Snapshot – MBA Talk #34: Developing personal branding for gen Z in the workplace
Qua lăng kính của những chuyên gia Nhân sự, hội thảo MBA Talk #34 do Viện ISB tổ chức đã thảo luận về hình ảnh Gen Z nơi công sở. Thế hệ này được đánh giá là lực lượng lao động mới với sự tự tin cao.
Hội thảo với sự tham dự của TS Xuân Lê – Giảng viên ISB, cùng các diễn giả là những nhà Quản trị Nhân sự hàng đầu đến từ các doanh nghiệp lớn: Anh Minh Hoàng, hiện đang giữ chức vụ Chief People Officer tại ACFC; Chị Hải Nguyễn, đang công tác tại VNG Cloud với vị trí Head of Human Resources; Chị Hương Lê, HR Director tại Hong Leong Bank.
Mục lục
1. Gen Z và biểu hiện của sự quá tự tin
“Một đặc điểm nổi bật của Gen Z mà tôi thấy được là sự tự tin lớn. Các bạn cực kỳ tự tin, đôi khi dẫn đến tự cao”. – Anh Minh Hoàng nhận xét. Biểu hiện sự tự tin của Gen Z là việc không ngần ngại thể hiện quan điểm của bản thân, thường xem cách làm và lối suy nghĩ của mình là đúng.
Anh dẫn chứng về một bạn Gen Z – sinh viên năm 4, đang là thực tập sinh: Khi bạn này được giao nhiệm vụ thiết kế hình ảnh và nhận được yêu cầu chỉnh sửa từ cấp trên, designer thế hệ Z ngay lập tức đặt câu hỏi: “Em thấy đẹp mà, sao lại cần phải chỉnh sửa?”.
Đồng quan điểm với anh Minh, TS Xuân Lê cũng cho rằng, một số bạn thuộc thế hệ Z ngày nay có phần tự cao trong lựa chọn công ty thực tập: “Kén chọn” khi chỉ muốn thực tập ở những công ty gần nhà, tìm kiếm công việc thực tập với mức trợ cấp hấp dẫn, hay thực tập ở những vị trí cao, v.v..
2. Giải pháp để dung hòa giữa sự tự tin của Gen Z-er và những thế hệ khác
“Tính cách quá tự tin của Gen Z đôi khi dẫn đến việc họ dễ “tự ái” khi nhận được feedback (phản hồi) từ cấp trên, thậm chí gây nên những cuộc tranh cãi “nảy lửa” giữa các thế hệ.” – Chị Hương chia sẻ. Vậy, giải pháp nào để tạo sự dung hòa giữa hai thế hệ?
Chị Hương cho rằng thông cảm là chìa khóa quan trọng để đưa hai thế hệ sát gần nhau hơn. Tự tin là tốt, nhưng đôi khi cũng cần bày tỏ sự thông cảm tạo để ra một môi trường làm việc tích cực – tại đó, nhân viên cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững giữa các thành viên trong tổ chức.
Anh Minh chia sẻ một cách thức khác để tạo nên sự hòa hợp trong tổ chức. Anh cho rằng, thể hiện sự tự tin bằng việc nêu lên quan điểm cá nhân là đúng, nhưng cần đặt trong một bối cảnh nhất định. Tự tin để nêu ra một quan điểm, không phải chỉ đứng ở góc nhìn của bản thân là đủ, mà hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác: “Tại sao họ lại nói và làm như vậy?”
Chị Hải vô cùng đồng tình với anh Minh, bởi chị cũng là một nhà quản lý đã và đang “quên mình” vì Gen Z. “Tôi đã hy sinh bản thân và “chăm” các bạn Gen Z trong công ty khá nhiều.” – Chị Hải tâm sự. Theo lời kể của chị, chị quan tâm đến nguồn nhân lực Gen Z từ những dịp quan trọng như sinh nhật đến tâm trạng của các bạn mỗi ngày – bao gồm chuyện “tổn thương vì tình yêu”, buồn vì thú cưng bị ốm, v.v..
Bởi lẽ, bản thân những nhà quản lý ở thế hệ trước đã tìm cách quan tâm để làm việc hòa hợp với các bạn trẻ, thì bản thân Gen Z cũng cần dung hòa để lấp đầy khoảng cách thế hệ.