Former Head of Integrated Marketing, Lazada Việt Nam: “Đánh đổi cảm giác an toàn khi học MBA”
“Điều mà tôi đánh đổi để học MBA chính là cảm giác an toàn, ổn định trong công việc. MBA như một yếu tố giúp tôi nhắc nhở bản thân rằng liệu mình có đang “ngủ quên trong sự ổn định và an toàn”, đã đủ sẵn sàng ra “đại dương lớn hơn hay chưa” – Chị Hà Phan – Business Advisor / Former VP, Head of Integrated Marketing, Lazada Vietnam – Học viên MBA tại Đại học Western Sydney khoá 2022 chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup do Viện ISB kết hợp với Đại học Western Sydney tổ chức.
Mục lục
- *Hơn 17 năm “chinh chiến” qua nhiều ngành nghề, chị Hà có thể chia sẻ thêm về hành trình phát triển sự nghiệp của mình?
- *Có một câu nói rất nổi tiếng: “Hạnh phúc là quá trình, không phải đích đến”. Khi nhìn lại, chị có thấy hạnh phúc với những gì mình đã trải qua?
- *Được biết, chị Hà đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney. Chị chú trọng quá trình hay kết quả trong hành trình học tập?
- *Chị đã đánh đổi điều gì trong quá trình học MBA? Sự khác biệt giữa trước và sau khi học của chị là gì?
- *Hiện nay, chúng ta đều biết tỷ lệ các bạn trẻ “nhảy việc” khá cao. Với góc độ một người đi làm và gắn bó trong cùng một lĩnh vực lâu năm, làm sao để các bạn có thể đi theo một quá trình chặt chẽ và kết quả cũng ngọt ngào?
- *Cuối cùng, chị có thể gửi lời khuyên giúp các bạn quản trị tốt quá trình và đạt được kết quả “như ý” hay không?
- *Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Hà. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!
*Hơn 17 năm “chinh chiến” qua nhiều ngành nghề, chị Hà có thể chia sẻ thêm về hành trình phát triển sự nghiệp của mình?
Chào tất cả mọi người, tôi là Hà Phan – Former Head of Integrated Marketing tại Lazada Việt Nam. Tại Lazada Việt Nam, tôi đảm nhiệm vai trò then chốt của team Traffic, phụ trách tìm kiếm điểm giao thoa giữa các bên, từ nhà cung cấp và các nhãn hàng đến với người tiêu dùng.
Hơn 17 năm theo đuổi hành trình sự nghiệp đã cho tôi cơ hội trải nghiệm đa dạng trong nhiều ngành nghề. Tôi khởi đầu với vị trí Business Development tại Vietnamworks. Sau đó, tôi chuyển qua Talent Acquisition và tiếp tục với vai trò Head Hunt. Một thời gian sau, tôi nhận ra bản thân đam mê với Marketing, tôi bắt đầu xây dựng lại nghề nghiệp bằng vị trí Merchandiser tại Circle K.
Tiếp nối hành trình, tôi nhận được lời khuyên từ CEO của Circle K thời điểm đó lẫn quản lý trực tiếp rằng tôi “nhạy” với việc đánh giá con số, tình hình kinh doanh ngành hàng, phù hợp với Category Management, tôi chuyển sang lĩnh vực này và cống hiến trong 9 năm liền. Quyết định dứt bỏ “marketing” mà mình luôn yêu thích thật sự là một quyết định khó khăn.
Sau đó, tôi nhận được offer từ Lazada và chuyển hướng sang Category Management Online và từ đó kết nối qua vị trí ở bộ phận Campaign tại Lazada cho tôi cơ hội học hỏi không ngừng về cách vận hành và xây dựng chiến lược của nền tảng Thương mại điện tử. Luôn tìm kiếm thử thách để phát triển, tôi đã trải qua nhiều vị trí, từ Category Management của ngành hàng FMCG, sau đó là Fashion, rồi Campaign đến Integrated Marketing. Mỗi vị trí đều cho tôi những trải nghiệm quý giá.
*Có một câu nói rất nổi tiếng: “Hạnh phúc là quá trình, không phải đích đến”. Khi nhìn lại, chị có thấy hạnh phúc với những gì mình đã trải qua?
Hai lần rẽ hướng “ngoạn mục” từ Business Development, Head Hunt, Category Management đến Campagin và sau đó là Integrated Marketing, tôi cho rằng đó không gọi quá trình là hạnh phúc mà là may mắn. May mắn vì tôi gặp được những người sếp hiểu mình và đề xuất những định hướng thực sự phù hợp, giúp tôi có một bước ngoặt mới trong sự nghiệp.
Và cũng từ những người mình đã gặp trong suốt hành trình đã mang đến cho tôi những cơ hội, như gieo duyên lành – đúng như câu “nghề chọn người chứ mình không chọn nghề”.
*Được biết, chị Hà đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney. Chị chú trọng quá trình hay kết quả trong hành trình học tập?
Suốt quá trình học từ lúc bắt đầu đến bây giờ, tôi luôn trân trọng và tận hưởng mọi quá trình và không đặt nặng vấn đề bằng cấp. Đối với tôi, trải nghiệm học tập, cách vận dụng kiến thức thực tế đóng vai trò quan trọng hơn điểm số hay tín chỉ tích lũy.
Trước đây, tôi luôn ấp ủ dự định tham gia vào một chương trình MBA chuẩn quốc tế bởi sự thu hút từ tính “quốc tế” trong thiết kế chương trình cũng như cách truyền đạt kiến thức của các giảng viên. Vì vậy tôi luôn cố gắng đặt mục tiêu tương tác thật nhiều với giảng viên, bạn học, trau dồi thêm nhiều góc nhìn, kỹ năng và kinh nghiệm.
