Snapshot – MBA Talk #30: How to be successful in digital transformation
Hiểu biết về lĩnh vực chuyển đổi số là một trong những “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tạo ra những giá trị ngoài các giá trị truyền thống. Với chủ đề “How to be successful in digital transformation”, hội thảo MBA Talk #30 do Viện ISB tổ chức giúp học viên có cái nhìn cụ thể hơn, toàn diện hơn trong chuyển đổi số.
Bên cạnh TS. Ngô Công Khánh – Giảng viên ISB, hội thảo có sự góp mặt của anh Đinh Công Chinh, hiện đang là CIO tại ACFC & VFBS, và anh Hoàng Tuấn Quỳnh, đang giữ chức vụ Regional IT Director tại URC Vietnam, Thailand và Myanmar.
Để làm nóng bầu không khí và đặt vấn đề cho hội thảo, thầy Khánh đã đặt ra một câu hỏi lớn đến học viên: “Nguyên nhân nào khiến các công ty tiến hành chuyển đổi số không thành công như mong muốn?”. Câu hỏi được sự hưởng ứng của đa dạng học viên và thu về được những câu trả lời thú vị, điển hình là:
- Công ty chuyển đổi số chỉ để “bắt trend” chứ không có một mục tiêu cụ thể nào
- Sự bất đồng về mục tiêu giữa doanh nghiệp và đơn vị thực hiện chuyển đổi số
- Ban lãnh đạo quá cứng nhắc trước những sự thay đổi
Thầy Ngô Công Khánh cho rằng bốn nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp: mục tiêu, quy trình, con người và dữ liệu.
Thứ nhất, về mục tiêu, nhiều doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số vẫn chưa thật sự hiểu về lý do cần phải chuyển đổi, và lộ trình chuyển đổi số sẽ như thế nào. Một số trường hợp doanh nghiệp đã vạch ra những mục tiêu cụ thể khi chuyển đổi số, tuy nhiên lại không thật sự xác định được mục tiêu đó liệu đã đi đúng hướng hay chưa. Đôi khi, sự thất bại lại đến từ việc bất đồng về mục tiêu giữa doanh nghiệp và đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp đó.
Thứ hai, con người là một trong những yếu tố cần được đặc biệt chú trọng. Con người ở đây không chỉ là người vận hành, mà có cả từ các cấp Quản lý, hoặc thậm chí là chủ doanh nghiệp – người quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số.
Thứ ba, về quy trình, đôi khi quy trình làm việc tại doanh nghiệp chưa thật sự đạt chuẩn. Người vận hành cần đặt ra vấn đề: “Làm thế nào để đưa quy trình theo một chuẩn nhất định?”
Cuối cùng, về mặt dữ liệu. Trong một số trường hợp, sự thất bại trong chuyển đổi số doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc chưa có dữ liệu hoàn chỉnh. Điều này gây trở ngại cho việc chuyển sang một hệ thống mới.
Bên cạnh đó, cả “mục tiêu, quy trình, con người và dữ liệu” cần được chú trọng trong cả ba giai đoạn: trước chuyển đổi số, trong chuyển đổi số và sau chuyển đổi số. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến quá trình trong khi chuyển đổi số mà bỏ quên hai giai đoạn còn lại.
Tại hội thảo, anh Đinh Công Chinh chia sẻ hai góc nhìn thường xuyên nhất về chuyển đổi số: Business Transformation và Business Optimization. Nếu như nói Business Transformation cần xây dựng hẳn những mô hình doanh nghiệp mới (New business models), thì theo anh Công Chinh, Business Optimization là việc cải thiện năng suất làm việc và doanh thu hiện tại của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc giới thiệu về những góc nhìn chuyển đổi số, anh Chinh cũng tập trung làm rõ những thành phần quan trọng quyết định thành bại của hành trình chuyển đổi số. Theo anh, những yếu tố đó bao gồm: Khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, văn hóa, con người và dữ liệu.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, anh Hoàng Tuấn Quỳnh cũng đề cao yếu tố con người trong suốt hành trình chuyển đổi số. Anh đặc biệt đề cao việc lắng nghe giữa người với người, nghe để nắm bắt tình hình công ty, nắm bắt mong muốn của nhân viên.
Tại hội thảo, anh Quỳnh đã giới thiệu đến học viên một tài liệu mà anh đánh giá là rất phổ biến trong “giới” chuyển đổi số: Mô hình 8 bước thay đổi của John Kotter – Giảng viên trường Kinh doanh Harvard. Theo đó, ba bước đầu tiên của mô hình được thực hiện nhằm mục đích tạo ra môi trường cho sự thay đổi, ba bước tiếp theo để liên kết sự thay đổi với tổ chức, bước bảy và bước tám nhằm thực thi và duy trì sự thay đổi trong tổ chức.
MBA Talk là chuỗi hội thảo được tổ chức bởi ISB với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & nước ngoài.
Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).