹ năng quản lý kỳ vọng từ đồng nghiệp, từ sếp để tránh gây ảnh hưởng đến lịch trình làm việc.
Theo quan điểm của tôi, quản trị bản thân là một sự cộng hưởng mà trong đó có 30% sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, sếp và 70% còn lại phụ thuộc vào bản thân. Nỗ lực bản thân giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu cuối cùng và thực hiện theo mục tiêu đã được đề ra. Đôi lúc bản thân sẽ dễ căng thẳng nhưng tôi nghĩ cần phải đặt một áp lực nhất định để bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn.
Để duy trì trên một hành trình dài, 30% còn lại chính là nhờ sự giúp đỡ từ team, gia đình, bạn bè. Tôi tin rằng huấn luyện team trở nên ngày càng giỏi, nhà quản lý càng có nhiều thời gian hơn để thực hiện những công việc khác. Vì vậy, nhà quản lý cần có chiến lược để phát triển đội ngũ của mình trong 3 tháng hoặc 6 tháng. Đây cũng là một cách tôi áp dụng vào đội ngũ của mình.
Được biết, hiện tại chị đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney, chị quản lý thời gian trong khi vừa đi làm, vừa đi học MBA như thế nào?
Một ngày đi làm của tôi thường xoay quanh 3 mục tiêu lớn mỗi ngày cần hoàn thành và xác định thứ tự ưu tiên để thực hiện. Sau khi đã khóa lịch những công việc lớn, tôi sẽ tập trung 100% vào thực hiện công việc, sau đó, tôi tiếp tục giải quyết các công việc ít quan trọng hơn.
Trong quá trình sắp xếp lịch làm việc, tôi thường dành một số khoảnh khắc cuối ngày để học một kỹ năng sáng tạo nào đó, hoặc gặp gỡ bạn bè, nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống trong một ngày không chỉ xoay quanh công việc. Tôi luôn muốn dung hòa để mỗi ngày có nhiều thêm nhiều cảm xúc, màu sắc.
Giải đáp cho câu hỏi cân bằng thời gian giữa đi làm và đi học MBA, tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào mục tiêu bạn đặt ra với việc học MBA là gì. Chẳng hạn có những môn liên quan trực tiếp đến công việc, tôi sẽ đặt ra kỳ vọng cao hơn so với các môn còn lại. Mặt khác, tôi sẽ hạ mục tiêu đối với những môn “tổng quan” hơn. Đó là cách tôi giảm thiểu căng thẳng cho bản thân khi tham gia chương trình MBA.
Cuối cùng, chị sẽ dành những khuyên nào dành cho các bạn trẻ để chuẩn bị “tâm thế” sẵn sàng đối mặt với cường độ học tập tại chương trình MBA?
Thứ nhất, giá trị thực sự của MBA không nằm ở tấm bằng. Các bạn cần đặt ra mục tiêu sẽ tích lũy được những gì khi theo đuổi một chương trình MBA. Trước đây, tôi đã từng học qua các chứng chỉ chuyên môn dành cho lĩnh vực Tài chính nhưng tôi nhận ra các phương án này không phù hợp với mình. MBA là một câu chuyện khác. Tham gia chương trình, các bạn cần biết cách tận dụng những thế mạnh để có được kỹ năng mềm, kỹ năng cứng để phát triển hơn trong tương lai.
Thứ hai, mạng lưới network là một trong những điều các bạn không nên bỏ lỡ. Làm cách nào để tham gia cộng đồng, kết nối, phát triển là một trong những điều các bạn cần suy nghĩ. Trong một lớp học, các bạn không chỉ học từ các giáo sư, chuyên gia mà còn tương tác với các anh chị mentor, bạn học thông qua các bài tập nhóm. Đây là một trong những cơ hội quý báu giúp bạn mở rộng góc nhìn, lĩnh hội kinh nghiệm từ người khác.
Cuối cùng, đặt tinh thần và tâm thế sẵn sàng trước khi tham gia MBA. Khi quyết định đi học, bạn cần đặt suy nghĩ xa hơn việc chỉ lấy một tấm bằng. Sở hữu tâm thế và năng lượng sẵn sàng sẽ giúp bạn theo đuổi những gì mình muốn. Hành trình MBA không chỉ dừng lại ở kiến thức, hãy cố gắng phát triển những giá trị còn lại.
Chúc các bạn thành công hơn trên con đường sự nghiệp cũng như con đường học tập của mình!
Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Linh. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney