FIRE MOVEMENT: Độc lập tài chính & Nghỉ hưu sớm – Trào lưu hay phong cách sống?

PSO MBA

Với góc nhìn của những người trẻ tài năng, hai khách mời MBA Meetup số cuối cùng của năm 2021 sẽ cùng thảo luận về những vấn đề xoay quanh FIRE MOVEMENT, xu hướng tự do tài chính và nghỉ hưu sớm – một chủ đề “hot” được nhiều người trẻ quan tâm hiện nay.

MBA Meetup tháng 12 có sự tham dự của Anh Hồng Thạnh Đạt (Head of Tax, Cargill Việt Nam) và Anh Lê Hoàng Việt Anh (Strategic Account Manager, Crane Worldwide Logistics).

Tại hội thảo, các khía cạnh của trào lưu FIRE (Financial Independence, Retire Early) – lối sống với mục tiêu đạt được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm đã được bóc tách và chia sẻ từ hai khách mời tài năng. Hai nội dung chính của hội thảo bao gồm:

“Khám phá” FIRE Movement dưới lăng kính “dân” Tài chính

Hai khách mời đã có định nghĩa cơ bản về xu hướng Tự do Tài chính & Nghỉ hưu sớm FIRE (Financial Independence với lại Retire Early). Theo anh Việt Anh, có thể hiểu FIRE theo hai hướng: đầu tư để tăng nguồn thu nhập thụ động và tiết kiệm để “phòng hờ” cho trường hợp không mong đợi.

Bổ sung thêm, anh Thạnh Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc độc lập trong FIRE. Theo anh, FIRE không phải là một chiến lược đầu tư “sinh lời khủng” mà thiên về nhận thức và phong cách sống của mỗi người để đạt được sự tự do, tự chủ (freedom) trong cuộc sống, tư tưởng. Và tài chính cũng là một khía cạnh trong số đó.

Anh Đạt hy vọng những bạn trẻ theo đuổi FIRE đều hiểu được sự đánh đổi giữa thời gian và tiền bạc – yếu tố quan trọng nhất bạn cần biết ưu tiên. Anh nhấn mạnh: “Mấu chốt của FIRE và quản lý tài chính nằm sự quy đổi mọi chi tiêu ra từng phần thu nhập hàng giờ và hàng ngày, để thấy rõ ảnh hưởng của những khoản chi này đến thời gian và các ưu tiên của bản thân”.

Về thu nhập, người trẻ hãy “làm giàu” kiến thức chuyên môn trước tiên. Đừng “ngại việc” mà hãy cứ sẵn sàng, xông pha tìm kiếm cơ hội để khám phá, khẳng định bản thân và hiểu hơn về doanh nghiệp. Về đầu tư, anh Đạt cho rằng bạn trẻ cũng cần có những kiến thức và cái “duyên” nhất định mới đạt được mục tiêu.

Anh Việt Anh đồng ý với quan điểm người trẻ cần sẵn lòng, năng động làm việc và học hỏi để thu nạp kiến thức, phát triển bản thân đúng. Anh lưu ý thêm: “Độc lập tài chính không cần phải “bắt chước” bất cứ ai, nó phụ thuộc vào thu nhập, sở thích và cách sống của mỗi người”.

Những “vỡ lẽ” về việc học MBA

Trở lại với trải nghiệm học MBA, anh Thạnh Đạt chia sẻ dù luôn muốn học chương trình thạc sĩ kinh doanh này và có tiếp cận trước, nhưng bản thân vẫn “choáng” sau môn học đầu tiên. Đó là bởi lượng kiến thức từ chương trình MBA rất hay nhưng đòi hỏi thời gian đầu tư vào cũng rất lớn. Đặc biệt, các kỹ năng mềm và công tác lãnh đạo, dẫn dắt đội nhóm (leadership) học được đã hỗ trợ anh rất nhiều.

Anh Đạt nói: “Lợi ích quan trọng khác về MBA là kiến thức có được từ các bạn cùng lớp và những vòng kết nối đa dạng. Mình đánh giá cao chương trình học này vì đã tạo nên những cơ hội đó.”

Với anh Thạnh Đạt, điểm “pop-up” trong chương trình học MBA chính là sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả hợp tác công việc với các bộ phận khác trong công ty.

Anh Việt Anh có chung cảm nhận về sự choáng ngợp với môn học đầu tiên khi trở lại học tập. Với anh, việc học MBA giúp bản thân có cơ hội ôn lại và biết thêm nhiều công cụ hay áp dụng cho công việc.