Founder – Nufy Nutrition JSC: “Xung đột trong MBA giúp tôi phát triển”
“Xung đột trong hành trình MBA giúp tôi nhìn nhận lại bản thân, học hỏi từ những sai lầm và dần hoàn thiện, trở thành phiên bản tốt hơn”.
Đó là chia sẻ từ anh Nguyễn Đoàn Minh Tuấn – Học viên PSO MBA khoá 2023 chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup do Viện ISB và Đại học Western Sydney tổ chức.
*Được biết hiện tại anh Tuấn là Founder của Công ty cổ phần Dinh dưỡng NUFY, đồng thời cũng là Phó Giám đốc phát triển dự án miền Nam và khu vực Đông Nam Bộ của Công ty TNHH Xây dựng Tiến Đức. Là một quản lý, theo anh yếu tố nào quan trọng hơn đối với một team leader xuất sắc: kỹ năng quản lý hay năng lực chuyên môn?
Tuấn đã tham gia vào doanh nghiệp gia đình từ khi còn là sinh viên nên đã được bố mẹ và các chú trong công ty hướng dẫn kiến thức quản lý từ rất sớm. Hiện tại, trên cương vị vai trò Phó Giám đốc phát triển dự án, Tuấn luôn cố gắng, liên tục trau dồi học tập kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước, cả về mảng quản lý cũng như là cả về năng lực chuyên môn.
Tuấn muốn nhấn mạnh một điều là chuyên môn rất quan trọng để có thể trở thành quản lý. Chuyên môn giúp team leader tự tin đưa ra quyết định khi đối mặt vấn đề. Khi team gặp khó khăn và đề xuất các giải pháp khác nhau, team leader sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, việc sở hữu chuyên môn vững vàng là điều vô cùng cần thiết.
>> Xem thêm bài viết nói về Leader đội nhóm: Kỹ năng Quản lý hay Năng lực Chuyên môn
Tuy nhiên, để xây dựng một đội nhóm làm việc trơn tru, hiệu quả thì năng lực quản lý đội ngũ rất quan trọng. Một trong những yếu tố then chốt là khả năng cảm thông, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của nhân viên để tạo dựng mối quan hệ gắn kết, đồng hành cùng họ trên con đường phát triển sự nghiệp.
*Như vậy, có lúc nào anh cảm thấy khó khăn trong suốt quá trình quản lý đội nhóm?
Vấn đề Tuấn gặp trong lúc quản lý đội nhóm có lẽ cũng là một bài toán khó giải đối với bộ phận Nhân sự. Đó chính là cách làm việc với thế hệ trẻ – Gen Z.
Tuấn đánh giá đa phần các bạn trẻ vô cùng năng động và giỏi giang, tuy nhiên cách thể hiện cảm xúc của các bạn lại khác so với những thế hệ trước nên có lúc Tuấn cũng gặp khó khăn trong quá trình quản lý. Việc làm sao để team hoàn thành công việc đúng thời hạn, đạt được kết quả mình mong muốn và tìm điểm cân bằng đối với “cái tôi” của các bạn và cái tôi của nhà quản lý là điều khó khăn nhất Tuấn từng gặp phải.
Sự khác biệt trong quan điểm cá nhân đôi khi dẫn dến xung đột do “cái tôi” cao. Khi rơi vào những trường hợp đó, Tuấn luôn chủ động hạ “ cái tôi” của bản thân, ưu tiên tinh thần hợp tác và thúc đẩy hiệu quả công việc chung.
Trong môn Contemporary People Management tại chương trình PSO MBA, Tuấn đã nghiên cứu về phong cách lãnh đạo của Giám đốc Điều hành Microsoft – ông Satya Nedella. Ông ấy là nguồn cảm hứng của Tuấn trong hành trình rèn luyện bản thân.
Tuấn ấn tượng với phong cách lãnh đạo của ông Satya Nadella bởi (1) năng lực chuyên môn xuất sắc, (2) sự thấu hiểu đội nhóm, (3) tinh thần khuyến khích đổi mới và thử nghiệm. Ông hiểu rằng yếu tố con người chính là nhân tố thúc đẩy kết quả, đồng thời là điều ông tập trung trong quá trình lãnh đạo. Từ đó, Tuấn luôn đặt mình vào vai trò của nhân viên, thấu hiểu vấn đề mà các bạn gặp phải và khuyến khích họ thử những sáng kiến mới.
