Strategy Director, PMAX: “Thay đổi phong cách lãnh đạo nhờ MBA”

“Middle Manager chính là “đập chắn” trước làn sóng áp lực đến từ ban lãnh đạo. Để giải quyết vấn đề, tôi cố gắng ổn định tinh thần đội ngũ và đưa ra những hướng dẫn kịp thời.” Anh Nguyễn Mạnh Cường, Strategy Director, PMAX: Total Performance Marketing Agency, học viên MBA tại đại học Western Sydney chia sẻ tại sự kiện Meetup do viện ISB và đại học Western Sydney phối hợp tổ chức.

MBA Meetup 9/24: Speaker Nguyễn Mạnh Cường

*Được biết anh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing. Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình sự nghiệp và công việc hiện tại?

Tôi là Nguyễn Mạnh Cường, hiện đang giữ vị trí Strategy Director tại PMAX: Total Performance Marketing Agency. 10 năm nghiệm làm việc cho tôi cơ hội gắn bó với nhiều Agency khác nhau, trong đó có các tập đoàn sáng tạo toàn cầu như Saatchi & Saatchi, Ogilvy, Hakuhodo và Dentsu.

Vị trí Strategy Director chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ tư vấn chiến lược marketing và truyền thông thương hiệu. Cụ thể, tôi dẫn dắt đội ngũ tư vấn và hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề trong chiến dịch quảng cáo bằng các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết vấn đề kinh doanh dưới góc nhìn của truyền thông và marketing.

Trong ngành Sáng tạo, câu chuyện về con người luôn là trung tâm. Vì vậy, ở vai trò Strategy Director, tôi cần linh hoạt trong cách làm việc và áp dụng quy trình phù hợp với đội ngũ của mình.

*Trong suốt quá trình đảm nhận vai trò của Middle Manager, anh đã gặp phải rào cản gì? Và đâu là cách giúp anh vượt qua những rào cản đó?

Không thể phủ định, Middle Manager chịu áp lực kép “trên đe dưới búa”, đòi hỏi người quản lý phải thật sự kiên định để đảm nhận tốt vai trò cũng như hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

Tôi và cấp trên đã từng không có được tiếng nói chung trong hoạt động đánh giá nhân viên. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, do tôi có những đánh giá chủ quan khi chưa có cái nhìn tổng thể. Thứ hai, do những đánh giá của cấp trên hầu như dựa trên những lần tiếp xúc ngắn ngủi, chưa đầy đủ để hiểu rõ năng lực và tiềm năng của nhân viên.

Giữ vai trò là cầu nối, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm kết nối hai chiều nhằm tạo ra sự liền mạch trong tổ chức. Để kết nối nhân viên với định hướng từ ban quản trị, tôi áp dụng song song hai hướng tiếp cận.

Đầu tiên, kết nối từ trên xuống (từ lãnh đạo đến nhân viên), tôi cần nắm vững định hướng và lộ trình phát triển của công ty và luôn truyền đạt thông tin chính xác đến từng thành viên trong đội ngũ. Bên cạnh đó, tôi cũng làm rõ lộ trình thăng tiến của các nhân viên, giúp họ thấy được cơ hội phát triển bản thân trong tương lai.

Thứ hai, để kết nối từ dưới lên (từ nhân viên đến lãnh đạo), tôi cần vững vàng như “đập chắn” trước những “làn sóng áp lực” đến từ cấp trên. Khi công ty gặp khó khăn, tôi cố gắng hấp thu những năng lượng tiêu cực để ổn định tinh thần duy trì năng lượng làm việc cho đội ngũ. Bên cạnh đó, tôi không quên tạo điều kiện cho nhân viên trình bày sáng kiến nhằm giúp họ có cơ hội được cấp trên công nhận.

Với cách làm này, hiện tại tôi tự tin mình đã tạo ra sự gắn kết và đồng thuận mạnh mẽ giữa nhân viên và định hướng của công ty.

Meetup Tháng 9: anh Nguyễn Mạnh Cường
*MBA mang đến cho anh những ý nghĩa gì trong suốt quá trình anh dẫn dắt đội nhóm?

