“Nếu có cơ hội, tôi sẽ học MBA” – Cựu CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải

Trong khuôn khổ chuỗi Live Webinar MBA For Success do ISB tổ chức, cựu CEO HSBC Phạm Hồng Hải đã có buổi trò chuyện cùng các bạn trẻ về kỹ năng, kiến thức cần thiết trong thời đại 4.0. Nói đến việc học MBA, ông đánh giá cao chương trình thạc sĩ kinh doanh và có những phân tích, lời khuyên thực tế từ góc nhìn là một người “ngoại đạo” MBA.

Ai cũng nên học MBA

21 tuổi ra trường, đầu quân và bám trụ tại ngân hàng HSBC, ông Phạm Hồng Hải được biết đến là người Việt đầu tiên giữ vị trí CEO HSBC Việt Nam. Sau 4 năm đương nhiệm, tại thời điểm tham gia chia sẻ cùng MBA For Success, ông Hải tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế của HSBC Canada.

Với sự nghiệp thành công, khi bàn về con đường học vấn, ông Hải cho rằng các bạn trẻ hiện nay nên tiếp tục học hỏi, phát triển bản thân. Và trong đó học Thạc sĩ Kinh doanh MBA  là một chương trình giá trị bạn có thể lựa chọn.

“Theo quan sát của tôi, những bạn có nền tảng kỹ sư, công nghệ, hóa học hay y khoa, học MBA sẽ giúp bạn có kiến thức tổng quát hơn về kinh doanh. Thông thường những bạn “dân” kỹ thuật hay công nghệ có óc phân tích, mổ xẻ vấn đề rất tốt. Do đó, khi gắn thêm các kiến thức kinh doanh từ MBA, sự kết hợp đó sẽ tạo nên đặc thù rất riêng và giúp họ thành công ở nhiều lĩnh vực.”

PSOMBA Học MBA Cựu CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải 1
Ông Phạm Hồng Hải là người Việt đầu tiên giữ vị trí CEO HSBC Việt Nam

Đối với những bạn tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ông Hải gửi lời khuyên: “Các bạn nên dành khoảng thời gian 2 – 3 năm đầu khi vừa tốt nghiệp để đi làm và trải nghiệm. Đó là lúc các bạn có được cái nhìn thực tế về doanh nghiệp, biết được các mà doanh nghiệp hoạt động, các vấn đề nào doanh nghiệp thường gặp phải như nhân sự, chiến lược, sản phẩm, marketing. Khi đó, chương trình học MBA  mới thật sự phát huy tác dụng. Bạn sẽ có thể so sánh được cái thực tế của doanh nghiệp và cái mình học trong trường, những cái lợi cái hại và những cái mà mình có thể rút ra được bài học.”

Là người “ngoại đạo” MBA, ông Phạm Hồng Hải bày tỏ: “Nếu có cơ hội, tôi sẽ tham gia MBA”. Bởi lẽ, theo ông, có nhiều vấn đề ông phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm, phạm sai lầm rồi từ đó mới rút ra được bài học cho riêng mình. Tuy nhiên, với MBA thay vì mình mất nhiều thời gian thì có thể học từ những trải nghiệm của người khác. “Đó là lợi ích vô giá mà MBA mang lại.” – ông Hải khẳng định.

Cựu CEO HSBC Việt Nam và bước ngoặt trở thành “người buôn tiền số một”

Được báo chí một thời mệnh danh là “người buôn tiền số một Việt Nam”, nhưng ông Phạm Hồng Hải tự nhận mình là người không giỏi giang, chỉ có sự cần cù, chăm chỉ. Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm làm việc, ông Hải kể, ông tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 1995.

Trước đó, vào năm cuối đại học, ông đã tham gia thực tập ở một số doanh nghiệp tên tuổi tại Việt Nam và đã được tiếp nhận ở các vị trí kinh doanh. Ông không nghĩ đến việc mình sẽ làm trong ngân hàng, cho dù trong quá trình học ông rất ham thích các môn học về tài chính – chứng khoán.

Nhưng cuối cùng, cái duyên với ngành ngân hàng đã đưa ông đến với HSBC. Ông Hải chia sẻ: “Tuy tôi bắt đầu vị trí thấp nhất là nhân viên phòng Kế toán, vốn không phải là sở trường và sở thích. Sau 2 năm, cảm thấy công việc không phù hợp, tôi đã đề bạt lên sếp để chuyển qua vị trí khác mà phù hợp hơn.”

PSOMBA Học MBA Cựu CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải 2
“Tôi nhận ra rằng, nếu làm công việc mình đam mê, mình ưa thích thì xác suất thành công sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, đến giờ nhìn lại, ông Phạm Hồng Hải khẳng định: “Hai năm làm ở phòng Tài chính – Kế toán thực sự hữu ích”. Có thể không thích nhưng nó đã tạo nền tảng vững chắc trong 25 năm làm việc sau này của ông. Bởi, khi có bất kỳ làm việc gì, nhìn dưới lăng kính của người làm việc trong ngành kế toán, bạn sẽ biết được thực tế giao dịch của ngân hàng diễn ra như thế nào. Nếu có vấn đề xảy ra, bạn sẽ biết được cách truy ra được nguồn gốc của vấn đề.

Từ đó, ông đút kết được: “Nếu bạn cảm thấy công việc không phù hợp thì vẫn nên bỏ công sức, thời gian ra để học. Bởi vì bất kì công việc nào cũng cho chúng ta bài học. Sau đó, đến khi có được các kiến thức cơ bản của công việc đó rồi, thì bạn nên thẳng thắn trình bày với sếp về ước muốn, đam mê của mình.”

“Tôi nhận ra rằng, nếu làm công việc mình đam mê, mình ưa thích thì xác suất thành công sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Hải khẳng định thêm, “Các bạn trẻ hãy chọn công việc không phải vì lương mà bạn làm vì đam mê. Chỉ khi làm việc đúng đam mê thì chắc chắn sẽ thành công và thu nhập tài chính sẽ tới.”

Thông tin trong bài viết được diễn giả khách mời – cựu CEO HSBC Phạm Hồng Hải chia sẻ tại sự kiện MBA For Success với chủ đề: “Thảo luận cùng Nguyên CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải và ThS. Đoàn Đức Minh”. MBA For Success là chuỗi hội thảo trực tuyến kết nối cùng các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao do ISB tổ chức nhằm mang đến góc nhìn tổng quan và những tri thức hữu ích cho các học viên chương trình Thạc sĩ Kinh doanh và những khán giả quan tâm nói chung.

Nguồn: ISB