Teamwork và vai trò gắn kết các thành viên của người quản lý
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong mảng Marketing, anh Nguyễn Trương Hoàng Nhật – Head of Business – New Computing & Mobile Enhancements tại Samsung Việt Nam, học viên MBA khóa 2022 đã đúc kết và chia sẻ những kinh nghiệm thực chiến xoay quanh teamwork trong công việc và học tập trong sự kiện MBA Meetup, tổ chức bởi Viện ISB.
Mục lục
- Tại Samsung, công việc của anh Nhật nghiêng về làm việc độc lập hay teamwork nhiều hơn?
- Có ý kiến cho rằng Leader thường là người “gánh team” khi teamwork. Anh Nhật nghĩ gì về quan điểm đó? Theo anh Nhật, vai trò của người Leader trong một nhóm là gì?
- Như vậy, việc phân bổ nhân lực của người Leader là rất quan trọng. Anh Nhật làm thế nào để từng thành viên đều có cơ hội phát triển bản thân khi teamwork?
- Trong quá trình teamwork tất nhiên khó tránh khỏi các xung đột xảy ra, đôi khi là vì một thành viên không thực hiện đúng cam kết của mình. Vậy anh Nhật làm thế nào để quản lý tốt tiến độ làm việc của đội nhóm?
- Một kỷ niệm ấn tượng về teamwork của anh trong hành trình học MBA?
- Và cuối cùng ngoài teamwork, mỗi người cần trang bị thêm kỹ năng nào khác để phát triển sự nghiệp?
- Nhìn lại, anh Nhật đã có sự thay đổi như thế nào so với thời điểm trước khi tham gia khoá học MBA? Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để có thể tận dụng quãng thời gian học MBA để xây dựng sự nghiệp?
Tại Samsung, công việc của anh Nhật nghiêng về làm việc độc lập hay teamwork nhiều hơn?
Trong vai trò Head của ngành hàng New Computing & Mobile Enhancements tại Samsung Việt Nam, công việc chính của tôi xoay quanh việc lên chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm; có thể nói là vừa phải teamwork vừa phải làm việc độc lập, khó có thể nói cái nào hơn cái nào.
Thực ra, Samsung cũng như những công ty đa quốc gia khác đều có khối lượng công việc rất lớn, thuộc nhiều mảng khác nhau, vì thế teamwork có thể nói là một văn hóa của công ty. Teamwork giúp mọi người hoàn thành được nhiều việc hơn, suôn sẻ hơn mà không gặp quá nhiều áp lực như khi làm việc độc lập.
Ngoài ra mỗi người cũng sẽ những khoảng thời gian cần làm việc độc lập, đặc biệt là những lúc cần tự lên kế hoạch hoặc là tự suy nghĩ, tự sáng tạo. Sau quá trình tự “động não” này, chúng tôi vẫn sẽ làm việc theo kiểu teamwork.
Có ý kiến cho rằng Leader thường là người “gánh team” khi teamwork. Anh Nhật nghĩ gì về quan điểm đó? Theo anh Nhật, vai trò của người Leader trong một nhóm là gì?
Với tôi, cụm từ “gánh team” ở đây nghĩa là gánh trách nhiệm. Ví dụ, nếu dự án team thực hiện có vấn đề gì thì leader sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc giải thích cho các quản lý cấp cao hơn.
Trong teamwork, tôi nghĩ vai trò của Leader nằm ở việc đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên, từ đó sắp xếp và phân chia công việc giữa mọi người sao cho rõ ràng và phù hợp. Nhìn chung, leader đảm nhận trách nhiệm kết nối các thành viên, đào tạo, giúp đỡ các thành viên, phân chia công việc giúp công việc diễn ra thuận lợi và suôn sẻ hơn.
Như vậy, việc phân bổ nhân lực của người Leader là rất quan trọng. Anh Nhật làm thế nào để từng thành viên đều có cơ hội phát triển bản thân khi teamwork?
Cũng như nhiều công ty đa quốc gia khác, Samsung làm việc dựa trên một nguyên tắc mà tôi cũng đã từng tiếp cận trong khóa MBA, môn Contemporary People Management (CPM). Nguyên tắc đó gọi là Evidence Based Management, tức là công việc của các thành viên sẽ được nhìn nhận và đánh giá thông qua chứng cứ cụ thể.
Từ đầu năm, mỗi thành viên đã ngồi cùng quản lý để đặt ra mục tiêu riêng. Do đó, việc mỗi người có đang làm tốt công việc của mình hay không sẽ được đánh giá dựa trên các con số, ví dụ như doanh số; hay những ý tưởng, dự án mà nhân viên đó đưa ra hay tham gia vào. Người làm quản lý sẽ chịu trách nhiệm về những chỉ số để đánh giá liệu các thành viên trong team đã làm tốt hay chưa. Từ đó, những cá nhân có năng lực tốt thì sẽ có khối lượng công việc cùng với target tương ứng. Từ tư duy đó, những bạn có năng lực tốt hoàn toàn có cơ hội để phát triển và tỏa sáng, chứ không phải chỉ những người nắm công việc chính mới được ghi nhận và thăng tiến.
Với mỗi target giao cho các thành viên trong đội nhóm, tôi cũng thiết lập những buổi gặp gỡ, trao đổi để tìm ra “chìa khóa” hỗ trợ họ đạt được target đó. Với tôi, mục tiêu đặt ra cho từng cá nhân phải có yếu tố “thử thách” nhưng không được khiến người nhận cảm giác khó khăn, chán nản và dễ bỏ cuộc. Như thầy Lâm có chia sẻ trong môn Contemporary People Management: “Việc phân bổ target là một nghệ thuật”.
