MBA qua góc nhìn nhà quản lý chuỗi cung ứng
“MBA giúp tôi tư duy sắc bén hơn, biết cách phối hợp hiệu quả với đa dạng nét tính cách thuộc những bộ phận khác nhau. Tôi cũng tiếp cận vấn đề với trình tự, phương pháp luận tốt hơn” – Chị Nguyễn Hỷ Minh Hoàng, Supply Chain Director – Innovation, Suntory PepsiCo Việt Nam – Cựu Học viên MBA Talent chia sẻ trong chương trình MBA Meetup do Viện ISB tổ chức.
Mục lục
- Xin chào chị Hoàng, chị có thể giới thiệu về bản thân cũng như công việc của chị hiện tại không?
- Vậy chị có thể chia sẻ thêm về cơ duyên đưa chị đến với SPVB được không?
- Quay trở lại quá trình học tập, đâu là điểm tương đồng và điểm khác biệt giữa việc học MBA và chương trình Quản trị viên tập sự mà chị đã tham gia?
- Như vậy, chị có thể chia sẻ thêm khác biệt lớn nhất của bản thân trước và sau khi học MBA?
- Cuối cùng, chị có thể chia sẻ lời khuyên đối với các bạn trẻ mong muốn thăng tiến trong những tập đoàn đa quốc gia không?’
- Cảm ơn chị Hoàng vì những chia sẻ vô cùng thú vị và bổ ích. Xin chúc chị Hoàng thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp trong tương lai.
Xin chào chị Hoàng, chị có thể giới thiệu về bản thân cũng như công việc của chị hiện tại không?
Xin chào, tôi là Minh Hoàng, hiện đang làm việc tại Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) ở bộ phận Chuỗi cung ứng – Supply Chain và chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm mới – Innovation. Hoàng tham gia vào SPVB từ lúc tốt nghiệp và tính đến nay được 11 năm.
Nhìn tổng quan, Supply Chain là một mắt xích trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp, là nơi kết nối giữa nhu cầu bán hàng, thị trường của bộ phận Marketing, Khối Kinh Doanh cho tới các bộ phận sản xuất và các phòng ban liên quan. Là một phần của Supply Chain team, công việc chính của Hoàng tại Suntory Pepsico Việt Nam là Commercialization, hiểu nôm na là mình biến ý tưởng thành hiện thực – Innovation. Cụ thể, Hoàng phụ trách triển khai ý tưởng thành các sản phẩm hữu hình, từ giai đoạn thử nghiệm đến bước sản xuất, đánh giá chất lượng và phản hồi từ thị trường để đảm bảo sản phẩm có thể đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Vậy chị có thể chia sẻ thêm về cơ duyên đưa chị đến với SPVB được không?
Tôi rất tâm đắc chữ ‘cơ duyên’ vì tôi tin công việc là duyên. Thời điểm Hoàng tốt nghiệp là năm 2011, đa số sinh viên kinh tế thời điểm ấy lựa chọn các công ty như Big4, Hoàng cũng như thế. Tuy nhiên, Big4 không lựa chọn tôi. Trong quá trình tìm kiếm công việc tôi đã vượt qua các thử thách và trở thành Quản trị viên tập sự của Suntory Pepsico.
Lúc đó, Hoàng là quản trị viên tập sự thuộc nhóm Kế toán Quản trị (FP&A – Financial Planning & Analysis).
Nhìn lại, cứ trung bình 2 năm, Hoàng được luân chuyển vị trí liên tục để trải nghiệm các vai trò khác nhau. Ví dụ như sau hai năm làm Kế toán Quản trị, Hoàng chuyển qua vị trí Business Partner. Trong vai trò này, Hoàng vẫn làm mảng tài chính nhưng sẽ là đối tác của một bộ phận cụ thể trong công ty để hiểu sâu hơn về bộ phận đấy, và hỗ trợ họ. Hai năm đó Hoàng là Business Partner phụ trách nhánh kinh doanh bán hàng. Sau đó tôi tiếp tục được luân chuyển qua Business Partner làm việc với nhánh sản xuất, rồi thành đối tác của nhóm marketing.
Điểm đặc biệt ở Suntory PepsiCo đó là công ty luôn luôn mở ra những cơ hội mới và tạo điều kiện cho mình thử thách bản thân qua các Vị trí mới và khả năng luân chuyển chéo chuyên ngành. Giống như vị trí Innovation, sau khi trải qua khoảng 9 năm ở khối Finance – Tài chính thì SPVB mở vị trí Innovation Planning. Đây là một vị trí hoàn toàn mới trong công ty nên Hoàng quyết định ứng tuyển vị trí đấy và có lẽ đó là một bước đi ngoạn mục, một ngã rẽ sự nghiệp từ tài chính qua chuỗi cung ứng.