Chương trình MBA mang đến cho tôi những biến chuyển tích cực trong phong cách lãnh đạo. Trước đây, tôi thường nghiêm khắc và vô tình gây ra những căng thẳng không cần thiết trong môi trường làm việc. Sau khi được tiếp cận với Mindful Leadership (Lãnh đạo tỉnh thức) từ chương trình MBA, tôi nhận ra việc kỳ vọng nhân viên không phạm lỗi sai hay mong muốn bản kế hoạch hoàn hảo là điều bất khả thi. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc phát hiện sở trường – sở đoản của từng cá nhân để đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn phù hợp.

Khi nhân viên chưa hoàn thành tốt công việc, tôi luôn bắt đầu trao đổi với nhân viên bằng cách công nhận sự nỗ lực mà họ đã bỏ ra. Bên cạnh đó, tôi sẵn sàng tự kiểm điểm và nhận lỗi nếu vấn đề xuất phát từ bản thân mình. Bởi lẽ, người dẫn đầu luôn cần đứng ra chịu trách nhiệm vì chưa theo dõi sâu sát để kịp thời phát hiện và hướng dẫn. Cuối cùng, tôi sẽ hướng dẫn cách khắc phục và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến lỗi sai đó.

*Bên cạnh kỹ năng quản lý đội nhóm, MBA còn mang lại cho anh những giá trị thực tiễn gì?

Khi bắt đầu chương trình MBA, tôi trăn trở về việc ứng dụng những kiến thức chuyên sâu vào thực tế công việc. Trải qua nhiều học phần, tôi nhận ra các phần kiến thức dần kết nối với nhau một cách chặt chẽ. Học MBA đã giúp tôi hệ thống hóa một bức tranh tổng thể về quản trị và bối cảnh kinh doanh.

Một trong những môn học quan trọng là Economics for Business do TS. Howard Nicholas giảng dạy, đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn về bức tranh kinh tế vĩ mô và vai trò của người làm kinh tế. Qua môn học này, tôi hiểu rõ sự phát triển kinh tế không chỉ tác động đến đời sống hiện tại mà còn đối với các thế hệ tương lai. Nội lực của các công ty sản xuất chính là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Đồng thời, chương trình học cũng cung cấp cho tôi các framework và phương pháp kết nối các tầng chiến lược. Trước đây, tôi chỉ tiếp cận chiến lược Marketing ở tầng phân khúc và định vị khách hàng. Nhưng trải qua các môn học nhất định, tôi đã mở rộng kế hoạch sang tầng chiến lược cạnh tranh và chiến lược tăng trưởng để lập ra Action Plan (Kế hoạch hành động) đáp ứng các mục tiêu chiến lược đó. Chính những Strategic Action (Hành động mang tính chiến lược) đó sẽ định hướng và định hình cho các hoạt động Marketing.

*Với trải nghiệm học tập hiện tại, anh có lời khuyên gì gửi đến những bạn sẽ và đang theo đuổi con đường MBA?

Bạn cần xác định vai trò của MBA trong lộ trình sự nghiệp, cuộc sống và xem đó như là kim chỉ nam để phấn đấu. Riêng tôi, MBA từ đầu đã là cột mốc cần thiết cho sự nghiệp. Bên cạnh cơ hội thăng tiến, MBA còn mở ra một bức tranh toàn cảnh về kinh tế và vận hành tổ chức.

Cụ thể hơn, cần phân chia cấp độ quan trọng của việc học MBA với các hoạt động khác như làm việc, gia đình, giải trí,… Cấp độ này sẽ giúp bạn phân chia và đầu tư thời gian hợp lý cũng như xác định được thứ tự nhiệm vụ cần hoàn thành trong trường hợp quỹ thời gian quá hạn hẹp.

Mỗi người sẽ có một thứ tự ưu tiên khác nhau. Thế nên, ngoài tuân thủ thứ tự ưu tiên của mình, bạn cũng phải tôn trọng ưu tiên của những cá nhân mình làm việc chung. Tôn trọng sự ưu tiên của nhau giúp các thành viên sẵn sàng hỗ trợ nhau và tránh xung đột trong quá trình làm việc.

Cảm ơn anh Cường dành thời gian tham dự chương trình MBA Meetup và mang đến nhiều góc nhìn thú vị. Chúc anh sẽ luôn có thật nhiều năng lượng và gặt hái được nhiều giá trị trên hành trình MBA! 

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.

Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney