MBA Talk #46: Doanh nghiệp đã sẵn sàng để chuyển đổi số chưa?

Nhằm trang bị cho học viên PSO MBA những kiến thức nóng về chuyển đổi số, Viện ISB đã mời chuyên gia Jayant Subhash Shenoy, hiện là Commercial Director tại Nielsen IQ Vietnam chia sẻ tại hội thảo MBA Talk #46 với chủ đề “Am I ready for a digital transformation journey?”.

Hội thảo MBA Talk #46 với sự dẫn dắt từ TS Khánh Ngô – Giảng viên Viện ISB, xoay quanh 2 nội dung chính: Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu và 4 bước cần thực hiện để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số.

TS Khánh Ngô và ông Jayant Subhash Shenoy thảo luận sôi nổi về chuyển đổi số tại hội thảo MBA Talk #46.
TS Khánh Ngô và ông Jayant Subhash Shenoy thảo luận sôi nổi về chuyển đổi số tại hội thảo MBA Talk #46.

1. Thực trạng và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu

Ông Jayant Subhash Shenoy thảo luận về bảng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu vào năm 2008 và 2018 tại MBA Talk #46.
Ông Jayant Subhash Shenoy thảo luận về bảng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu vào năm 2008 và 2018 tại MBA Talk #46.

Mở đầu hội thảo, ông Jayant Subhash Shenoy đặt ra một câu hỏi lớn: Xu hướng nổi trội nào được nhìn thấy từ Bảng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu vào năm 2018 so với 10 năm trước? Giá trị vốn hóa thị trường (Market Capitalization) được coi là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, là tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp. Nếu như năm 2008, những công ty hàng đầu là những doanh nghiệp dầu khí như PetroChina và Exxon, doanh nghiệp năng lượng như General Electric, thì vào năm 2018, toàn cầu chứng kiến sự trỗi dậy của các công ty công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook, v.v..

Ông Jayant Subhash Shenoy nhận định rằng thế giới đang dần chuyển đổi từ vật lý sang kỹ thuật số. Số đông thường sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ thay vì tìm kiếm những chiếc taxi truyền thống, thường đọc sách trên Kindle và ebook nhiều hơn sách giấy, v.v.. Công nghệ tràn ngập trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đương nhiên bao gồm cả lĩnh vực mua sắm trực tuyến.

Chuyển đổi số tràn ngập mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả lĩnh vực mua sắm trực tuyến.
Chuyển đổi số tràn ngập mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả lĩnh vực mua sắm trực tuyến.

Để dễ hình dung về sự tăng trưởng của ngành E-commerce, ông Jayant Subhash Shenoy cũng điểm qua một vài số liệu thú vị. Biểu đồ trên thể hiện chỉ số GMV tại Đông Nam Á từ năm 2019 và dự báo của Bain đến năm 2025. GMV (Gross Merchandising Value) là chỉ số đo lường tổng giá trị của hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định trên một nền tảng cụ thể.

  • Năm 2019-2020, Đông Nam Á có sự tăng trưởng đáng kể trong việc mua sắm trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng trưởng GMV đạt 31%.
  • Năm 2020-2021, Covid-19 hoành hành khắp nơi khiến tỉ lệ tăng trưởng GMV tiếp tục lên đến 50%.
  • Dự báo đến năm 2025, GMV tại các quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 17%.

2. 4 bước chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số

Tại hội thảo MBA Talk #46, ông Jayant Subhash Shenoy đã giới thiệu 4 bước cần thiết cho bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào.

2.1 Chuẩn bị chuyển đổi

  • Bắt đầu với câu hỏi Tại sao: Đây là điểm đầu tiên, và cũng là điểm quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần trả lời được câu hỏi “Tại sao tôi muốn chuyển đổi số”? Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ chức cần hiểu được giá trị đang cung cấp, mục đích của doanh nghiệp để định hướng chiến lược một cách rõ ràng nhất.
  • Sự thay đổi trong văn hóa: Chuyển đổi số không phải là trách nhiệm của bộ phận IT, chuyển đổi số phải là một phần trong văn hóa của cả công ty.
  • Làm rõ quy trình: Các quy trình liên quan của doanh nghiệp nếu không được xác định rõ ràng và minh bạch sẽ là một sự cản trở cho quá trình chuyển đổi số.
  • “Bắt tay” với đối tác bên ngoài: Đôi khi, doanh nghiệp cần những chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chuyển đổi số như SAP, IBM, v.v.. Vì vậy, đừng loại bỏ khả năng “bắt tay” với các đối tác chuyên nghiệp để hành trình của doanh nghiệp dễ dàng hơn.
  • Bắt đầu từ những điều nhỏ và làm thử nghiệm: Hãy bắt đầu hành trình chuyển đổi số với quy mô cục bộ, từ đó tiến hành thử nghiệm và phân tích trước khi triển khai một cách toàn diện.

2.2 Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng

  • Phân tích dữ liệu để hiểu rõ tình hình hiện tại: Nhiều doanh nghiệp ghi nhận và lưu trữ vô số dữ liệu khách hàng, nhưng chưa liên kết được với nhau để có cái nhìn toàn cảnh về hành vi người tiêu dùng.
  • Chúng ta đang làm việc và tồn tại trong một hệ sinh thái kỹ thuật số: do đó cần nhớ rằng “think digital first”.
  • Thành lập đội ngũ cốt lõi với sự lãnh đạo từ cấp cao để quá trình chuyển đổi số có sự kết hợp nhịp nhàng.
  • Tạo ra văn hóa hợp tác với mô hình thu nhỏ: Hãy xây dựng một hệ thống cốt lõi – như một “vũ trụ nhỏ” để tìm hiểu những trải nghiệm và nhu cầu của trải nghiệm của khách hàng từ những góc độ khác nhau, sau đó mới triển khai toàn diện.
  • Quy trình chuyển đổi vẫn luôn tiếp diễn: Chuyển đổi là một quá trình liên tục, vì khách hàng và nhu cầu của họ sẽ luôn thay đổi.

2.3 Đánh giá rủi ro và những mối đe dọa từ chuyển đổi số

  • Cú sốc văn hóa: Một thách thức của chuyển đổi số là tác động tiêu cực đến tinh thần làm việc của nhân viên. Khi đối mặt với sự không rõ ràng, người lao động sẽ dễ cảm thấy bối rối và không hiểu điều gì đang xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, cần giúp nhân sự nhớ đến lý do doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
  • An ninh mạng: Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp có rủi ro bị tấn công bởi hacker và đôi khi bị ảnh hưởng bởi một số mối đe dọa kỹ thuật số khác. Do đó, điều quan trọng là cần tìm các giải pháp công nghệ phù hợp để xây dựng một hệ thống mạnh mẽ.
  • Đào tạo và những vấn đề liên quan đến tư duy: Đào tạo nhân viên phần nào đó sẽ giúp họ hiểu và triển khai được các hoạt động liên quan chuyển đổi số. Không chỉ đào tạo, nhà lãnh đạo cũng cần động viên nhân viên và đảm bảo việc quản lý.
  • Tồn tại song song và thiếu sự tích hợp: Trong một công ty, công việc có thể được giải quyết trên Excel, Oracle, đôi khi là nhờ một vài công nghệ khác. Khi triển khai một hệ thống mới (chẳng hạn như ERP), các hệ thống này nên được “đấu nối” chặt chẽ với nhau.
  • Bảo mật dữ liệu và quá phụ thuộc nhà cung cấp: Luôn có rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Do đó, cần kiểm soát hợp đồng với đối tác kĩ lưỡng để phòng tránh rủi ro.

2.4 Đổi mới tư duy nhân sự

  • Thích nghi: Như đã thảo luận ở phần trên, chuyển đổi số là một hành trình không ngừng nghỉ, và đương nhiên nó đòi hỏi sự thích nghi của toàn bộ nhân lực tham gia vào hành trình này.
  • Sẵn sàng học hỏi: Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, điển hình là trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi con người phải học hỏi từng ngày.
  • Triển khai cách làm việc mới: Trước đây, một công ty lớn có thể bao gồm nhiều bộ phận như Tài chính, IT, Marketing, v.v.. Cách làm này giúp chuyên môn hóa, tuy nhiên, ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ, doanh nghiệp có thể cần áp dụng những cách làm mới. Điển hình là việc xây dựng một hệ sinh thái mà tại đó các phòng ban đều có thể tiếp nhận thông tin và ra quyết định một cách nhanh nhất.
  • Thăng tiến trong sự nghiệp nhờ phát triển kỹ năng mới: Không chịu phát triển nghĩa là bạn đang chết dần. Các học viên PSO MBA tài năng là những ví dụ về phát triển từng ngày nhờ hệ thống giáo dục tiên tiến.
  • Rèn luyện tư duy sẵn sàng cho sự thay đổi trong từng phòng ban
  • Phản hồi chân thật: Mỗi nhân viên hay nhà quản lý đều cần đưa ra những phản hồi liên tục về những điểm tốt và chưa tốt. Một số nhà lãnh đạo chỉ thúc đẩy nhưng không tiếp nhận phản hồi, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Tổng kết

Như vậy, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp. Để thành công trong hành trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần thực hiện các bước chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến lược đúng đắn.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).