Internal Marketing: Trách nhiệm không chỉ thuộc về phòng Nhân sự

Hành động là chìa khóa thành công của hành trình Internal Marketing. Vậy làm thế nào để triển khai Internal Marketing hiệu quả?  

Bí quyết tạo nên chiến lược Internal Marketing thành công 

Xác định USP của “sản phẩm”

Quan điểm chủ đạo của Internal Marketing xem khách hàng là nhân viên và sản phẩm là công việc. Vậy để thu hút nhân tài, doanh nghiệp cần xác định rõ ưu điểm vị trí công việc như nắm rõ USP (Unique Selling Proposition) của sản phẩm.

Việc xác định USP trong nội bộ không chỉ giúp doanh nghiệp phác họa chân dung nhân viên lý tưởng mà còn tạo nền tảng cho chiến lược thu hút nhân tài. Dựa trên những đặc điểm này, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa nguồn lực và triển khai Internal Marketing một cách hiệu quả hơn.

Chia sẻ tại hội thảo MBA Talk #102, bà Trần Thu Lê — SHRM-SCP, HRM, Trainer nhấn mạnh nguyên tắc chân thực trong việc xây dựng USP. Doanh nghiệp không cần phải làm mọi thứ trở nên quá hoàn hảo trong mắt nhân viên mà cốt yếu nằm ở việc giao tiếp thẳng thắn và chân thành. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể chiếm được sự đồng cảm từ nhân viên và biến họ thành bạn đồng hành của tổ chức bất kể bối cảnh là thách thức hay cơ hội. 

MBA Talk #102: Internal Marketing - Ms Lê Trần
“Tính chân thật là yếu tố tiên quyết khi xây dựng USP cho vị trí công việc để biến nhân viên thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp” – Nhận định của bà Trần Thu Lê – SHRM-SCP, HRM Trainer

Biến nhân viên thành một điểm chạm

Một trong những nguyên nhân khiến nhân viên có vai trò quan trọng vì họ là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Doanh nghiệp ứng dụng Internal Marketing nhằm mục đích cải thiện sự hài lòng nhân viên, từ đó khuyến khích nhân viên phục vụ khách hàng với tâm thế thoải mái và niềm nở. 

Tuy vậy, sự hài lòng của nhân viên góp phần tạo ra sự hài lòng của khách hàng, nhưng chưa đủ. Xuất phát từ câu chuyện cá nhân, bà Lê Thị Lan Hương – Chief Human Resources Officer, MB Bank (Cambodia) PLC cho biết người quen vẫn thường hỏi mình về thông tin sản phẩm mặc dù bà không làm việc trong bộ phận tư vấn – bán hàng. Vấn đề ở đây là, bạn không thể từ chối trả lời hay tỏ ra ấp úng một khi khách hàng hỏi về sản phẩm của công ty.

Biểu hiện không tốt của nhân viên ở bất kỳ bộ phận nào, kể cả nhân viên không có chức năng tư vấn, cũng khiến khách hàng hoài nghi về thương hiệu.

Một kỹ thuật trong “Trải nghiệm khách hàng” để nâng cao sự hài lòng của khách hàng là biến nhân viên như một điểm chạm. Để trở thành một điểm chạm tốt, nhân viên phải nắm rõ về sản phẩm và có thể truyền đạt được ưu điểm của sản phẩm với lòng yêu thích chân thật nhất. 

Từng thông điệp mà nhân viên giao tiếp với khách hàng đều góp phần phát triển hoặc phá vỡ lòng tin của khách hàng với thương hiệu. Đó là lý do vì sao, Internal Marketing theo quan điểm của bà Lê Thị Lan Hương không thể thiếu đi hoạt động đào tạo và củng cố sự gắn kết của nhân viên và sản phẩm của công ty. 

MBA Talk #102: Internal Marketing - Ms Hương Lê
Theo quan điểm của bà Lê Thị Lan Hương – Chief Human Resources Officer, MB Bank (Cambodia) PLC, mục tiêu của Internal Marketing không chỉ làm hài lòng nhân viên mà còn phải nâng cao tính gắn kết giữa nhân viên và sản phẩm.

Phân quyền triển khai Internal Marketing 

Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng bộ phận nhân sự là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về sự hài lòng của nhân viên. Tuy nhiên, thực tế là mỗi nhà quản lý đều đóng vai trò như một người quản lý nhân sự, vì công việc của họ luôn gắn liền với việc quản lý con người. 

Và ngay cả nhân viên không có cấp dưới quyền cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng và duy trì sự hài lòng của đồng nghiệp. Bên cạnh đó, sếp cũng cần nhận được sự chăm sóc, quan tâm từ nhân viên.

Qua phân tích, bà Lê Thị Mai Linh  — General Manager – Indochina, Haleon kết luận rằng, xây dựng môi trường gắn kết và thúc đẩy sự hài lòng của đội ngũ là trách nhiệm của tất cả mọi người trong tổ chức. 