Một điều nữa là khi tham gia lớp học MBA, tôi có cảm giác quay về thời sinh viên đầy nhiệt huyết. Tôi được gặp gỡ và tương tác với rất nhiều người bạn mới, tạo thêm động lực đến lớp vào cuối tuần. Niềm vui được học hỏi, trau dồi là động lực lớn nhất thúc đẩy tôi trên hành trình học tập của mình.
*Chị đã đánh đổi điều gì trong quá trình học MBA? Sự khác biệt giữa trước và sau khi học của chị là gì?
Tôi nghĩ chắc chắn ai cũng trả lời là đánh đổi “thời gian” dành cho gia đình, sự nghiệp, cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, điều tôi đánh đổi lại là cảm giác thoải mái, an toàn trong công việc. Từ trước tới nay tôi đều có cảm giác ổn định. Tôi được nhìn nhận với kỹ năng tốt, xây dựng được một đội ngũ chắc chắn, kết nối với nhau gắn bó lâu dài với công ty.
Đến khi tham gia vào hành trình MBA, có những yếu tố thực sự nhắc nhở mình rằng công việc này có thực sự là đích đến cuối cùng trong hành trình của mình hay không? Tôi đã đủ giỏi, tự tin để đi ra những đại dương lớn hơn hay chưa. Từ đó, tư duy và cách nhìn nhận về con đường sự nghiệp cũng thay đổi, và điều này làm tôi cảm thấy hạnh phúc.
Trong quá trình đi học, tôi thấy mình được nâng cấp bản thân lên rất nhiều nhờ những kiến thức mới. Ví dụ như môn Innovation through Digital Technology do thầy Minder Chen giảng dạy, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về những công nghệ mới. Hoặc từ lúc được học môn Integrated Business Experience của lớp thầy Micheal Saram, tôi nhận ra những thiếu sót trong tư duy và kiến thức của bản thân, từ đó thôi thúc tôi đào sâu nghiên cứu nhiều hơn về Business Strategy và Strategic Thinking để hoàn thiện bản thân hơn nữa dù môn học đó đã kết thúc hơn 1 năm trước.
*Hiện nay, chúng ta đều biết tỷ lệ các bạn trẻ “nhảy việc” khá cao. Với góc độ một người đi làm và gắn bó trong cùng một lĩnh vực lâu năm, làm sao để các bạn có thể đi theo một quá trình chặt chẽ và kết quả cũng ngọt ngào?
Để đạt được một kết quả tốt dĩ nhiên cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, tôi sẽ chú trọng về khía cạnh tư duy và suy nghĩ.
Đây cũng là điều mà tôi học từ môn Integrated Business Experience từ thầy Michael Sharam trong chương trình MBA. Thông qua quá trình trợ giảng cho những bạn trẻ trong môn Strategic Management trong lớp ISB BBUS, tôi rất tâm đắc với cách thầy định hướng cho các bạn nhìn nhận mọi thứ ở một góc độ mở rộng và toàn diện. Rèn luyện suy nghĩ ở góc độ này sẽ giúp các bạn có thể có nền tảng vững chắc, đưa các bạn phát triển thật nhanh trong hành trình đi làm sau này.
Thêm vào đó, những bạn có suy nghĩ chiến lược, có khả năng tiếp cận vấn đề một cách tổng quan, sẽ dự đoán được những rủi ro, cơ hội để chuẩn bị tốt hơn. Điều này giúp các bạn rút ngắn thời gian tìm hiểu công việc phù hợp với mình là gì, sẵn sàng cho hành trình phát triển sự nghiệp sau này. Bản thân tôi cũng từng loay hoay khi tốt nghiệp, sau đó là 5-6 năm để tìm ra niềm đam mê thực sự.
*Cuối cùng, chị có thể gửi lời khuyên giúp các bạn quản trị tốt quá trình và đạt được kết quả “như ý” hay không?
Dựa trên kinh nghiệm trong thời gian hướng dẫn cho các bạn sinh viên năm tư và các bạn mới ra trường, tôi đúc kết ra hai yếu tố mà đa phần các bạn đều gặp phải: (1) lĩnh vực marketing bao gồm những lựa chọn nào, (2) làm sao để các bạn đạt được lựa chọn ấy. Tuy nhiên, các bạn đã bỏ quên một điều quan trọng nhất: con đường có phù hợp cho mình hay không?
Để giải đáp cho thắc mắc này, tôi có những lời khuyên như sau. Đầu tiên, hãy hiểu bản thân bằng cách tìm ra điểm mạnh, điểm yếu. Sau đó, hãy nghiên cứu thêm về đặc tính, yêu cầu, lộ trình phát triển của công việc mà bạn đang mong muốn, nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp. Để làm được điều này, bạn cần dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về những yêu cầu về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. So sánh điểm mạnh, điểm yếu với các yêu cầu về mặt chuyên môn, lợi thế cạnh tranh để xem bản thân đã đáp ứng được bao nhiêu.
Tiếp theo, bạn cần cập nhật thêm tình hình thị trường như điều gì đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, xu hướng thị trường kinh tế Việt Nam, thế giới sắp đến là gì. Sau đó, bạn đang muốn hướng đến như thế nào. Sau khi tổng hợp ba yếu tố trên, bạn có thể so sánh, tổng hợp những điểm còn “thiếu hụt” so với nhu cầu thị trường. Từ đó, các bạn có thể đặt ra các mục tiêu để phấn đấu, lên kế hoạch phát triển sự nghiệp trong tương lai.
*Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Hà. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney