Từ VAS đến IFRS: Chuyển đổi chuẩn mực tài chính cần sự đồng lòng của toàn thể

Cơ hội hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đang mở ra trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình những công cụ tài chính hiện đại và minh bạch.

IFRS, với vai trò là một ngôn ngữ chung của báo cáo tài chính toàn cầu, đang trở thành một yêu cầu bắt buộc. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và tận dụng tối đa lợi ích của IFRS?

IFRS, viết tắt của International Financial Reporting Standards, đại diện cho một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế với mục tiêu cung cấp một khung chuẩn mực toàn cầu cho báo cáo tài chính.

>> Xem thêm: Quản trị kinh doanh là ngành gì?

Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS (Nguồn: Giảng viên Chương trình PSO MBA cung cấp).
Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS (Nguồn: Giảng viên Chương trình PSO MBA cung cấp).

IFRS hướng tới việc cung cấp thông tin tài chính chính xác, đầy đủ và minh bạch, giúp các nhà đầu tư và các bên liên quan có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Mục tiêu của IFRS bao gồm đảm bảo tính chính xác và hợp lý trong báo cáo tài chính, đồng thời tạo sự đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế, từ đó tăng cường minh bạch và thu hút đầu tư quốc tế.

Trên toàn cầu, IFRS đã được áp dụng bởi khoảng 144 quốc gia, 15 quốc gia đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm và 7 quốc gia, bao gồm Việt Nam, vẫn sử dụng chuẩn mực kế toán địa phương.

Theo Nhóm nghiên cứu Vụ Tài chính – Kế toán, Ngân hàng Nhà Nước; Techcombank; Học viện Ngân hàng, số doanh nghiệp đã lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế chỉ chiếm xấp xỉ 16,9%, còn lại 83,1% các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Như vậy, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là nhanh chóng thích ứng và áp dụng tiêu chuẩn kế toán quốc tế trong hoạt động kinh doanh, thay vì tiếp tục sử dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS – Vietnamese Accounting Standards) như truyền thống.

>> Xem thêm: Master là gì? Điều kiện học Master?

Lộ trình 03 giai đoạn triển khai IFRS: Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Theo Quyết định 345/QĐ-BTC, Bộ Tài chính Việt Nam đã phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình triển khai IFRS tại Việt Nam được chia thành 03 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021): Các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện công tác tìm hiểu về chuẩn mực IFRS so với chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS, đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi.
  • Giai đoạn áp dụng tự nguyện (2022-2025): Đây là giai đoạn để các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng hệ thống IFRS. Trong đó các doanh nghiệp, đặc biệt là cho báo cáo hợp nhất của các Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty lớn chưa niêm yết, hay báo cáo tài chính ri6eng của công ty FDI, có thể bắt đầu áp dụng IFRS.
  • Giai đoạn áp dụng bắt buộc (sau năm 2025): Từ thời điểm này trở về sau, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 2022-2025. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Ngô Huy Lộc – Director Of Finance And Accounting, CJ CheilJedang, đánh giá có thể có sự điều chỉnh dãn thời gian so với lộ trình, do nhiều doanh nghiệp chưa thật sự sẵn sàng về nguồn lực cho quá trình thay đổi này.

Áp dụng IFRS giúp “mở khóa” nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp

Theo PGS TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer, việc áp dụng IFRS vào doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội và mang lại hàng loạt lợi ích đáng kể, điển hình như:

Định hướng tốt cho nhà đầu tư và các cấp lãnh đạo

IFRS cung cấp ngôn ngữ kế toán chung, giúp nhà đầu tư hay người phân tích dễ dàng so sánh báo cáo tài chính của các công ty từ các quốc gia khác nhau. Với ngôn ngữ kế toán chung này, doanh nghiệp còn có thể tăng cường tính minh bạch qua các báo cáo đồng nhất.

Tăng lòng tin của nhà đầu tư

Mức độ uy tín của doanh nghiệp được nâng cao khi áp dụng IFRS, vì báo cáo tài chính theo IFRS thường được các tổ chức và cơ quan đánh giá tài chính quốc tế, như các công ty xếp hạng tín dụng (credit rating agencies), các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính lớn, xem là đáng tin cậy và minh bạch hơn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn toàn cầu hơn nhờ vào sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.

Cải thiện chất lượng báo cáo tài chính

IFRS thúc đẩy việc sử dụng kế toán theo giá trị hợp lý và yêu cầu thể hiện đầy đủ thông tin, là tiền đề để mang lại báo cáo tài chính chính xác hơn. Với những thông tin tài chính chính xác, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan có thể ra quyết định hiệu quả hơn.

Mang lại hiệu quả chi phí theo thời gian

Đối với các công ty đa quốc gia, việc áp dụng một bộ chuẩn mực giảm bớt sự phức tạp và chi phí duy trì nhiều hệ thống báo cáo. Ngoài ra, việc đầu tư ban đầu vào đào tạo nhân sự và nâng cấp hệ thống có thể giúp doanh nghiệp hoạt động với quy trình hợp lý, góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Tuân thủ quy định kế toán quốc tế

IFRS được công nhận bởi nhiều cơ quan quản lý trên toàn cầu, vì thế việc áp dụng IFRS chính là giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định kế toán quốc tế.

