Generative AI trong doanh nghiệp: Lợi ích và lưu ý khi triển khai

Hòa cùng cơn sốt AI, đặc biệt là xu hướng ứng dụng AI của các doanh nghiệp, Viện ISB và Đại học Western Sydney tổ chức hội thảo MBA Talk #64 với chủ đề “Future of practical Generative AI in enterprise?”

TS Ngô Công Khánh – ISB Lecturer đóng vai trò người dẫn dắt tại MBA Talk #64. Hội thảo còn có sự chia sẻ kinh nghiệm từ hai chuyên gia trong lĩnh vực AI, gồm ông Nguyễn Thanh Sơn – Data Science Director, Pharmacity và ông Trần Quang Thắng – Head of Quantitative Research, Tuan Loc Commodities.

Tìm hiểu thêm về Data Science là gì?

MBA Talk #64
Các diễn giả tham gia thảo luận sôi nổi cùng học viên PSO MBA về chủ đề Generative AI.

Generative AI – “trợ thủ” đắc lực của các doanh nghiệp hiện đại

Công nghệ Generative AI tập trung vào việc tạo ra những nội dung/dữ liệu mới dựa trên những dữ liệu hiện có. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực dược phẩm, ông Sơn nhận thấy một ứng dụng thường gặp nhất của AI là xây dựng hệ sinh thái sức khỏe (health ecosystem) cho khách hàng.

Các doanh nghiệp có thể theo dõi lịch sử mua sắm của khách hàng và cung cấp gợi ý về sức khỏe. Hội đồng dược của các doanh nghiệp cũng có thể tham gia thảo luận về cách kết hợp các loại thuốc theo toa, tạo ra nhiều kịch bản khác nhau và cung cấp những combo kit hiệu quả hơn cho khách hàng.

Bên cạnh các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, công nghệ Generative AI cũng được sử dụng nhằm nâng cao hiệu suất công việc ở nhiều lĩnh vực khác. Trong quá khứ, các Designer phải đầu tư rất nhiều công sức vào việc thiết kế hoặc tìm kiếm những hình ảnh sẵn có. Nhưng hiện nay, nhờ vào các công cụ thông minh như Pixel Nerf, Dall-E và các công nghệ tương tự, nhà thiết kế có khả năng tạo ra hình ảnh mới một cách dễ dàng hơn. Điều này đã thúc đẩy hiệu suất sáng tạo, khi những nhà thiết kế chỉ cần viết lệnh để AI sáng tạo các hình ảnh phù hợp với nhu cầu của người dùng.

Đội ngũ Content cũng nhận được sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo. Trước đây, việc tạo ra nội dung thường đòi hỏi sự tư vấn từ các chuyên gia, ví dụ như ngành dược cần tham khảo lời khuyên từ dược sĩ hoặc bác sĩ. Ngày nay, việc sản xuất nội dung có thể thực hiện độc lập thông qua việc cung cấp thông tin để Generative AI thể hiện nội dung một cách sáng tạo hơn. Khi đó, nhiệm vụ của đội ngũ Content chủ yếu là chỉnh sửa và bổ sung.

PSO MBA Talk #64
Ông Sơn cho rằng Generative AI giúp đội ngũ Design, Content, v.v. nâng cao hiệu suất làm việc.

Ông Thắng bổ sung thêm, AI còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổng hợp báo cáo và dữ liệu. Nhờ vào AI, doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng những đề xuất chính xác. Ngoài ra, AI cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để học hỏi và thực hiện nhiều công việc hơn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Lưu ý quan trọng khi ứng dụng Generative AI trong doanh nghiệp

Có thể thấy AI mang lại không ít lợi ích đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải cứ ứng dụng công nghệ sẽ lập tức đạt được thành công. Việc ứng dụng AI cần vạch ra những chiến lược cụ thể.

PSO MBA Talk #64
Ông Thắng liệt kê những vấn đề cần lưu ý khi triển khai Generative AI trong doanh nghiệp.

Đầu tiên, cần xác định và đánh giá use cases (tài liệu mô tả từ đầu đến cuối hành vi của người dùng hệ thống). Trong tình huống này, những người sử dụng được hiểu là nhân sự từ nhiều phòng ban trong doanh nghiệp (products, service, operations, v.v.).

Tiếp theo, khi đánh giá use cases, cần tập trung vào tính khả dụng (usability), tính khả thi kỹ thuật (technical feasibility), khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian dài (business viability), v.v.. Từ những đánh giá đó, doanh nghiệp có thể chọn ra những use cases ưu tiên để tập trung nguồn lực.

Ngoài use cases, chất lượng dữ liệu cũng cần được đặt lên hàng đầu. Khi được cung cấp “nguyên liệu” đầu vào là những dữ liệu chất lượng cao, AI có thể tạo ra nhiều kịch bản khác nhau, giúp doanh nghiệp dự báo những tình huống, xu hướng trong tương lai một cách đa dạng.

Ông Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với việc triển khai AI.
Ông Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với việc triển khai AI.

Điều kế tiếp mà ông Thắng đề cập chính là lựa chọn giải pháp. Doanh nghiệp cần tập trung chọn chính xác công cụ/ giải pháp công nghệ để tối ưu thời gian triển khai và mang lại hiệu quả cao. Quá trình chọn lựa này là vô cùng quan trọng, đòi hỏi kĩ năng phân tích và phán đoán cao của các cấp lãnh đạo.

Trong trường hợp nguồn lực hạn hẹp, người quản lý cần cân nhắc việc thuê ngoài để triển khai theo đúng theo KPIs, dù tốn chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao. Như vậy sẽ tránh được tình trạng dự án “đắp chiếu”.

Cuối cùng, khi đã có được giải pháp, doanh nghiệp cần nhanh chóng thử nghiệm Sản phẩm khả dụng tối thiểu (Minimum Viable Product – MVP) để kịp thời phát hiện và khắc phục các lỗi xảy ra, đồng thời cải thiện hiệu suất. Những thử nghiệm này cũng là nền tảng để doanh nghiệp xác định và nâng cấp phiên bản công nghệ phù hợp nhất.

Ông Thắng cho rằng, một điều quan trọng là cần xác định trách nhiệm của các phòng ban đối với việc ứng dụng AI. Trên thực tế, việc xác định này là không đơn giản, bởi các phòng ban đều “mắc kẹt” trong guồng quay vận hành công việc, họ không thể tập trung cải tiến quy trình làm việc sao cho hiệu quả.

Mẹo để giải quyết vướng mắc trên là sự đồng hành của ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo cần làm rõ việc ứng dụng công nghệ là trách nhiệm của tất cả thành viên, ứng dụng công nghệ hiệu quả sẽ mang đến thành công cho các dự án.

Kết

Generative AI mang lại nhiều giá trị tuyệt vời cho quá trình vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai nó được ví như một môn nghệ thuật khi cần sự kết hợp khéo léo giữa công nghệ và con người – yếu tố tiên quyết trong ứng dụng AI. Đội ngũ lãnh đạo, nhân viên cần vạch ra chiến lược hành động và những lưu ý những vấn đề cốt lõi để triển khai dự án một cách hiệu quả.