Team Lead – Reference Data, NielsenIQ Vietnam: “Lớp học MBA cho tôi cơ hội hóa thân vào vị trí của nhân viên”
“Hành trình phát triển bản thân không thể thiếu việc khám phá và hoàn thiện phong cách lãnh đạo. Do đó, hãy dành thời gian để thử nghiệm nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau” – chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhật Thu hiện đang đảm nhận vị trí Team Lead – Reference Data tại NielsenIQ Vietnam, đồng thời cũng là học viên MBA khóa 2023 – Đại học Western Sydney.
Mục lục
- *Qua quá trình làm việc, chị nhận thấy mình đang thiên về phong cách lãnh đạo nào? Lý do cho lựa chọn này?
- *Theo chị làm thế nào xác định được phong cách lãnh đạo cá nhân phù hợp?
- *Trong quá trình theo đuổi và hoàn thiện phong cách People-Oriented, chị có bắt gặp bất kỳ khó khăn nào không?
- *Vậy theo trải nghiệm chuyên môn của chị, phong cách nào sẽ là yếu tố chủ chốt trong việc giữ chân và thúc đẩy động lực làm việc cho nhân viên?
- *Chị đã tiếp tục vận dụng phong cách lãnh đạo People-oriented trong lớp học MBA như thế nào?
- *Chị có lời khuyên gì cho những người muốn phát triển phong cách lãnh đạo để dẫn dắt đội nhóm hiệu quả?
*Qua quá trình làm việc, chị nhận thấy mình đang thiên về phong cách lãnh đạo nào? Lý do cho lựa chọn này?
Công việc của tôi liên quan đến dữ liệu nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác – những phẩm chất đặc trưng của phong cách Task-oriented. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng để phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ, mình cần sự bổ sung của phong cách People-oriented. Mỗi nhân viên là một cá thể độc đáo với những điểm mạnh riêng. Phong cách People-oriented sẽ giúp tôi xây dựng một môi trường làm việc mà mọi người cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và được trao cơ hội để phát triển.
Trong bối cảnh môi trường làm việc hiện đại trở nên áp lực hơn với nhiều thay đổi cần phải thích nghi, việc chú trọng vào yếu tố con người sẽ giúp toàn đội giảm bớt cảm giác căng thẳng. Ở vai trò Team Lead, tôi cho rằng mình nên đồng hành với nhân viên về mặt tinh thần để giúp các bạn trở nên phấn chấn và có động lực gắn bó với mục tiêu chung.
*Theo chị làm thế nào xác định được phong cách lãnh đạo cá nhân phù hợp?
Điều quan trọng nhất là cần hiểu bản thân mình. Cụ thể, tôi liên tục quan sát và tự mình soi chiếu mình qua những tương tác hằng ngày. Ngoài ra, tôi cũng chủ động xin ý kiến nhận xét từ những người tôi có cơ hội làm việc chung, nhằm giúp tôi có kết luận khách quan hơn về bản thân mình.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nhân sự cũng có thêm một số công cụ như MBTI giúp xác định được xu hướng tính cách cá nhân cũng như điểm mạnh và điểm yếu của nhóm tính cách đó.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của tôi vẫn là không nên gò bó vào bất kỳ phong cách nào. Thay vào đó, tôi sẽ kết hợp những điểm mạnh của các phong cách lãnh đạo khác nhau để tạo nên một phong cách riêng, phù hợp với cá tính và hoàn cảnh công việc của mình.
*Trong quá trình theo đuổi và hoàn thiện phong cách People-Oriented, chị có bắt gặp bất kỳ khó khăn nào không?
Trong quá trình lãnh đạo một đội ngũ đa thế hệ, tôi nhận thấy rằng việc điều chỉnh phong cách lãnh đạo là điều cần thiết. Thay vì coi những khác biệt là khó khăn, tôi xem đó là cơ hội để tôi trở nên linh hoạt hơn.
People-oriented phù hợp với các bạn gen Z, vì các bạn mong muốn được lắng nghe khi các bạn bày tỏ và cũng mong muốn được làm việc trong môi trường cởi mở. Tuy nhiên vẫn sẽ phải lồng ghép một ít yếu tố Task-oriented vào để kết nối sự tự do của các bạn với mục tiêu chung của nhóm.
Ngược lại, thế hệ Gen X thường ưa chuộng sự ổn định và rõ ràng. Nên khi phân công công việc, tôi sẽ cố gắng đưa ra yêu cầu rõ ràng và cụ thể nhất. Lúc này, các kỹ năng của Task-oriented sẽ phù hợp hơn People-oriented.
*Vậy theo trải nghiệm chuyên môn của chị, phong cách nào sẽ là yếu tố chủ chốt trong việc giữ chân và thúc đẩy động lực làm việc cho nhân viên?
Không có phong cách lãnh đạo nào có thể đảm bảo giữ chân nhân tài. Thế nên rất cần sự uyển chuyển từ người lãnh đạo. Có một bài học mà tôi luôn tâm niệm trong quá trình dẫn dắt đội nhóm: Lãnh đạo cần phải thật sự hiểu rõ đội ngũ – hiểu mục tiêu của team, năng lực của từng thành viên và nắm bắt được những mong muốn của họ. Từ đó, Leader sẽ là người thúc đẩy nhân viên phát triển theo định hướng rõ ràng, đảm bảo đáp ứng được nguyện vọng phát triển và cũng phải phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức.
Không dừng lại ở đó, leader cần phải là người truyền cảm hứng và hỗ trợ nhân viên ở những giai đoạn nhân viên cảm thấy áp lực trong công việc. Hãy cho nhân viên những lời khuyên khách quan với mong muốn giúp họ giải quyết vấn đề cốt lõi để nhanh chóng ổn định và quay lại với nhịp điệu công việc.
*Chị đã tiếp tục vận dụng phong cách lãnh đạo People-oriented trong lớp học MBA như thế nào?
Lớp học MBA cho tôi cơ hội hóa thân vào vị trí người chịu tác động bởi phong cách lãnh đạo của bạn học. Qua thời gian quan sát, tôi biết được mình cần phải làm gì để thích ứng với phong cách lãnh đạo của leader. Nếu bạn làm việc cùng leader theo Task-oriented, bạn phải có quy trình làm việc rõ ràng và tuyệt đối tuân thủ deadline cũng như chất lượng đã cam kết.
>> Tham khảo chương trình Thạc sĩ Kinh doanh PSO MBA
*Chị có lời khuyên gì cho những người muốn phát triển phong cách lãnh đạo để dẫn dắt đội nhóm hiệu quả?
Phong cách lãnh đạo là một yếu tố quan trọng hỗ trợ mỗi người trên hành trình thăng tiến sự nghiệp. Vì vậy, hãy dành thời gian để thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau và đừng nên vội vàng đóng khung mình trong bất kỳ phong cách nào.
Trong thời gian chờ đợi phong cách lãnh đạo “ủ kén”, hãy thực hành và rèn luyện tốt phẩm chất mà bất kỳ phong cách lãnh đạo nào cũng cần có: bản lĩnh và trách nhiệm của người dẫn đầu đối với kết quả của toàn đội.
Cảm ơn chị Nhật Thu đã dành thời gian để có mặt tại MBA Meetup 10/24 để chia sẻ những góc nhìn vô cùng sâu sắc và thú vị về phong cách lãnh đạo. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và luôn nhiệt huyết trên con đường sự nghiệp.