Tư duy cầu tiến trong Marketing
Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý học người Mỹ Carol Dweck, những người có tư duy cầu tiến (growth mindset) có khả năng thành công cao hơn những người có tư duy bảo thủ (fixed mindset).
Như vậy, rèn luyện tư duy cầu tiến là vô cùng cần thiết để người lao động nói chung và các marketer nói riêng trang bị lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cùng PSO MBA khám phá chia sẻ từ TS Phát Tăng – ISB Lecturer, ông Kiệt Phan – Head of Omnichannel & CX, PNJ, TS Hải Hồ – Lecturer of Communication, RMIT Vietnam và bà Trang Huỳnh – Product Director, VieON, về tư duy cầu tiến trong Marketing ngay tại bài viết dưới đây!
>> Tìm hiểu thêm về khái niệm Digital Marketing là gì?
Mục lục
Sự đối lập giữa growth mindset và fixed mindset
Tại hội thảo MBA Talk #70 do Viện ISB và Đại học Western Sydney (Úc) tổ chức, TS Hải Hồ đã giúp học viên phân biệt sự khác nhau giữa tư duy cầu tiến và tư duy bảo thủ. Theo đó, trong quá trình phát triển bản thân, tư duy cầu tiến được thể hiện qua việc tin vào khả năng của chính mình, không ngừng tìm kiếm cơ hội, giải pháp để vượt qua những khuôn khổ trước đây, tạo đà tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Trong khi đó, tư duy bảo thủ thường xoay quanh việc phát triển dựa trên khuôn mẫu trong quá khứ hoặc ý tưởng được phát triển bởi những cá nhân khác. Như vậy, thầy Hải đánh giá khung lên kế hoạch của những người có tư duy bảo thủ là không hề thay đổi, luôn bắt đầu từ phân tích tình hình kinh doanh, xác định vấn đề, mục tiêu, lập kế hoạch để thực thi. Theo thầy Hải, nguyên nhân chính khiến những người có fixed mindset ra quyết định theo framework cũ chính là nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh.
Mặc dù thế giới kinh doanh đang phát triển với tốc độ “chóng mặt”, vẫn có nhiều tổ chức và cá nhân bám trụ tư duy bảo thủ, từ chối sự thay đổi với nhiều lý do khác nhau như thiếu tin tưởng vào lãnh đạo, thiếu nhận thức về tầm quan trọng của sự thay đổi hoặc đơn giản là nỗi sợ hãi trước việc phải thay đổi cách làm việc.
Một nghiên cứu do các chuyên gia tại Oak Engage tiến hành vào năm 2023, với hơn 1000 nhân viên tham gia, chỉ ra rằng 40% nhân viên thừa nhận họ cảm thấy lo ngại khi có thay đổi tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, 18% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cân nhắc rời bỏ công việc hiện tại nếu có sự thay đổi lớn trong tổ chức. Điều này chứng tỏ hệ tư duy bảo thủ vẫn còn tồn tại trong tư tưởng của nhiều nhân viên, ngay cả ở những nước phát triển.
Kiểm tra với “xô nước thủng”: Bạn có tư duy cầu tiến hay tư duy bảo thủ?
Cũng tại hội thảo, thầy Hải đã cùng học viên thực hiện một bài kiểm tra nhỏ nhằm xác định hướng tư duy của học viên PSO MBA – bài kiểm tra “xô nước thủng”.
Xô nước tượng trưng cho một doanh nghiệp; Nguồn nước chảy vào xô chính là nguồn khách hàng đổ về. Có thể thấy, công ty đang gặp vấn đề lớn khi có nhiều “lỗ thủng” khiến khách hàng hiện tại bắt đầu rời bỏ doanh nghiệp. Câu hỏi thầy Hải đặt ra là: “Đâu là cách để giải quyết vấn đề, đảm bảo sự tăng trưởng cho doanh nghiệp?”
Những giải pháp thường gặp có thể là (1) thay xô bằng chất liệu mới bền hơn, chắc chắn hơn hoặc (2) bịt lỗ thủng lại như một cách để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, nếu như vấn đề của giải pháp số 1 chính là việc vẫn xoay quanh yếu tố xô nước như việc bám theo framework cũ, thì giải pháp số 2 cũng gặp vấn đề vì bản chất lỗ thủng vẫn tồn tại, cốt lõi vấn đề còn là mối đe dọa trong tương lai.
Hai biện pháp trên là tiêu biểu cho việc tư duy bảo thủ, chỉ tập trung cải thiện tình hình và giải quyết vấn đề dựa trên nền tảng cũ để giảm thiểu rủi ro về chi phí.
Thầy Hải gợi ý, có thể cân nhắc các giải pháp (1) phục vụ khách hàng tốt hơn, (2) chăm sóc khách hàng bằng CRM để tăng độ trung thành của khách hàng, tăng lượt mua hoặc (3) mở ra nhiều hình thức cửa hàng mới (cửa hàng online, offline để thu hút khách hàng từ nhiều nơi đến mua sản phẩm/dịch vụ). Những biện pháp đó là đại diện cho tư duy cầu tiến – tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển sản phẩm và tăng lượng khách hàng.
>> Xem thêm bài viết nói về Digital Marketing từ chiến lược đến thực thi
05 đặc điểm của người có tư duy cầu tiến và bài học kinh nghiệm cho marketer
Tư duy cầu tiến như một “nguyên liệu” tiên quyết để vượt qua các thử thách, tiến xa hơn trên con đường phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp. Vậy, đâu là những phẩm chất nổi bật thường xuất hiện ở những cá nhân có tư duy cầu tiến và làm cách nào để marketer rèn luyện và phát triển tư duy này?
Theo ông Kiệt Phan, những người có tư duy cầu tiến thường có 5 đặc điểm/phẩm chất sau:
- Tin tưởng rằng các kỹ năng/khả năng của bản thân đều có thể học hỏi, thực hành và phát triển. Để phát triển kỹ năng của bản thân, markerter có thể tận dụng các khóa học trực tuyến, tham dự hội thảo, tìm kiếm mentor hoặc coach để được hỗ trợ, v.v..
- Mong muốn học nhiều kiến thức mới, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc thử nghiệm nhiều nền tảng, kênh phân phối, chiến lược Marketing mới, v.v. là những cách hiệu quả để marketer nâng cao trình độ và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Kiên trì, kiên nhẫn dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong công việc, người làm marketing có thể thử nghiệm bền bỉ nhiều chiến lược khác nhau, cho đến khi tìm được phương án phù hợp nhất với doanh nghiệp.
- Sẵn sàng đón nhận ý kiến đóng góp, phản hồi. Ông Kiệt gợi ý, các marketer cũng nên chủ động thu thập những phản hồi từ quản lý, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng; Sử dụng các công cụ phân tích để theo dõi hiệu suất chiến dịch marketing, từ đó xác định các lĩnh vực cần cải thiện.
- Niềm đam mê học hỏi và phát triển. Không chỉ học hỏi từ mọi người, ông Kiệt cho rằng việc chia sẻ kiến thức/ kinh nghiệm với “hậu bối” thông qua bài viết/blog, tham gia hội thảo cũng là cách hay để nuôi dưỡng niềm đam mê này.
>> Xem ngay 7 bước xây dựng chiến lược marketing
Ứng dụng tư duy cầu tiến để thu hút khách hàng tại VieON
“Trong ngành OTT (Over The Top: dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) về video streaming, nội dung và sản phẩm được xem là những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến việc thu hút và giữ chân khách hàng giữa các nền tảng.” – Bà Trang Huỳnh – Product Director, VieON, nhấn mạnh.
Về nội dung, VieON đã từng bước xác định chiến lược của mình là việc tập trung vào nội dung gốc độc quyền dành riêng cho người Việt. Điều này không chỉ giúp VieON khẳng định vị thế trên thị trường mà còn giữ chân người dùng với nền tảng của mình.
Về sản phẩm, quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng tại VieON cần phải đáp ứng ba giá trị chính là (1) kiếm tiền, (2) thu thập dữ liệu để khai thác thông tin và (3) phục vụ người dùng. Theo bà Trang, tập trung vào người dùng là trọng tâm của VieON trong mọi quá trình thay đổi và phát triển sản phẩm.
Tất cả các chiến lược phát triển sản phẩm của VieON đều dựa trên đánh giá và ý kiến của người dùng thông qua hệ thống dữ liệu và nghiên cứu UX. Ví dụ, VieON chú trọng vào việc giữ chân khách hàng, đặc biệt là Gen Z, bằng cách cung cấp nội dung phù hợp và tương tác cao.
Nhiều chương trình thuần Việt (điển hình là Rap Việt) được phát trên VieON sớm hơn so với Youtube để đáp ứng sớm sự chờ đợi của khách hàng. VieON cũng phát triển hệ thống AI indexing (tính năng hỗ trợ nhận diện khuôn mặt, vật phẩm, thương hiệu, v.v..) để khách hàng tương tác, tạo ra trải nghiệm duy nhất chỉ có trên VieON.
VieON tập trung phát triển hệ thống AI recommendation, theo đó, việc giao tiếp với khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết, gợi ý các nội dung cho từng đối tượng người xem, v.v. đều được tùy chỉnh dựa trên từng customer ID. “Hệ thống AI recommendation được thiết kế 100% từ đội ngũ nhân sự VieON, đã đạt giải thưởng Make in Vietnam vào năm 2022.” – Bà Trang Huỳnh tự hào chia sẻ.
Như vậy, tư duy cầu tiến không chỉ là một phẩm chất cá nhân mà còn là một chiến lược cần thiết để thành công trong lĩnh vực Marketing nói riêng và kinh doanh nói chung. Việc rèn luyện và phát triển tư duy này sẽ giúp cá nhân và doanh nghiệp thích ứng và phát triển trong môi trường ngày càng cạnh tranh và biến đổi.