Commercial Director NielsenIQ và 4 bước chuyển đổi số 

AI (trí tuệ nhân tạo), Cloud computing (điện toán đám mây), Blockchain và những công nghệ mới lần lượt ra đời đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Theo đó, để có thể nắm bắt cơ hội, đương đầu với thử thách và đứng vững trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, doanh nghiệp cần chuyển đổi số như thế nào?

Nhằm cung cấp cho học viên PSO MBA về những kiến thức mấu chốt trong chuyển đổi số, Viện ISB đã mời chuyên gia Jayant Subhash Shenoy – Commercial Director tại NielsenIQ Vietnam chia sẻ tại hội thảo MBA Talk.

PSO MBA Talk #46 bàn về chủ đề chuyển đổi số
Ông Jayant Subhash Shenoy – Commercial Director tại NielsenIQ Vietnam tham gia chia sẻ tại hội thảo MBA Talk.

1. Thế giới chứng kiến sự lên ngôi của các công ty công nghệ

Lý giải cho sức nóng của chuyển đổi số, ông Jayant Subhash Shenoy đã đưa ra một dẫn chứng vô cùng thuyết phục: Vào năm 2008, những công ty với giá trị vốn hóa thị trường đứng đầu thế giới là những doanh nghiệp dầu khí như PetroChina, doanh nghiệp năng lượng như General Electric, thì chỉ sau 10 năm, đến năm 2018, hàng loạt công ty công nghệ như Apple, Google, Microsoft đã vươn lên dẫn đầu thế giới.

Ngoài ra, khi quan sát hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới, ông Jayant Subhash Shenoy cũng thấy rằng ngày càng nhiều người thích đặt xe công nghệ thay vì chọn taxi truyền thống, đọc ebook nhiều hơn đọc sách giấy, v.v..

2. 4 bước chuyển đổi số được đề xuất bởi Commercial Director NielsenIQ

Như dẫn chứng ở phần trên, thế giới đang không ngừng thay đổi theo hướng kỹ thuật số, đòi hỏi doanh nghiệp nếu muốn đứng vững và phát triển trên thị trường phải học cách thích nghi. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, chuyên gia Jayant Subhash Shenoy chia sẻ với học viên PSO MBA 4 bước chuẩn bị cho chuyển đổi số doanh nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị chuyển đổi số

Trong quá trình chuẩn bị cho chuyển đổi số, ông Jayant Subhash Shenoy cho rằng điều quan trọng nhất là phải bắt đầu với câu hỏi Tại sao. Xác định được lý do cần chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược, đồng thời giúp các thành viên trong tổ chức hiểu được giá trị của sản phẩm/dịch vụ và mục đích chung của tổ chức. Ông cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số phải là một phần trong văn hóa tổ chức, chứ không đơn thuần chỉ là công việc của bộ phận IT.

Khi chuẩn bị cho hành trình chuyển đổi số, hãy cứ bắt đầu với quy mô cục bộ, từ đó tiến hành thử nghiệm và phân tích trước khi triển khai một cách toàn diện. Ông Jayant Subhash Shenoy đưa ra ví dụ, công ty của bạn đang hoạt động ở 60 thị trường, sẽ không lý tưởng nếu bạn ra mắt sản phẩm mới ở tất cả các thị trường.

Việc chuyển đổi số cũng vậy, tiến hành chuyển đổi số ở cùng lúc 60 thị trường là rất tham vọng, chưa kể giữa các thị trường cũng có sự khác biệt về quy định của Chính phủ, cơ sở hạ tầng công nghệ, v.v.. Những gì bạn cần làm là chia các thị trường của mình thành những cụm nhỏ, sau đó chọn thị trường mà bạn xác định là sẵn sàng để chuyển đổi, bắt đầu tiến hành quá trình chuyển đổi số, học hỏi rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai đến các khu vực lân cận. Điều này cũng tương tự như bài học mà mọi người thường truyền tai nhau: “Đừng bao giờ để tất cả trứng vào cùng một giỏ”.

Bước 2: Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng

Trên con đường sự nghiệp của mình, ông Jayant Subhash Shenoy đã quan sát và đúc kết 1 bài học: Những doanh nghiệp/thương hiệu đạt được thành công đều có một điểm chung chính là lấy khách hàng làm trọng tâm, điều này đúng cho cả doanh nghiệp B2B và B2C.

Chuyển đổi số, bên cạnh việc làm đơn giản hóa và minh bạch mọi thứ, cũng cần hiểu người tiêu dùng cuối cùng, trả lời được câu hỏi tại sao khách hàng phải sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Hãy nói chuyện với khách hàng, hiểu nhu cầu, nỗi trăn trở và hành vi của họ, xác định cách thế giới đang chuyển động, sau cùng là sáng tạo giải pháp vừa hiện đại vừa đảm bảo tính hiệu quả.

Ngoài ra cũng cần ghi nhớ, chuyển đổi số là một quy trình không ngừng nghỉ, bởi khách hàng và nhu cầu của họ sẽ luôn thay đổi.

PSO MBA Talk Chuyển đổi số

Bước 3: Đánh giá rủi ro và những mối đe dọa từ chuyển đổi số

Tại hội thảo MBA Talk, ông Jayant Subhash Shenoy cũng nhấn mạnh những rủi ro có thể xảy ra khi doanh nghiệp chuyển đổi số: những cú sốc đối với tinh thần của nhân viên, nguy cơ bị tấn công bởi hacker, sự tồn tại song song và thiếu tích hợp của nhiều nền tảng công nghệ, v.v.. Không chỉ nhấn mạnh những mối nguy hiểm, ông cũng đề xuất những giải pháp để giải quyết những thách thức trong chuyển đổi số, điển hình là:

  • Luôn nhắc nhớ các cá nhân trong tổ chức về lý do doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số
  • Tìm các giải pháp công nghệ phù hợp để xây dựng một hệ thống mạnh mẽ
  • Tìm phương pháp “đấu nối” chặt chẽ các hệ thống trong tổ chức

Bước 4: Đổi mới tư duy nhân sự

Như đã thảo luận ở phần trên, chuyển đổi số là một quá trình không ngừng nghỉ, vì thế nó đòi hỏi sự thích nghi và học hỏi từng ngày của toàn bộ nhân lực tham gia vào quá trình này. Ngoài ra, cá nhân có thể tham khảo để triển khai những cách làm việc mới, nhắm đến hiệu quả cao hơn: Nếu như ngày xưa, công ty hoạt động trên hình thức chuyên môn hóa thì giờ đây, tổ chức hoàn toàn có thể cân nhắc việc tạo một hệ sinh thái mà tại đó các phòng ban đều có thể tiếp nhận thông tin và ra quyết định một cách nhanh nhất.

Xem thêm Snapshot – MBA Talk #46: Doanh nghiệp đã sẵn sàng để chuyển đổi số chưa?

3. Chuyển đổi số tác động như thế nào đến doanh nghiệp trong tương lai?

Ông Jayant Subhash Shenoy đã điểm qua những tác động của chuyển đổi số đối với hiện tại và tương lai của doanh nghiệp trên toàn cầu tại hội thảo MBA Talk, trong đó nổi bật là việc tăng tầm quản lý của những vị lãnh đạo và sự phổ biến của outsourcing:

  • Tăng tầm quản lý của các cấp lãnh đạo (Increase span of control): Thời nay, việc quản lý của những nhà lãnh đạo cũng trở nên khác biệt hơn nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Cụ thể, công nghệ hỗ trợ việc báo cáo với cấp trên thuận lợi hơn, nhờ đó một vị CEO toàn cầu đang ở Đức cũng có theo dõi những công việc bạn đang làm tại Quận 2, TP HCM chẳng hạn.
  • Outsourcing nhiều hơn: Ngày nay, chúng ta có DALL.E hỗ trợ về lĩnh vực hình ảnh, có ChatGPT hỗ trợ sáng tạo những nội dung cơ bản, v.v.. Có thể thấy, đôi khi những sự hỗ trợ bên ngoài sẽ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là không ngừng nâng cao kỹ năng và trình độ nguồn nhân lực.

Tổng kết

Chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu đối với những doanh nghiệp muốn giữ vững chỗ đứng trên thị trường và nuôi tham vọng mở rộng quy mô. Chuyển đổi số có thể nói là một con đường không bằng phẳng, tại đó doanh nghiệp phải cải tiến từ những yếu tố nội bộ đến bên ngoài, đồng thời phải học cách thay đổi và thích nghi liên tục để đón đầu xu hướng của thị trường.

Xem thêm: 03 điều bạn cần biết khi học MBA tại Việt Nam