Chiến lược nhân sự: Cách khai thác sự hợp tác từ các phòng ban
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng triển khai chiến lược nhân sự chỉ là trách nhiệm của bộ phận Nhân sự (HR). Tuy nhiên, để chiến lược nhân sự thực sự thành công và mang lại lợi ích cho toàn tổ chức, sự hợp tác và đồng lòng của tất cả các bên liên quan (stakeholder) là yếu tố then chốt.
Tham gia hội thảo MBA Talk #82 do Viện ISB và Đại học Western Sydney tổ chức với chủ đề “Developing & Implementing HR strategies – How to get the support and participation of other departments?”, học viên PSO MBA đã cùng các chuyên gia trong ngành Nhân sự thảo luận xoay quanh việc khai thác sự hợp tác và đồng lòng từ các phòng ban trong triển khai chiến lược nhân sự.
Mục lục
Hiểu đúng về chiến lược nhân sự
Không phải là một khái niệm trừu tượng trên giấy tờ, chiến lược nhân sự là một lộ trình (roadmap) thực tế để định hướng mọi khía cạnh quan trọng của quản lý nhân sự, bao gồm tuyển dụng, giữ chân nhân tài, tối ưu hóa chi phí, đánh giá hiệu suất, phát triển con người, lập kế hoạch kế nhiệm, quản lý lương thưởng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Chiến lược nhân sự đóng vai trò định hướng đầu tư nguồn nhân lực sao cho đúng đắn, tập trung theo dõi các hoạt động quản lý nhân sự, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Diễn giả Hải nhận định, chiến lược nhân sự có ảnh hưởng tích cực đối với hoạt động kinh doanh, không chỉ trong việc nâng cao hiệu suất vận hành nội bộ và hiệu suất tài chính mà còn đóng góp vào quá trình chuẩn bị cho bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra trong tương lai.
Bà Chu Vũ Hoàng Diệp cũng đồng tình về tính quan trọng của chiến lược nhân sự trong tổ chức, bà cho biết: “Chiến lược nhân sự còn giúp doanh nghiệp cải thiện sự hứng thú và sự hài lòng của nhân viên, tăng cường hiệu suất và năng suất, tăng hiệu quả thu hút và giữ chân nhân tài.”
Vai trò của các bên liên quan trong thực thi chiến lược nhân sự
Tại hội thảo, bà Hải đề cập đến tầm quan trọng của sự hợp tác từ các bên liên quan trong thực thi chiến lược nhân sự, cụ thể là:
- CEO/Chủ doanh nghiệp: Vai trò của chủ doanh nghiệp là đặt KPI và xây dựng các mục tiêu cốt lõi cho toàn bộ tổ chức, đồng thời là người chịu trách nhiệm định hướng chiến lược phát triển của công ty.
- Trưởng bộ phận (Department Head): Trưởng bộ phận chịu trách nhiệm xây dựng mục tiêu, đặt chỉ số KPI cho phòng ban mà mình phụ trách, dẫn đầu và quản lý trực tiếp các nhóm, đảm bảo xây dựng mục tiêu phòng ban phải liên quan đến mục tiêu tổng thể của tổ chức.
- Cá nhân trong tổ chức: Các thành viên cần xây dựng hành trình sự nghiệp cá nhân và đặt KPI cho sự phát triển bản thân. Cá nhân phải tự chịu trách nhiệm theo sát và thúc đẩy sự phát triển cá nhân nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
- Bộ phận Nhân sự: Bộ phận này đóng vai trò như đối tác kinh doanh, hợp tác với các bộ phận khác để tạo ra một chiến lược nhân sự hiệu quả, kết hợp và tối ưu hóa chỉ số KPI từ các phòng ban để hỗ trợ tổ chức đạt được mục tiêu chung.
>> Xem thêm bài viết nói về thách thức trong quản lý nhân sự thời kỳ khủng hoảng
Bí quyết thu hút sự đồng lòng của các phòng ban trong chiến lược nhân sự
Theo bà Hải, quan điểm và tư duy về làm chủ (ownership) và lãnh đạo (leadership) đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thu hút sự đồng lòng từ các phòng ban trong chiến lược nhân sự. Phòng HR cần tạo điều kiện để các bên liên quan hiểu vai trò của mình trong chiến lược nhân sự và đạt mục tiêu kinh doanh.
Con người là tài sản chung và lớn nhất của mỗi tổ chức, cũng thường chiếm chi phí nhiều nhất trong bức tranh tài chính của mỗi doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng và triển khai chiến lược nhân sự không phải là công việc thuần tuý của phòng nhân sự, mà là công việc quan trọng của mỗi phòng ban, mỗi tổ chức, trong đó phòng nhân sự là cầu nối, hỗ trợ ý tưởng, hoạch định nội dung và lập kế hoạch triển khai.
Việc triển khai thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng lòng, quyết tâm, ý chí lãnh đạo, làm chủ về con người của các trưởng bộ phận và các cá nhân trong tổ chức đó.
Lưu ý rằng, bộ phận Nhân sự cần thấu hiểu bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tham gia trải nghiệm thị trường để hiểu hơn về những yếu tố bên ngoài, thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu chung.
Ngoài ra, bà Diệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp hiệu quả với từng bên liên quan để có được sự ủng hộ. Sự hợp tác và hỗ trợ từ phía phòng Nhân sự cũng rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của chiến lược nhân sự. Cuối cùng, việc chứng minh những tác động tích cực của chiến dịch nhân sự thông qua sự phát triển của nhân viên có thể góp phần tạo ra một tổ chức lành mạnh và giữ chân nhân tài.
Thử thách và bài học trong triển khai chiến lược nhân sự
Bà Hoàng Diệp đã chỉ ra một số vấn đề phổ biến mà tổ chức thường gặp phải khi triển khai chiến lược nhân sự tại hội thảo MBA Talk #82:
- Thiếu sự phù hợp với mục tiêu tổ chức: Khi chiến lược nhân sự không phản ánh đúng mục tiêu của doanh nghiệp, việc đạt được những mục tiêu chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
- Chống đối với sự thay đổi: Quá trình thực thi chiến lược nhân sự cần lắng nghe góp ý từ các phòng ban và linh hoạt thay đổi, chỉnh sửa khi cần thiết.
- Hạn chế về ngân sách và tài nguyên: Việc triển khai chiến lược nhân sự cần phải dựa trên một bản dự toán thực tế và xác định rõ ràng nguồn lực cần thiết. Sự thiếu hụt về ngân sách và tài nguyên có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của chiến lược.
- Thiếu minh bạch về thông tin: Nếu bộ phận Nhân sự ít chia sẻ thông tin với các bên liên quan, các phòng ban khác sẽ không hiểu được hoạt động mà bộ phận Nhân sự đang tiến hành.
- Tư duy cách biệt giữa các phòng ban: Sự tách biệt giữa các phòng ban có thể làm giảm hiệu suất của chiến lược nhân sự.
>> Xem Tips truyền thông từ Nhân sự đến nhân viên
Human Resource Director tại AB InBev Southeast Asia nhấn mạnh rằng để vượt qua những thách thức này, nhà quản lý nhân sự cần thuyết phục và thể hiện điểm mạnh của chiến lược nhân sự để các bộ phận khác trong tổ chức hiểu rõ và ủng hộ.
Tóm lại, vai trò của bộ phận Nhân sự (HR) trong việc triển khai chiến lược nhân sự là điều phối và tạo điều kiện cho sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan. Điều này bao gồm chủ doanh nghiệp, trưởng bộ phận và các thành viên trong tổ chức. Nhờ sự phối hợp mượt mà giữa các bên liên quan, chiến lược nhân sự mới có thể được thực hiện thành công và đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Hội thảo MBA Talk #82 đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu về chiến lược nhân sự. Hy vọng những kiến thức này giúp học viên PSO MBA có được góc nhìn rõ ràng và hiểu biết đúng đắn về tầm quan trọng của chiến lược nhân sự. Từ đó, họ có thể áp dụng kiến thức này vào công việc hiện tại và góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp.