MBA đã mở ra sự nghiệp giảng dạy như thế nào?

PSO MBA

Khởi đầu cho MBA Meetup 2022 là buổi chia sẻ trực tuyến với sự tham gia của 3 khách mời là các giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết và tài năng. Họ sẽ cùng thảo luận về vai trò của MBA trong quá trình làm việc tại các công ty cũng như trở thành giảng viên đại học.

MBA Meetup tháng 1 chào đón 3 giảng viên trẻ nhiệt huyết và tài năng, đồng thời cũng là các cựu học viên MBA tại Đại học Western Sydney: Anh Huỳnh Lâm Hoài Anh (Giảng viên ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương); Chị Phạm Thị Quỳnh Anh (Giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM); Chị Nguyễn Quỳnh Mai (Giảng viên ĐH Công Nghiệp, TP.HCM).

Nội dung chính của buổi chia sẻ gồm:

Được và mất trên hành trình chia sẻ tri thức của các giảng viên trẻ

Bất kỳ đam mê nào cũng có những thành tựu và đánh đổi, những được và mất. Trở thành giảng viên cũng là một con đường không nằm ngoài “quy luật” đó.

Nói về những điều nhận được khi theo đuổi con đường chia sẻ tri thức, anh Hoài Anh cho rằng đầu tiên chính là được gọi bằng danh xưng “Thầy/Cô”, đi kèm đó cũng là những trách nhiệm cao hơn. Chị Quỳnh Anh cũng chia sẻ về câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà chị vô cùng tâm đắc: “Cái hạnh phúc luôn luôn có hiện hữu, chỉ cần chúng ta trầm tĩnh mà nhìn lại thì mình sẽ thấy nó”. Theo chị, được đào tạo những cái thế hệ sinh viên mới trong tương lai, được gặp gỡ, tiếp xúc những giảng viên có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi từ đó cũng là những “điểm sáng” của nghề.

Bên cạnh đó, sự đánh đổi để trở thành giảng viên cũng không hề nhỏ. Anh Hoài Anh cho rằng, nếu các bạn trẻ muốn trở thành giảng viên mà vẫn chưa vững về mặt kinh tế thì hãy từ từ theo đuổi ước mơ này. Chị Quỳnh Anh cũng đồng tình với ý kiến trên, chị bổ sung thêm rằng các bạn cần đánh đổi và cam kết về thời gian: thời gian để đầu tư học thạc sĩ, tiến sĩ; thời gian ít hơn cho gia đình, bản thân; cần nỗ lực hơn để cân bằng và duy trì sức khỏe;…

Lời khuyên về MBA từ góc nhìn giảng viên Đại học

Trong buổi chia sẻ, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các giảng viên. Trong đó, nhiều bạn trẻ quan tâm về “checklist” để có thể trở thành một giảng viên Đại học. Từ chia sẻ của khách mời, bên cạnh những tố chất cần thiết cho một giảng viên như sự đam mê, cởi mở, khiếu hài hước,… thì kiến thức học thuật, kinh nghiệm thực tiễn cũng vô cùng quan trọng. Điều này tùy thuộc vào yêu cầu của từng trường Đại học, từng chuyên ngành mà các bạn mong muốn giảng dạy. Theo đó, các bạn cũng lựa chọn theo đuổi chương trình học phù hợp, như Thạc sĩ chuyên ngành hay MBA.

Chia sẻ về những đóng góp của chương trình MBA cho sự nghiệp giảng dạy của bản thân, hai khách mời cho rằng mỗi môn học trong chương trình đều có một vai trò riêng, nhưng nhìn chung đều mang tính thực tiễn cao và đến từ những bài báo khoa học, công trình nghiên cứu hoặc tình huống thực tế từ doanh nghiệp, từ đó trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các giảng viên đại học tương lai.