*Bên cạnh vai trò là Phó Giám đốc phát triển dự án tại doanh nghiệp xây dựng của gia đình, anh còn là học viên MBA tại Đại học Western Sydney Việt Nam, anh có thể chia sẻ thêm về hành trình chinh phục MBA? Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh?
Tham gia vào chương trình PSO MBA, Tuấn học được không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn học được tư duy, cách đánh giá vấn đề của các học viên khác. Mỗi ý tưởng, dù tưởng chừng khác biệt nhưng đều có giá trị riêng, góp phần mở rộng tư duy của Tuấn. Ngoài ra, Tuấn còn trau dồi thêm kinh nghiệm thông qua việc trao đổi thường xuyên với các giảng viên. Từ những trải nghiệm quý báu, Tuấn đã học được cách chọn lọc, trau dồi và ứng dụng để phát triển bản thân trong cuộc sống, công việc của mình.
Nhìn lại, Tuấn thấy những bài học sâu sắc nhất thường đến từ những sai lầm và vấp ngã. Tuấn cũng trải qua rất nhiều những xung đột đội nhóm. Với background ngành Luật và Xây dựng, Tuấn thiếu hụt nhiều kiến thức chuyên môn về lĩnh vực Kinh doanh và kinh nghiệm làm việc với các bên liên quan. Khi được bầu làm trưởng nhóm, thiếu sót này cộng với tư duy bảo thủ, Tuấn gặp phải nhiều mâu thuẫn trong team.
Sau khi mọi việc được giải quyết, Tuấn có cơ hội nhìn nhận lại bản thân mình. Tuấn luôn đặt câu hỏi: Tại sao lại có xung đột đó xảy ra? Liệu kiến thức của Tuấn đã đủ cho lĩnh vực đó chưa? Tuấn nên tiếp thu ý kiến của các bạn trong team như thế nào? Những câu hỏi này thôi thúc Tuấn rèn luyện và hoàn thiện bản thân.
*Nhận định “Jack of All Trades, Master of None” cho rằng các bạn trẻ ngày nay nên theo đuổi việc biết mọi thứ hay đào sâu vào một kỹ năng nhất định luôn là một chủ đề được tranh luận sôi nổi. Lời khuyên của anh dành cho các bạn mong muốn trở thành team leader là gì?
Thế hệ Gen Z được đánh giá là vô cùng “đa-zi-năng”, và khả năng tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ từ rất sớm. Theo Tuấn, việc đa ngành, làm được nhiều thứ không đồng nghĩa với việc phát triển bản thân toàn diện vì đến một lúc nào đó, việc thiếu chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể có thể dẫn đến tình trạng mông lung và khó khăn khi định vị bản thân.
>> Xem thêm: Đánh thức tiềm năng lãnh đạo trong Gen Z: Cần có chiến lược phù hợp
Vì vậy, hãy tập trung phát triển chuyên môn trong một lĩnh vực mà bản thân đam mê. Kiến thức chuyên môn sẽ tạo nên giá trị cốt lõi và bản sắc riêng cho bạn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Nhớ rằng, những chuyên gia xuất sắc thường chỉ tập trung đào sâu 1 lĩnh vực nhất định. Mấu chốt vấn đề vẫn là hiểu bản thân, biết điểm mạnh của mình để lên kế hoạch phát triển phù hợp. Vì vậy, ít nhất các bạn cũng cần biết bản thân muốn trở thành người như thế nào trong cuộc sống.
Hãy tin rằng, với chuyên môn sâu và nỗ lực không ngừng, bạn hoàn toàn có cơ hội để trở thành quản lý tốt. Bởi vì những tài năng quản lý thiên phú nếu không trau dồi cũng sẽ mãi mãi nằm ở tiềm năng.
Cuối cùng, Tuấn muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng, “know yourself”, biết bản thân mình muốn gì, hiểu bản thân cần gì để tiến đến những bước lớn hơn như trở thành các team leader.
*Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ anh Tuấn. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney