Work-Life Balance thế nào khi học MBA?
Work-Life Balance đã khó, nhưng đối với những người đang học MBA, họ còn phải cân bằng cả Work-Life-Study. Đâu là bí quyết?
Buổi trò chuyện MBA Meetup số 10 do UEH-ISB tổ chức xoay quanh những chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Tiến (Digital Customer Experience Lead – Schneider Electric Việt Nam) và anh Ngô Quốc Tiến (Shopper Marketing Assistant Manager – Unilever Việt Nam) về cách mà họ đã chinh phục tấm bằng MBA.
Work-Life Balance là không tách biệt hai khái niệm
Nói về động lực để bắt đầu học MBA, hai khách mời đã có những chia sẻ thú vị về trải nghiệm cá nhân.
Anh Tiến Ngô đánh giá cao sự bao quát của kiến thức mà chương trình MBA cung cấp, sự liên quan mật thiết đến quản lý và vận hành doanh nghiệp, cũng như lợi thế trong hồ sơ tuyển dụng, anh Tiến Nguyễn lại tiếp cận với MBA qua suất học bổng chương trình MBA liên kết quốc tế của Đại học Western Sydney liên kết với các đối tác doanh nghiệp (Unilever, Samsung,…) và bị thu hút bởi chất lượng đào tạo, mạng lưới liên kết và thứ hạng của trường.
Tiến Nguyễn chia sẻ: “Trong bối cảnh thế giới thay đổi mỗi ngày, việc lựa chọn một chương trình phát triển kiến thức theo chiều ngang, phổ quát sẽ hỗ trợ cho công việc một cách đa chiều hơn. Các môn học trong chương trình MBA của Western Sydney dàn trải đều khắp, từ kiến thức ngành đến kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng nắm bắt, vận hành doanh nghiệp rất đa dạng, đáp ứng được nhu cầu và cung cấp bộ kỹ năng cần thiết trong bối cảnh hiện tại”.
Không hề phủ nhận việc học MBA cũng tạo ra rất nhiều áp lực lên sức khỏe và tinh thần, anh Tiến Ngô chia sẻ về khoảng thời gian học MBA: “Rời công ty vào lúc 5h chiều, băng qua một quãng đường kẹt xe 1 tiếng đồng hồ để đến lớp đúng 6h, đầy áp lực”.
Không tách biệt hai khái niệm công việc – cuộc sống và cố gắng tìm cách cân bằng cả hai, Tiến Ngô nói anh xem mọi thứ đều là cuộc sống. Với việc học MBA, anh cho rằng đây là một “cuộc chơi”, và mình là người quyết định cách chơi: “Khi mình xem việc đến lớp là một niềm vui, được gặp gỡ bạn bè, học hỏi và trau dồi kiến thức, điều đó sẽ tạo nên nguồn năng lượng để mình vượt qua, thậm chí “tận hưởng” giai đoạn đó”.
Với Tiến Nguyễn, anh đánh giá việc theo đuổi tấm bằng MBA là sự đánh đổi và hy sinh của bản thân. Anh khẳng định không thể đòi hỏi vừa làm việc tốt, vừa học tốt lại có thể… tận hưởng hết cuộc sống. Cần phải biết đâu là ưu tiên để tập trung vào đó. Tiến Nguyễn khẳng định chính sự chia sẻ, động viên và thấu hiểu lẫn nhau giữa mọi người khi ấy đã trở thành nguồn động lực để anh hoàn thành tốt chương trình học.
Học MBA không chỉ là học kiến thức
Nhắc lại chương trình học MBA tại Western Sydney, anh Tiến Ngô chia sẻ bản thân thích làm việc với các con số, đó là lý do anh đã có một trải nghiệm học tuyệt vời với môn Corporate Finance.
Ba điều khiến Tiến Ngô tâm đắc nhất từ môn học: Nền tảng kiến thức chắc chắn về tài chính, các bài tập đưa học viên vào vai trò của nhà tư vấn tài chính trong doanh nghiệp một cách thực tiễn chứ không chỉ là lý thuyết hàn lâm; Các công cụ tài chính giúp hỗ trợ đưa ra quyết định quản lý, đầu tư, vận hành,…; Nguồn năng lượng tích cực mà giảng viên của anh (TS. Đức Võ) truyền tải trong lớp học. Theo anh, đây cũng chính là điều biến một môn học tưởng khô khan trở nên vô cùng sinh động và thú vị.
Một lợi ích không thể phủ nhận của chương trình thạc sĩ kinh doanh là môi trường quốc tế, điều đó dẫn đến các cuộc hội thoại đều phải được… chia động từ. Và để làm việc nhóm hiệu quả thì không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn thông qua các giao tiếp xã hội, dung hòa văn hóa và sự cam kết, để cùng nhau hoàn thành bài tập nhóm.
Tiến Nguyễn lại có một góc nhìn rất khác. Anh tự nhận bản thân là người thẳng tính, thường phản ứng mạnh với những kết quả mình không hài lòng. Tuy nhiên trong quá trình học, việc làm bài tập nhóm đã giúp anh dần thay đổi, mọi ứng biến trở nên linh hoạt hơn rất nhiều. Tiếp xúc với các học viên MBA quốc tế, anh Tiến cũng nhận được ích lợi từ việc được lắng nghe nhiều ý kiến mới mẻ từ những người bạn có nền văn hóa và trải nghiệm khác biệt so với mình, giúp anh mở mang thêm được những góc nhìn đa chiều hơn.
Anh cũng đánh giá rằng người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường khá ngại chia sẻ về quan điểm cá nhân và mang tính chất tập thể nhiều hơn. Việc học trong một môi trường đa quốc gia có thể giúp cải thiện điều này và sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng của mình.