Triết lý đào tạo của chương trình PSO MBA
MBA Prep là chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm tư vấn cho học viên các thông tin của chương trình Thạc sĩ Kinh doanh PSO MBA, từ đó tạo bước đệm cho học viên phát triển cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Tại hội thảo MBA Prep #4 với chủ đề “Sự bổ trợ từ các môn học Công Nghệ trong Chương trình PSO MBA”, ThS. Bùi Quang Tú – Quản lý Chương trình PSO MBA, Viện ISB đã cung cấp đến người nghe cái nhìn tổng quan về triết lý đào tạo của PSO MBA.
Mục tiêu chương trình PSO MBA
PSO MBA được lấy ý tưởng từ các chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự): thông qua việc mời các ứng viên xuất sắc vượt qua nhiều vòng tuyển chọn về luân chuyển tại nhiều phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp, các ứng viên sẽ tìm ra đâu là điểm mạnh của mình để có thể phát huy tối đa, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, khả năng lãnh đạo, tăng sự hiểu biết về tổ chức và giúp doanh nghiệp đào tạo nên đội ngũ nhân lực kế thừa.
Tương tự, PSO MBA trang bị cho học viên nhiều kiến thức cơ bản về các lĩnh vực: Tài chính, Nhân sự, Marketing và Hệ thống thông tin.
Giai đoạn 1 – Build (Xây dựng), giúp học viên trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng còn khuyết. Thầy Bùi Quang Tú đánh giá: “Đây là cơ hội để học viên xây những khung năng lực nền tảng trong Business Cycle (Chu kỳ kinh doanh)”.
Giai đoạn 2 – Leaderships skills, PSO MBA thiên về tư duy chiến lược và giúp học viên phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo.
Giai đoạn 3 tập trung chia sẻ nền tảng công nghệ cũng như xu hướng trong chuyển đổi số hiện nay. Thầy Tú cho rằng: “Điều này giúp nhà quản lý doanh nghiệp bắt kịp với xu thế và áp dụng được công nghệ vào doanh nghiệp mình”.
Giai đoạn 4 – Business Project, đây là cơ hội để học viên đi tìm vấn đề từ chính doanh nghiệp của mình, từ đó đề xuất giải pháp để giải quyết dựa trên sự hướng dẫn của thầy cô, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Kỹ năng thực chiến
Ngoài những kiến thức cần thiết trong các môn học, chương trình PSO MBA còn bồi dưỡng thêm cho học viên những kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc thực tiễn để học viên có thể gắn kết giữa kiến thức, sự sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, kinh nghiệm thực tiễn vào doanh nghiệp mình.
Thông qua các môn học với những chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực, học viên có cơ hội va chạm sát hơn với thực tế.
Ví dụ, về lĩnh vực data (dữ liệu), chương trình sẽ mời những chuyên gia đến từ các công ty nổi tiếng về công nghệ, chuyển đổi số như Gojek, Shopee, Google, v.v… để có những chia sẻ cụ thể, nhằm cung cấp cho học viên những góc nhìn thực tế khi vận hành doanh nghiệp có yếu tố công nghệ.
ThS. Bùi Quang Tú lấy ví dụ khác: “Môn Tài chính, ngoại trừ phần kiến thức chuyên môn mà Western Sydney University yêu cầu, chương trình sẽ thiết kế thêm 1 khóa khác – Wealth Management (Quản trị tài sản), giúp học viên quản lý tốt tài sản cá nhân và tối ưu tài sản. Khóa học này mời đến 5 vị giám đốc, mỗi vị sẽ chia sẻ cho học viên về một khía cạnh khác nhau như: chiến lược, đầu tư, phân tích, điều hành của các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư”.
Đảm bảo mục tiêu kép
Chương trình PSO MBA được thiết kế nhằm giúp học viên phát triển kiến thức với tấm bằng MBA. Ngoài ra còn có mục tiêu thứ 2 – nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp.
Với 2 năm học của mình, học viên sẽ được học 8 kỳ học với 11 môn, các kỳ học được tổ chức thành 3 buổi mỗi tuần, vì vậy học viên vẫn có thời gian để hoàn thành công việc.
“Các buổi học đều diễn ra ngoài giờ, vào buổi tối. Song song đó, chương trình cũng tổ chức những buổi networking (xây dựng mối quan hệ), orientation (định hướng), team building (hoạt động xây dựng và phát triển đội ngũ), company visit (thăm quan doanh nghiệp). Từ đó giúp học viên cân bằng giữa công việc và phát triển các kiến thức chuyên môn”, ThS. Bùi Quang Tú chia sẻ thêm.
Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức định hướng các buổi thảo luận với Program Manager (Quản lý chương trình), giúp học viên tháo gỡ những khó khăn trong việc học, kịp thời định hướng, tư vấn lộ trình học phù hợp với từng học viên.
Xem thêm thông tin Chương trình PSO MBA.