MBA Talk #102: Internal Marketing - Ms Linh Lê
Bà Lê Thị Mai Linh  — General Manager – Indochina, Haleon mở rộng trách nhiệm thực hiện Internal Marketing đến toàn đội ngũ, không chỉ riêng phòng nhân sự.

Bồi dưỡng nhân tài: ưu tiên các kỹ năng có thể chuyển đổi

Với yêu cầu lao động ngày nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng điều chỉnh trọng tâm đào tạo nhân viên từ kỹ năng cứng sang kỹ năng mềm. Với hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực Giáo dục & Đào tạo, Giáo sư Jennifer Westacott AO—Chancellor của Đại học Western Sydney phát biểu định hướng: “Thay vì định hình con người trong một nghề nghiệp nhất định, hãy khai thác tiềm năng của họ bằng cách đầu tư vào những năng lực có thể chuyển đổi giữa nhiều ngành nghề. Đây là cách doanh nghiệp sử dụng con người để thúc đẩy đổi mới, hiệu suất và năng suất trong tổ chức.”

Linh hoạt hòa nhập, nhanh chóng thích ứng và thành thạo kỹ thuật số sẽ là những kỹ năng mà nhà tuyển dụng ưu tiên tìm kiếm trong thời gian tới. 

MBA Talk #102: Internal Marketing - Prof. Jennifer
Giáo sư Jennifer Westacott AO—Chancellor của Đại học Western Sydney định hướng bồi dưỡng nhân tài dưới góc nhìn của chuyên gia Đào tạo phối hợp với thực trạng nhân sự toàn cầu.

Đề cao đa dạng văn hóa và hòa nhập 

Đa dạng văn hóa tại nơi làm việc ngày càng phổ biến vì hình thức này thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phù hợp với làn sóng toàn cầu hóa. Điều kiện thuận lợi giúp nhân viên nhanh chóng hòa nhập trong một môi trường đa sắc là văn hóa tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trang bị cho nhân viên kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Hay nói khác hơn là tìm cách thúc đẩy hợp tác trong tập thể với điều kiện là phải phát huy được hết năng lực của từng cá nhân. 

Cá nhân hóa lộ trình phát triển sự nghiệp

Một vấn đề nữa trong cách triển khai chiến lược bồi dưỡng nhân sự là tạo ra lộ trình cá nhân hóa cho nhân viên. Trước hết, cần tập trung vào những nhân viên tiêu biểu và tiềm năng cho vị trí lãnh đạo trong tương lai. Bởi vì ngay cả tổ chức và nhân viên đều mong muốn tạo dựng một sự nghiệp mang lại giá trị chứ không chỉ là công việc kiếm thu nhập. “Lợi thế về nhân tài sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của bất kỳ tổ chức nào”. – Giáo sư Jennifer Westacott khẳng định. 

Làm mới và đánh giá liên tục 

Nhân viên cần liên tục nâng cao kỹ năng suốt vòng đời làm việc tại một tổ chức. Vì thế, khi nhân viên có dấu hiệu bị chững hiệu suất, đừng vội tìm kiếm ứng viên thay thế mà hãy làm mới họ thông qua lộ trình đào tạo phù hợp. Các khóa học ngắn hạn hay gọi là micro-certificate cũng có thể giúp doanh nghiệp đạt được kết quả như mong muốn. 

Song song với hoạt động làm mới thông qua đào tạo, doanh nghiệp cần phải liên tục phản hồi và đánh giá. Cần xác định đây văn hóa phản hồi và đánh giá là một phần không thể thiếu trong bản sắc của tổ chức. Vì đánh giá là đòn bẩy của sự phát triển. 

Tạo dựng hệ thống ươm mầm tài năng 

Doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các trường đại học, hoặc ngược lại các trường đại học có thể kết nối với mạng lưới doanh nghiệp như một phần trong hệ thống đào tạo. Mối quan hệ chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp giúp học viên được học tập trong môi trường thực tế, tích hợp thực hành và tạo điều kiện phát triển những kỹ năng làm việc thực tiễn. Mặt khác, đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tiếp cận và đào tạo lớp nhân viên tiềm năng từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Kết

Nền kinh tế đang vận động với những xu hướng mới, yêu cầu con người cũng phải liên tục cải tiến để đáp ứng, từ đó mở rộng phạm vi trách nhiệm của Internal Marketing. Vai trò của doanh nghiệp không còn đơn thuần khiến cho nhân viên hài lòng bằng các phúc lợi hấp dẫn mà còn phải giúp họ thấy được giá trị bản thân và những gì họ có thể đóng góp cho một tổ chức. Đây là bí quyết giúp khơi gợi động lực nội tại của nhân viên, nâng cao hiệu suất làm việc mà không cần áp đặt bất kỳ biện pháp chế tài nào. 

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).