Quay trở lại quá trình học tập, đâu là điểm tương đồng và điểm khác biệt giữa việc học MBA và chương trình Quản trị viên tập sự mà chị đã tham gia?
Điểm tương đồng ở đây Hoàng thấy thứ nhất là cách làm việc ở MNC và các assignment từ môn học đòi hỏi mỗi người phải có góc nhìn đa chiều.
Thứ hai là khả năng phối hợp với các bạn trong team, trong group hoặc trong lớp. Nói cách khác chúng ta sẽ phải deal với những nét tính cách khác nhau, đến từ các phòng ban khác nhau.
Điểm thứ ba là mỗi người cần quản lý mong đợi với bản thân mình, với dự án của mình đang nắm giữ và cả mong đợi của những đối tác của mình bao gồm cấp trên, cấp dưới và các đồng nghiệp.
Điểm tương đồng sau cùng tôi nghĩ là áp lực khi học MBA. Thời gian thực hiện assignment rất căng thẳng. Cường độ công việc tại một tập đoàn đa quốc gia hay cường độ học tập trong quá trình học MBA không thua kém nhau.
Còn điểm khác biệt là khi đi làm,chúng ta sẽ nhìn thấy cái “được” và “mất” thực sự trên thị trường chứ không phải là giả định khi làm bài tập. Ví dụ khi Hoàng nhìn thấy sản phẩm mới mình phát triển xuất hiện trên kệ siêu thị, trong giỏ hàng của người tiêu dùng, Hoàng cảm nhận được hiệu quả thực sự của công việc mình làm.
Như vậy, chị có thể chia sẻ thêm khác biệt lớn nhất của bản thân trước và sau khi học MBA?
Khác biệt lớn nhất, đó là tôi có thể làm việc với tư duy sắc bén hơn (critical thinking), tôi tập trung lựa chọn những vấn đề nổi cộm và thiết yếu để giải quyết.
Điểm thứ hai là tôi biết cách làm việc với các bộ phận khác và biết cách linh hoạt điều chỉnh để hợp tác với các tính cách khác nhau để đạt hiệu quả tốt hơn.
Thời điểm Hoàng theo đuổi tấm bằng MBA, Hoàng chỉ mới là một Junior. Thông thường các vị trí junior sẽ không có tần suất tương tác cross function lớn, Junior thường sẽ làm việc với với sếp và phòng ban của mình, vì vậy mức độ va chạm chưa nhiều.
Khi bắt đầu học MBA tôi thấy mỗi người phải tương tác và dung hòa các tính cách trong nhóm, cũng như trung hòa các agenda khác biệt với nhau. Điều đó giúp tôi chuẩn bị để sẵn sàng với những vị trí cao hơn như vị trí Innovation bây giờ – trong vai trò một mắt xích xương sống của các bộ phận liên quan trong công ty.
Điều khiến Hoàng tâm đắc nhất khi học MBA là cách tiếp cận vấn đề, với trình tự khoa học và phương pháp luận vững chắc hơn. Ví dụ khi học môn Integrated Business Experience hay là môn Problem Solving của thầy Quân, ngoài kiến thức các môn học cũng sẽ trang bị cách thức tiếp cận, phân tích và đánh giá đâu là vấn đề thực sự.
Những điều đó hỗ trợ cho công việc của Hoàng rất nhiều!
Cuối cùng, chị có thể chia sẻ lời khuyên đối với các bạn trẻ mong muốn thăng tiến trong những tập đoàn đa quốc gia không?’
Sau quá trình 11 năm ‘chinh chiến’ thì Hoàng đúc kết ba điểm tâm đắc nhất mà các bạn nên lưu ý.
Thứ nhất, dựa trên cuốn sách ‘Những kẻ xuất chúng’ của Malcolm Gladwell, bí mật của may mắn là chúng ta luôn sẵn sàng khi nguy cơ hoặc cơ hội đến. Mỗi người sẽ không ngừng học tập, phát triển bản thân và không giới hạn bản thân trong phạm vi những công việc đang làm, cũng như những ngành nghề mà bản thân có thế mạnh.
Điều thứ hai là yêu bản thân nhiều hơn, chúng ta sẽ không thể làm việc tốt nếu như không yêu công việc đó. Chúng ta phải cảm thấy niềm đam mê thì mới có niềm yêu thích với công việc và sự kiên trì để theo đuổi.
Và điểm cuối cùng tôi hay dùng để có thể vượt qua thử thách là luôn nhìn vấn đề với chủ ý tích cực. Chúng ta nên thường xuyên nhìn lại và chiêm nghiệm (self-reflection) để đánh giá trải nghiệm, một mặt giữ được năng lượng cho bản thân và đúc kết những bài học để đi tiếp.
Cảm ơn chị Hoàng vì những chia sẻ vô cùng thú vị và bổ ích. Xin chúc chị Hoàng thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp trong tương lai.
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney