Financial Model & Sensitivity Analysis: Công thức thành công giữa biến động
MBA Talk #108 đã mang đến một buổi thảo luận giá trị về phân tích độ nhạy (Sensitivity Analysis – SA) trong mô hình tài chính (Financial Modelling – FM), giúp các doanh nghiệp đánh giá và kiểm soát hiệu quả các giả định chiến lược và đưa ra quyết định tối ưu trong bối cảnh đầy biến động.
Mục lục
Mô hình tài chính – Nền tảng của chiến lược doanh nghiệp
PGS TS Đoàn Anh Tuấn mở đầu bằng việc giới thiệu quy trình “vòng tròn” trong mô hình tài chính. Giai đoạn Plan bắt đầu với việc xác định rõ các mục tiêu kinh doanh, dự báo xu hướng trong tương lai và xây dựng các kế hoạch tài chính cụ thể để hỗ trợ ra quyết định. Sau đó, trong giai đoạn Do, doanh nghiệp thực hiện các chiến lược kinh doanh đã được phê duyệt dựa trên các đề xuất tài chính.
Tiếp theo, giai đoạn Check tập trung vào việc so sánh kết quả thực tế với kế hoạch đã đề ra, phân tích các sai lệch thông qua các báo cáo ngoại lệ và theo dõi xu hướng để kịp thời điều chỉnh. Cuối cùng, giai đoạn Act bao gồm việc tổ chức các buổi rà soát quản lý nhằm tinh chỉnh chiến lược, điều chỉnh hoặc thay đổi kế hoạch dựa trên các thông tin thu thập được và đưa ra các quyết định thay thế để giảm thiểu rủi ro.
Mô hình tài chính không chỉ hỗ trợ phân tích tài chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong báo cáo tài chính, kiểm soát chi phí và lập kế hoạch chiến lược. Các bộ phận như logistics, nhân sự, IT đều cần tham gia, giúp tổng hợp chi phí và nhu cầu sử dụng để tổ chức thành một mô hình hoàn chỉnh.
Quá trình thực hiện FM giả lập gồm nhiều bước, bao gồm việc thu thập dữ liệu lịch sử và điều chỉnh dữ liệu trong tương lai. Một yếu tố quan trọng là hệ thống phải đủ mạnh để đảm bảo mọi thay đổi trong Excel đều được phản ánh chính xác trong kế hoạch tổng thể, từ đó nhận biết điểm cần điều chỉnh.
Sensitivity Analysis – Công cụ đánh giá giả định và quản trị rủi ro
Ông Lê Quốc Trung – CFO, CHANEL Vietnam, đã giới thiệu những vai trò quan trọng của SA trong doanh nghiệp. Theo đó, Sensitivity Analysis đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ra quyết định tài chính và chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn, đặc biệt khi đối mặt với sự bất định và các biến động không lường trước.
Trong lĩnh vực thẩm định đầu tư và định giá dự án, phân tích độ nhạy cho phép đánh giá tác động của các yếu tố như lãi suất chiết khấu, dòng tiền và thời gian thực hiện dự án đến các chỉ số quan trọng như giá trị hiện tại thuần (NPV) và tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR).
Không chỉ dừng lại ở việc thẩm định đầu tư, Sensitivity Analysis còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch tài chính và quản lý ngân sách. Việc phân tích tác động của thay đổi trong khối lượng bán, chiến lược định giá hoặc giá nguyên vật liệu lên doanh thu và chi phí giúp các nhà quản lý đưa ra các điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính bền vững về mặt tài chính.
Đồng thời, SA đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro, từ việc đánh giá hồ sơ tín dụng của các danh mục cho vay dưới tác động của thay đổi lãi suất hoặc điều kiện kinh tế, đến việc hiểu rõ hơn tác động của biến động thị trường lên giá trị tài sản tài chính.
Về mặt chiến lược, phân tích độ nhạy cung cấp cơ sở vững chắc cho các quyết định lớn như ra mắt sản phẩm mới hoặc mở rộng thị trường. Tương tự, trong các thương vụ M&A, Sensitivity Analysis giúp doanh nghiệp kiểm tra các giả định như lợi ích hoặc tăng trưởng doanh thu, đồng thời đánh giá tác động của các cấu trúc tài chính khác nhau đến chi phí vốn và sự ổn định tài chính sau giao dịch.
Cuối cùng, phân tích độ nhạy còn là công cụ hữu ích trong các quyết định vận hành hằng ngày. Doanh nghiệp có thể sử dụng nó để đánh giá tác động của thay đổi trong chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển hoặc mức tồn kho lên hiệu quả hoạt động. Đồng thời, việc phân tích các yếu tố như tốc độ sản xuất, thời gian ngừng máy, hoặc sự sẵn có của lao động giúp tối ưu hóa kế hoạch sản xuất, đảm bảo hoạt động vận hành luôn duy trì hiệu quả.
Dưới góc độ một nhà tư vấn, bà Trần Thị Thiện Tâm bổ sung, “Sensitivity Analysis không chỉ đơn thuần là công cụ phân tích mà còn là phương pháp tiếp cận toàn diện, giúp trả lời những câu hỏi chiến lược từ các phòng ban, chẳng hạn như “Tháng sau, chúng ta có thể bán thêm được bao nhiêu sản phẩm?” hay “Điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ cạnh tranh điều chỉnh giá?“.”
Tầm quan trọng của phân tích độ nhạy nằm ở khả năng xem xét mọi yếu tố trong bức tranh tổng thể, từ dữ liệu quá khứ, xu hướng thị trường, đến tình hình nội tại của doanh nghiệp, để đưa ra các giả định hợp lý và quản trị rủi ro hiệu quả.
CEO của CHANEL Vietnam nhấn mạnh rằng chỉ khi có Financial Model (FM), việc triển khai Sensitivity Analysis mới thật sự mang lại hiệu quả cao. Điều này có thể dễ dàng minh họa qua ví dụ của một ông chủ khởi nghiệp bán cà phê, được ông Lê Quốc Trung trình bày.
Khi xây dựng Financial Model cho doanh nghiệp cà phê, ông Trung chia mô hình tài chính thành hai nhóm biến số chính:
Các biến số có thể kiểm soát
Bao gồm giá vốn, chi phí nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước, marketing và các yếu tố khác mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh để tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.
Các yếu tố không thể kiểm soát
Ví dụ, thời tiết, tình hình kinh tế và thói quen tiêu dùng của khách hàng, là những yếu tố mà doanh nghiệp không thể can thiệp nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận.
Trong trường hợp là một xe cà phê di động, không cần mặt bằng cố định, ông Trung nhấn mạnh rằng một trong những giả định quan trọng là lượng khách hàng mỗi ngày và số lượng người có đủ ngân sách để mua cà phê. Những yếu tố này quyết định khả năng sinh lời của doanh nghiệp và sẽ được đưa vào mô hình tài chính để dự báo.
Thông qua việc dự trù các tình huống tồi tệ nhất và tốt nhất, mô hình sẽ đưa ra khoảng dao động giữa hai kịch bản này. Sensitivity Analysis giúp xác định phạm vi rủi ro và cơ hội, từ đó giúp người quản lý đưa ra các quyết định phù hợp, điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tối ưu hóa lợi nhuận trong các tình huống khác nhau.
Profit warning trong bất động sản: Đâu là cách tính toán hiệu quả?
Profit warning không chỉ đơn thuần là một thông báo mà còn là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro và duy trì niềm tin từ nhà đầu tư. Đây là cách doanh nghiệp thể hiện khả năng thích ứng và tốc độ xử lý thông tin trước những biến động bất ngờ của thị trường.
Profit warning thường xuất hiện khi doanh nghiệp dự báo lợi nhuận sẽ không đạt kỳ vọng, do các yếu tố bất khả kháng hoặc nằm ngoài khả năng kiểm soát. Đặc biệt trong ngành bất động sản, nơi giá trị tài sản và thanh khoản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính sách pháp lý, lãi suất, và nhu cầu thị trường, việc phát hành cảnh báo lợi nhuận càng trở nên cần thiết.
Đối với các công ty niêm yết, phát hành cảnh báo lợi nhuận là trách nhiệm bắt buộc nhằm quản trị kỳ vọng của nhà đầu tư. Dự báo này thường dựa trên các giả định (assumptions) được thiết lập thông qua dự báo hàng tháng (monthly forecast) hoặc theo quý (quarterly forecast). Những giả định này cần đảm bảo tính chính xác, dựa trên sự nhạy bén trong phân tích thị trường và khả năng đánh giá các kịch bản rủi ro.
Để xây dựng profit warning hiệu quả, doanh nghiệp cần sở hữu khả năng phân tích độ nhạy cao. Phương pháp này cho phép đánh giá tác động của các biến số lên lợi nhuận dự kiến, từ đó nhanh chóng điều chỉnh dự báo để sát thực tế hơn. Điều này đòi hỏi đội ngũ chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm, cùng với hệ thống dữ liệu và công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ.
Bà Trần Thị Thiện Tâm nhận định, profit warning đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Một dự báo chính xác không chỉ giúp nhà đầu tư chuẩn bị trước những biến động tiêu cực mà còn củng cố niềm tin thông qua sự minh bạch và chuyên nghiệp trong quản lý.
Xây dựng scenarios: Quan sát đối thủ cạnh tranh là một trong những “then chốt”
Xây dựng kịch bản (scenarios) trong doanh nghiệp là một công cụ chiến lược quan trọng nhằm đối phó với sự biến động không ngừng của thị trường. Quy trình này đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng như ngành, đối thủ cạnh tranh, thị trường, dữ liệu quá khứ và kết quả nghiên cứu thị trường.
Đối với các doanh nghiệp mới, việc xây dựng kịch bản lại càng trở nên thách thức khi thiếu dữ liệu lịch sử. Do đó, họ cần tập trung quan sát đối thủ cạnh tranh và nghiên cứu sự biến động của thị trường để tạo ra các giả định sát thực tế. Dù tốn nhiều thời gian, đây là bước đi cần thiết để thiết lập nền tảng cho những quyết định chiến lược.
Sensitivity Analysis thường không thể đạt độ chính xác tuyệt đối, bởi chúng dựa trên các giả định. Tuy nhiên, việc tạo ra quá nhiều kịch bản có thể dẫn đến thách thức khi các giả định đầu vào có sai số lớn. Khi đó, kết quả phân tích không còn ý nghĩa, thậm chí làm gia tăng sự thiếu chắc chắn.
Bên cạnh đó, thị trường là một yếu tố không thể bỏ qua trong việc xây dựng kịch bản. Một doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường mình tham gia, từ quy mô, mức độ cạnh tranh đến các xu hướng tiêu dùng đang thịnh hành. Với các nhà đầu tư nước ngoài – những người luôn yêu cầu mức độ chính xác cao – việc thẩm định thị trường, đối thủ và rủi ro là điều không thể thiếu để đảm bảo kịch bản xây dựng phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ.
Giá trị lớn nhất của phân tích độ nhạy không chỉ nằm ở các con số, mà còn ở ý nghĩa cảnh báo và định hướng mà nó mang lại. Kết quả phân tích hiệu quả giúp doanh nghiệp xác định được mức độ rủi ro chấp nhận được, đồng thời cung cấp thông tin giá trị để ra quyết định từ chiến lược giá, mở rộng thị trường đến đàm phán đầu tư.
Trong nền kinh tế hiện nay, với sự biến động không ngừng, kịch bản được xây dựng dựa trên các bộ giả định khác nhau, giúp doanh nghiệp đối phó với sự không chắc chắn của thị trường. Càng có nhiều kịch bản kết hợp với phân tích độ nhạy, doanh nghiệp càng có cái nhìn tổng thể, từ đó đưa ra các kế hoạch xử lý nhanh chóng, ngay cả trong những tình huống bất lợi nhất.
Kết
MBA Talk #108 khép lại với những bài học thực tiễn và những góc nhìn quý giá về phân tích độ nhạy và mô hình tài chính. Những kiến thức này không chỉ giúp học viên PSO MBA và khán giả nâng cao khả năng phân tích mà còn trang bị công cụ hữu ích để ứng phó với những biến động khó lường trên thị trường. Đây chính là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp tự tin định hướng chiến lược và đạt được sự tăng trưởng bền vững.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).