Snapshot – MBA Talk #33: Struggling in Finance Process
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & nước ngoài.
Hội thảo MBA Talk #33 là buổi gặp gỡ giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính, bao gồm PGS.TS. Đoàn Anh Tuấn – Giảng viên ISB; Chị Nguyễn Thị Tôn Cẩm Trâm, hiện đang giữ chức vụ Head of Finance and Accounting tại Bosch Vietnam; và anh Đặng Minh Tuấn – Chief Financial Officer tại NovaDreams.
Bằng kinh nghiệm “thực chiến” của mình, thầy Đoàn Anh Tuấn đã giúp học viên nhìn nhận những điểm đau (pain points) tài chính phổ biến, cụ thể như sau:
- Các điểm đau trong quản trị tài chính thường nhận thấy từ biên lợi nhuận của doanh nghiệp thấp và chi phí tăng cao
- Ngoài ra, mô hình quản lý các đơn vị chiến lược mục tiêu (Strategic Business Unit – SBU) chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp khó định danh các trung tâm chi phí và lợi nhuận, từ đó không thể quản lý hiệu quả các thị trường mục tiêu
- Điểm đau tài chính quan trọng là không quản lý được dòng tiền kinh doanh, ảnh hưởng khả năng hoạt động liên tục. Mấu chốt nằm ở việc doanh nghiệp không quản lý tốt các chính sách công nợ, hàng tồn kho, và các quyết định đi vay ngân hàng
Cũng tại hội thảo, thầy Đoàn Anh Tuấn đã chia sẻ những cách thức nhận diện – giải quyết các điểm đau tài chính, cụ thể là:
- Tìm ra các yếu tố tài chính then chốt “financial business drivers” để xác định vấn đề cốt lõi (main problem)
- Về quản trị tài chính, vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp thông thường gặp phải là không thiết lập được một bản dự toán ngân sách và mô hình quản trị dòng tiền hoàn chỉnh. Có ba nguyên nhân chính: Do không nắm rõ phương pháp thực hiện; Không dự tính các thay đổi của ngữ cảnh thị trường biến động (scenarios); Không có hệ thống ERP kiểm soát mức độ sử dụng chi phí phát sinh.
- Giải quyết bài toán lập ngân sách và quản lý dòng tiền trên hệ thống ERP sẽ là điểm mấu chốt nâng cao khả năng quản lý tài chính giám đốc tài chính và của chủ doanh nghiệp.
Trong khi đó, chị Cẩm Trâm nhấn mạnh tầm quan trọng của AI (Trí tuệ nhân tạo) trong công việc quản lý tài chính của tổ chức. Một số vai trò của AI được chị Trâm đề cao có thể kể đến như:
- Thay thế con người nhận diện và thực hiện ghi chép các bút toán đơn giản, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và xử lý với thời gian nhanh hơn
- Tương tác và đáp ứng mức độ hồi đáp thông tin tốt hơn cho các đối tượng phục vụ như khách hàng và nhân viên nội bộ
- Có khả năng dự báo sự thay đổi doanh thu và các loại chi phí linh hoạt hơn từ khả năng tự học và xử lý trong môi trường kinh tế biến động liên tục
Ngoài ra, chị cũng dành một lời khuyên dành cho các nhà quản trị tài chính – hiện tại và tương lai: Nên làm hoạch định tài chính trong nhiều hoàn cảnh – từ xấu nhất, bình thường đến tốt nhất, để giúp doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó tốt hơn trong trường hợp thị trường diễn biến không thuận lợi.
Nếu như chị Trâm tập trung chia sẻ tầm quan trọng của AI, thì tại hội thảo, diễn giả Đặng Minh Tuấn chú trọng nhiều hơn về quản trị dòng tiền, bởi anh cho rằng việc quản trị dòng tiền là một trong những tiêu chí sống còn của doanh nghiệp. Quản trị tốt dòng tiền sẽ là nền tảng để làm tốt các công việc quản trị rủi ro từ các khoản phải thu khách hàng, khoản phải trả nhà cung cấp, và tối ưu hóa hoạt động quản lý kho và đẩy nhanh luân chuyển hàng tồn kho.
Anh Đặng Minh Tuấn dự đoán trong tương lai, nhờ vào công nghệ máy học (Machine Learning), tính chất công việc của các Giám đốc Tài chính sẽ dần biến thành các “Nhà quản truyện” (Chief Financial Storyteller) – trong đó vai trò chính của họ là Huấn luyện viên Tài chính (Mentor) hay các nhà dự báo tương lai (future predictors).
Xem thêm thông tin chương trình Thạc sĩ PSO MBA.