MBA Talk #96
PGS TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer, đang chia sẻ với học viên PSO MBA về những lợi ích và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng IFRS tại hội thảo MBA Talk #96 (Nguồn: Hình ảnh từ sự kiện).

“Khoảng cách giữa chuẩn mực Việt Nam và quốc tế là một trong những trở ngại lớn”

Việc áp dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích là điều không thể phủ nhận, nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít thách thức trong quá trình triển khai. Những khó khăn này có thể bao gồm:

Khoảng cách giữa chuẩn mực Việt Nam và quốc tế

Việt Nam hiện có 26 chuẩn mực kế toán, trong khi quốc tế có 40 chuẩn mực. Sự khác biệt lớn giữa chuẩn mực VAS và IFRS tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.” – PGS TS Đoàn Anh Tuấn nhận định.

Chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam sang IFRS có ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp đang được áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS được Bộ Tài chính ban hành thành 5 đợt từ năm 2001 đến năm 2005 với 26 chuẩn mực.

Trong khi đó, IFRS bao gồm hơn 40 chuẩn mực, trong đó có một số chuẩn mực mới được ban hành và áp dụng trong các năm 2018 và 2019, như IFRS 9 về công cụ tài chính, IFRS 15 về doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng và IFRS 16 về thuê tài sản.

Đầu tư nguồn nhân sự và chi phí triển khai

Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, bao gồm đội dự án chuyên trách và đào tạo bài bản. Chi phí thực hiện có thể cao trong giai đoạn đầu, bao gồm chi phí đào tạo nhân viên, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và phí tư vấn chuyên môn.

Thách thức về kỹ thuật

Các chuẩn mực IFRS có thể phức tạp và đòi hỏi sự chuyên môn cao trong việc giải thích và áp dụng. Chúng bao gồm các nguyên tắc kế toán quốc tế chi tiếtyêu cầu doanh nghiệp thực hiện các đánh giá phức tạp, như xác định giá trị hợp lý hoặc phân loại các công cụ tài chính. Để thực hiện đúng các chuẩn mực này, đội ngũ kế toán và tài chính cần có hiểu biết sâu rộng về các quy định và khả năng phân tích chi tiết, nhằm đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Thay đổi văn hóa và tổ chức

Việc áp dụng một chuẩn mực kế toán mới có thể gặp phải sự phản đối từ nhân viên và quản lý, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc họ chưa quen với các quy định mới. Để khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp thường cần triển khai các chương trình đào tạo toàn diện, nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhân sự liên quan đều nắm rõ và thực hiện đúng các yêu cầu của IFRS, từ đó giảm sự chống đối và nâng cao hiệu quả áp dụng.

Tác động đến báo cáo tài chính

Các doanh nghiệp lần đầu áp dụng IFRS cần thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính, ảnh hưởng đến thu nhập, tài sản và nợ phải trả đã báo cáo. Đôi khi, một số dữ liệu tài chính trong quá khứ cần được điều chỉnh lại, làm phức tạp hóa việc phân tích xu hướng và so sánh qua thời gian.

Đòi hỏi sự cập nhật liên tục từ đội ngũ

Các tiêu chí IFRS liên tục phát triển, yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật và theo kịp các thay đổi. Áp dụng thôi là chưa đủ, doanh nghiệp cần theo dõi và kiểm soát liên tục để đảm bảo sự tuân thủ IFRS.

>> Xem thêm: Affiliate marketing là gì?

IFRS và VAS: 02 điểm khác biệt đặc trưng

MBA Talk #96: IFRS và VAS

Tại hội thảo MBA Talk #96 do Viện ISB và Đại học Western Sydney tổ chức, ông Ngô Huy Lộc – Director Of Finance And Accounting, CJ CheilJedang, đã chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa VAS và IFRS.

MBA Talk #96
Tham gia chia sẻ tại MBA Talk #96, diễn giả Ngô Huy Lộc đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về VAS và IFRS (Nguồn: Hình ảnh từ sự kiện).

VAS mang tính chi tiết hơn, trong đó có nhiều văn bản quy định cụ thể. Trong khi đó, IFRS mang tính tổng quát, tập trung đưa ra các khung hướng dẫn mà không đi vào chi tiết.” – Director Of Finance And Accounting tại CJ CheilJedang, nhấn mạnh.

Chi tiết chưa hẳn là tốt, vì chính những quy định chi tiết trong quá trình áp dụng VAS là nguyên nhân của những khó khăn và phức tạp trong quá trình triển khai. Còn “ngôn ngữ kế toán quốc tế” lại mang đến sự tiện lợi và linh hoạt trong quá trình thực thi.

Một điểm khác biệt nổi bật là IFRS ghi nhận tài sản và các khoản mục kế toán theo giá trị hợp lý, phản ánh chính xác giá trị thực tế của chúng. Ngược lại, VAS, theo chuẩn mực kế toán truyền thống, ghi nhận tài sản và các khoản mục theo giá trị gốc mà không có sự điều chỉnh theo biến động thị trường.

Cải cách từ VAS lên IFRS cho các doanh nghiệp Việt cần sự đồng lòng của toàn thể nhân sự

Theo ông Lộc, từ sau 2025 – cũng là giai đoạn bắt buộc chuyển đổi sang IFRS, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trải qua 02 giai đoạn chuyển đổi chính.

02 giai đoạn “nâng cấp” từ VAS đến IFRS áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam (Nguồn: Diễn giả cung cấp).
02 giai đoạn “nâng cấp” từ VAS đến IFRS áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam (Nguồn: Diễn giả cung cấp).

Giai đoạn 1: Xây dựng hệ thống tài chính kế toán theo IFRS.

Chuyển đổi số đầu kỳ: Trước khi áp dụng IFRS, doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi các báo cáo tài chính trước đó để có thể so sánh. Đối với doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS vào năm cụ thể, cần chuẩn bị các báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán (balance sheet) và báo cáo lợi nhuận và lỗ (P&L) từ hai năm trước đó để có cơ sở so sánh.

Tìm hiểu chính sách kế toán và hạch toán: Nghiên cứu các chính sách kế toán và hạch toán hiện tại của doanh nghiệp cũng như cách áp dụng IFRS. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ về các yêu cầu của IFRS và cách thức áp dụng chúng trong bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp.

So sánh báo cáo tài chính theo VAS và IFRS: Doanh nghiệp cần so sánh các báo cáo tài chính hiện tại theo chuẩn mực VAS với các yêu cầu của IFRS. Phân tích sự khác biệt giữa các hạng mục và chuẩn bị để thực hiện các điều chỉnh cần thiết khi áp dụng IFRS.

Xây dựng bút toán điều chỉnh: Phát triển các bút toán điều chỉnh số liệu tài chính, bao gồm việc cung cấp diễn giải, tài liệu và thông tin chi tiết để đối chiếu và xác nhận sự chính xác của các điều chỉnh. Quá trình điều chỉnh số liệu tài chính cần được theo dõi và xử lý liên tục. Ông Lộc cho rằng, trong quá trình này doanh nghiệp thường cần sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán để đảm bảo tính chính xác và hợp lệ của các điều chỉnh.

Thiết lập biểu mẫu/báo cáo: Doanh nghiệp cần thiết lập các biểu mẫu và mẫu báo cáo phù hợp với chuẩn mực IFRS. Quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng cần phải được điều chỉnh để phù hợp với các yêu cầu mới, vì mỗi loại báo cáo và hoạt động có thể ảnh hưởng đến hoạt động tổng thể của doanh nghiệp.

Ví dụ, theo chuẩn mực IFRS, các khoản chi phí thuê tài sản phải được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán (balance sheet), trong khi theo chuẩn mực VAS, chúng thường được ghi nhận vào báo cáo lợi nhuận và lỗ (P&L).

Đào tạo nhân sự: Quá trình chuyển đổi không chỉ là việc thay đổi cách báo cáo mà còn bao gồm việc đào tạo nhân sự kế toán và các phòng ban khác để đảm bảo việc áp dụng IFRS diễn ra suôn sẻ và chính xác. Như vậy, “việc chuyển đổi hệ thống kế toán quốc tế đòi hỏi sự tham gia của hầu hết nhân sự trong công ty, chứ không đơn thuần là nhiệm vụ của phòng Kế toán như nhiều người lầm tưởng.” – Ông Huy Lộc cho biết.

Giai đoạn 2: Kiểm tra, đánh giá và xem xét hiệu quả của giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra và đánh giá hiệu quả của các thay đổi đã thực hiện. Đặc biệt, giai đoạn này còn bao gồm việc tích hợp hệ thống Công nghệ thông tin (IT) để phản ánh chính xác các hoạt động tài chính, từ đó ổn định quy trình và tự động hóa các chức năng quyết toán và trình duyệt báo cáo. Các công ty lớn, có đủ nguồn lực và hệ thống công nghệ hiện đại, có thể thực hiện đồng thời 2 giai đoạn.

>> Xem thêm: Chọn MBA hay Thạc sĩ Marketing nếu muốn tìm hiểu Social Media Marketing?

Kết

Việc chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS là một bước quan trọng trong lộ trình cải cách tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. IFRS không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và đồng bộ trong báo cáo tài chính, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường quốc tế và thu hút đầu tư.

Dù quá trình này đầy rẫy thách thức và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, song lợi ích dài hạn của IFRS là vô cùng to lớn. Với sự chuẩn bị chu đáo và sự đồng lòng của toàn thể nhân sự trong suốt 02 giai đoạn chuyển đổi, doanh nghiệp không chỉ có thể vượt qua những thách thức mà còn gặt hái thành công trong môi trường kinh doanh toàn cầu.