Bí quyết phát triển nghề nghiệp bền vững ở lĩnh vực Ngân hàng
Khách mời MBA For Success số 14 là ThS. Huỳnh Bửu Quang – Chief Country Officer, Deutsche Bank VN – nguyên lãnh đạo cấp cao HSBC International. Anh sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển nghề nghiệp bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, personal branding & nghệ thuật quản trị cảm xúc.
MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được host bởi PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Chia sẻ với các bạn trẻ trong chương trình MBA For Success, doanh nhân Huỳnh Bửu Quang cho rằng kiến thức mà một lao động làm việc trong lĩnh vực ngân hàng có thể lĩnh hội rất đa dạng.
Bản thân trong nội tại ngân hàng đã có nhiều bộ phận với các đặc trưng, từ kinh doanh, vận hành, kiểm toán đến phân tích tài chính, quản trị rủi ro,… Ngoài ra, việc được tiếp xúc với nhiều dạng khách hàng ở những lĩnh vực khác nhau cũng sẽ đặt ra một khối tri thức mới mỗi ngày cho họ học hỏi.
Vì vậy, để phát triển trong ngành ngân hàng rất cần tận dụng mọi cơ hội học tập ngay từ những khi mới vào nghề. Doanh nhân Huỳnh Bửu Quang nhớ lại ngày mới tốt nghiệp về làm nhân viên… bán hàng cho ngân hàng Hongkong Bank, tiền thân của HSBC. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm sale, ông vẫn thử sức và xem đó như một khoản thời gian vàng để “làm giàu” cho bản thân về kiến thức, kỹ năng.
Làm sale trong ngân hàng thường không được nhiều bạn trẻ chuộng so với các vị trí khác vì áp lực KPI hay do những định kiến không hay của xã hội. Tuy nhiên sau nhiều năm “lăn lộn” trong mảng sale của Hongkong Bank, vị Tổng Giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank Việt Nam đã học được rất nhiều về cách tiếp xúc với đối tác, cách giao tiếp, cách quản lý bán hàng. Ông hiểu hơn về thị trường và bắt đầu có những sáng kiến để xây dựng quy trình sản phẩm cho phù hợp.
CCO Huỳnh Bửu Quang cho rằng: “Điểm mấu chốt khi nhìn lại là mình luôn muốn học cái mới”. Có được tâm thế này, dù ở vị trí nào họ cũng có thể tiếp nhận được những giá trị có ích cho việc phát triển bản thân. Cùng với đó là ý thức tự tìm hiểu những mảng khác trong công ty, chẳng hạn làm sale không chỉ biết đến sale, mà có thể để ý, học hỏi từ các phòng ban khác như quản trị, tài chính, nhân sự,… sẽ làm cho kiến thức của bạn được trọn vẹn hơn.
“Giai đoạn đầu khi làm việc, tôi hầu như không suy nghĩ quyền lợi như thế nào, chỉ biết cố hết sức, làm thật tốt, bỏ hết tâm huyết mà làm. Với tôi, động lực là muốn chứng tỏ mình có thể làm được mọi thứ. Vì vậy khi có cơ hội được giao việc, tôi nhận hết. Tôi muốn tự thách thức bản thân có làm được hay không. Bây giờ khi ở vai trò lãnh đạo, khi thấy các bạn trẻ cũng có tinh thần đó, tôi rất cảm kích và đánh giá cao”.
Chia sẻ những quyển sách “gối đầu giường” của mình, ông giới thiệu 3 quyển: “Đắc nhân tâm”, “7 thói quen hiệu quả” và quyển chân dung của Sandy Weill, chủ tịch tập đoàn Citigroup. Ông cho rằng bản thân mình đã rút ra vô số bài học chỉ từ 3 cuốn ấy.
Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Huỳnh Bửu Quang cũng lưu ý trong quá trình phát triển bản thân của các bạn trẻ, dù bằng con đường tích lũy kinh nghiệm, học tập hay qua sách vở, tính kỷ luật cần được đặt lên hàng đầu. Khi có thời gian rảnh, bạn sẽ dùng để nâng cao bản thân hay để nghỉ ngơi, giải trí? Bạn sẽ đọc sách hay lướt web xem video?
Lằn ranh giữa hai lựa chọn này rất mong manh nếu bạn không có tính kỷ luật. Nghiêm khắc với bản thân sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng để tích lũy dần những kiến thức và kinh nghiệm cho chính mình chạm tới sự tiến bộ.