Trong quá trình teamwork tất nhiên khó tránh khỏi các xung đột xảy ra, đôi khi là vì một thành viên không thực hiện đúng cam kết của mình. Vậy anh Nhật làm thế nào để quản lý tốt tiến độ làm việc của đội nhóm?
Dĩ nhiên, việc xung đột xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi, yếu tố tiên quyết khi teamwork là phải kết nối được với mọi người, cho mọi người hiểu “chúng ta đang ở chung trên một con thuyền, chia sẻ một mục tiêu chung”. Do đó, khi gặp xung đột, mọi người sẽ cùng ngồi lại để trao đổi và tìm những phương án xử lý tốt nhất cho mục tiêu chung cuối cùng.
Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy rằng việc theo dõi sát sao quy trình của team là rất quan trọng. Tôi thường xuyên đánh giá kế hoạch của cả team để xác định vấn đề của dự án nói chung hoặc thành viên nào đó có hiệu suất làm việc thấp. Từ đó, kịp thời giải quyết vấn đề để đảm bảo tiến độ dự án.
Một kỷ niệm ấn tượng về teamwork của anh trong hành trình học MBA?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là lúc thực hiện dự án thuộc môn học Integrated Business Experience (IBE). Môn này có một trò chơi rất đặc biệt là Business Simulation Game – BSG. Đây là trò chơi mô phỏng kinh doanh đòi hỏi từng team cần đào sâu dữ liệu, phân tích chiến lược đối thủ, định hướng chiến lược của doanh nghiệp để dẫn đầu thị trường. Để hoàn thành tốt môn này, cả nhóm phải cùng thức khuya để chờ kết quả Business Simulation Game, đánh giá lại và thảo luận để tìm ra chiến lược cho team mình.
Trong quá trình tiến hành teamwork, do có nền tảng chuyên môn cũng như kinh nghiệm khác nhau, các thành viên trong nhóm có những lúc căng thẳng, tranh cãi, thậm chí đôi khi có phần to tiếng. Điều này khá tương đồng với việc teamwork khi đi làm. Nhưng xét lại, cả team có mục tiêu chung để hướng tới: kết quả kinh doanh tốt hơn trong game. Vì vậy, cả team đã cùng ngồi lại với nhau trao đổi để hiểu nhau hơn, tìm nhiều cách khác nhau để cùng giải quyết vấn đề. Khi xảy ra bất đồng, nhóm chuyển sang hình thức biểu quyết cho ý kiến được nhiều thành viên đồng tình nhất. Nhìn lại, tôi thấy đó là một kỷ niệm vui và vô cùng đáng nhớ.
Và cuối cùng ngoài teamwork, mỗi người cần trang bị thêm kỹ năng nào khác để phát triển sự nghiệp?
Có rất nhiều kỹ năng mà các bạn trẻ cần trang bị ngoài teamwork như tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình, hay kỹ năng phân tích và tổng hợp vấn đề. Những kỹ năng này là rất nhiều và còn tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực. Vì thế, thay vì lựa chọn kỹ năng, tôi nghĩ các bạn trẻ nên chuẩn bị thái độ chủ động kèm theo tư duy giải quyết vấn đề. Nếu bạn có tư duy giải quyết vấn đề, bạn cũng dễ dàng nhận ra mình cần cải thiện kỹ năng nào tiếp theo.
Ví dụ, để giải quyết một vấn đề, có thể bạn sẽ cần truy ra gốc rễ của vấn đề đó, việc này liên quan đến tư duy phản biện và kỹ năng phân tích. Khi bạn cùng team trao đổi những phân tích, tìm ra phương án giải quyết, đó chính là câu chuyện của teamwork. Để chia sẻ vấn đề đó với cấp trên sẽ đòi hỏi khả năng thuyết trình, v.v..
Nhìn lại, anh Nhật đã có sự thay đổi như thế nào so với thời điểm trước khi tham gia khoá học MBA? Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để có thể tận dụng quãng thời gian học MBA để xây dựng sự nghiệp?
Theo tôi, mỗi môn học trong khoá học MBA đều giúp học viên tiếp cận những kiến thức quan trọng và thiết yếu có thể ứng dụng vào nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, môn Contemporary People Management giúp tôi hiểu về Evidence Based Management, hiểu về cách phát triển nhân sự để cùng thực thi target chung của công ty.
Ngoài ra, môn Integrated Business Experience là một trong những môn bản thân tôi cảm nhận là học được nhiều nhất. Tôi học được các kiến thức đa dạng về chiến lược, cách nhận biết những xu hướng quan trọng và có sức ảnh hưởng, về chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh. Hay môn Financial Reports for Decision Making cũng giúp tôi có được một số kiến thức và kĩ năng trong việc đánh giá tình hình doanh nghiệp.
So với thời điểm trước khi tham gia khóa học MBA tại Đại học Western Sydney, tôi cảm thấy có sự thay đổi trong sự tìm tòi kiến thức và sẵn sàng đón nhận nhiều điều mới mẻ từ nhiều lĩnh vực hơn.
Lời khuyên của tôi với các bạn chuẩn bị tham gia chương trình MBA là hãy cởi mở với người khác, sẵn sàng kết nối, sẵn sàng làm việc chung, sẵn sàng trao đổi để đem lại kết quả tốt nhất cho nhóm, cho bản thân. Các bạn tham gia MBA nên xác định tâm thế là mở rộng thêm tầm nhìn về kinh doanh, về nhiều lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp và mở rộng thêm nhiều kết nối với bạn bè ở những doanh nghiệp khác. Nhờ đó, bạn có thể chủ động học và tích luỹ được nhiều điều hơn, thay vì chỉ là một tấm bằng Thạc sĩ.
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney