Từ học viên thạc sĩ đến giảng viên đại học

PSO MBA

Chưa từng có chút kinh nghiệm nào về quản lý doanh nghiệp, chị Quỳnh Mai quyết định tham dự chương trình MBA ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, xem MBA là bệ phóng vững chắc cho con đường trở thành giảng viên đại học.

Tham dự MBA Meetup – chuỗi sự kiện trò chuyện trực tuyến với các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi tấm bằng Thạc sĩ Kinh doanh, chị Nguyễn Quỳnh Mai – Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Công nghiệp TP. HCM đã chia sẻ về hành trình học tập của mình. Mai là cựu học viên MBA khóa 2017 tại Western Sydney University Việt Nam.

Khi sinh viên chuyển tiếp lên MBA

Dù bén duyên với nghề dẫn chương trình, nhưng giảng dạy mới là niềm đam mê của Quỳnh Mai. Ngay sau khi vừa hoàn tất chương trình đại học, Quỳnh Mai đã bổ túc hồ sơ để tiếp tục theo đuổi chương trình Thạc sĩ kinh doanh. Mai tin rằng đây là cơ hội cần nắm bắt, là một trong những điều kiện để theo đuổi ước mơ và trở thành người truyền cảm hứng đến các bạn trẻ.

Những ngày đầu, Mai có phần “khớp” khi gần như chỉ có chị là sinh viên vừa tốt nghiệp trong một lớp học toàn những học viên với nhiều thâm niên làm việc. Thực ra, dù đã được chuẩn bị khá kỹ từ giai đoạn Pre MBA (tiền MBA, dành cho những học viên chưa đủ tiêu chuẩn học MBA ngay) với những nền tảng cơ bản về kinh doanh và quản trị nói chung, nhưng “kinh nghiệm chiến trường” với Mai vẫn chỉ là con “zero”. Rất khó khăn để hội nhập, đặc biệt là khi thảo luận một “case study” đòi hỏi phải có những kiến thức “thực chiến” cụ thể. Khi đó, lắng nghe là đương nhiên, nhưng với MBA, mọi học viên thuộc một nhóm thảo luận đều phải trình bày quan điểm hoặc hướng xử lý của mình trong từng vấn đề. Đây cũng là cách nhân rộng hàm lượng tri thức đóng góp cho MBA, mặc khác, việc thiếu đi sự từng trải trong công việc sẽ là một thiệt thòi lớn cho người học.

MBA Meetup: Từ học viên thạc sĩ đến giảng viên đại học
Ngay sau khi vừa hoàn tất chương trình đại học, Quỳnh Mai đã bổ túc hồ sơ để tiếp tục theo đuổi chương trình Thạc sĩ kinh doanh.

Nhưng cần cù sẽ bù thông minh. Thực tế chưa có nhiều thì sử dụng lý thuyết để bù đắp. Và lý thuyết không chỉ là giáo khoa. Nó là muôn hình vạn trạng trên cái thư viện khổng lồ từ internet, từ bạn bè, người thân. Những khó khăn buổi đầu mà Quỳnh Mai gặp phải rồi cũng dần qua. Kiến thức, sự dạn dĩ tự tin dần đến – những sự thay mới, trưởng thành trong cả kỹ năng lẫn tư duy. Quỳnh Mai cũng cho biết, chị đặc biệt quý trọng những mối quan hệ, vòng kết nối mới được xây dựng từ lớp học MBA khi mà cho đến nay, tất cả vẫn còn giữ liên lạc, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và công việc.

MBA không chỉ dành cho người kinh doanh

Quỳnh Mai cho rằng môn học nào của MBA cũng có điểm thú vị riêng tùy vào mối quan tâm của người học và tính chất môn học. Điều này cũng đến từ phong cách giảng dạy của giảng viên, kết hợp với những công cụ hỗ trợ hữu ích và khung lý thuyết căn bản. Chị giải thích: “Lớp mình đa phần làm bài tập về case study, đào sâu tìm hiểu và phân tích vấn đề, các điểm mạnh, điểm yếu của những trường hợp thực tế trên thế giới. Vậy nên đến tận bây giờ mình vẫn không quên những kiến thức đó.”

Sau thời gian học tập, những lo lắng ban đầu về chất lượng đào tạo trong nữ học viên cũng đã không còn. “Sau khi chia sẻ cùng các bạn chọn du học toàn phần, Mai có thể tự tin hơn vì nhận thấy chương trình thạc sĩ liên kết không khác biệt nhiều so với du học toàn phần về kiến thức, công cụ hay hệ thống đang có tại những quốc gia phát triển”, Quỳnh Mai nhận xét.

PSO MBA
Quỳnh Mai cho rằng môn học nào của MBA cũng có điểm thú vị riêng

Nguồn kiến thức từ tấm bằng MBA với Quỳnh Mai, thực sự là tri thức quý cho công việc giảng viên đại học. Hoàn tất MBA, Mai tham gia một vài dự án kinh doanh cùng các bạn cùng khóa, nhờ đó, chị trải nghiệm thêm nhiều giá trị khi có thể áp dụng hiệu quả các lý thuyết vào thực tế quản trị dự án. Với Quỳnh Mai, việc không ngừng cập nhật, bồi đắp kiến thức là một “quỹ đầu tư” sinh lời. Và MBA chính là một trong những môi trường thuận lợi giúp chị hoàn thiện liên tục.

Quỳnh Mai cũng nhấn mạnh những giá trị “ngoài kinh doanh” của MBA. Việc chọn học thạc sĩ kinh doanh và trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp nghe có vẻ khác biệt nhưng lại bổ trợ nhau. Những kỹ năng được đào tạo tại chương trình thạc sĩ đã giúp chị rất nhiều: Từ khả năng giao tiếp, diễn đạt bằng Tiếng Anh đến sự dạn dĩ, tự tin có được sau mỗi môn học và mạng lưới “networking” rộng mở, đã giúp Mai trở thành một MC chuyên nghiệp. Với công việc giảng dạy, những thông tin, thông điệp mà thầy cô trao đi được Quỳnh Mai xem như nguồn cảm hứng lớn lao giúp chị tiếp tục truyền tải đến tất cả các bạn sinh viên cho hiện tại.

Ở vai trò là giảng viên, chị Mai không giấu được niềm hạnh phúc khi có thể truyền đạt đến sinh viên những “lý thuyết” rất thực tế mà chính mình đã học tập và trải nghiệm. Chị nhận định: “Giá trị cuối cùng mang lại vẫn là mong muốn cho sinh viên có được kiến thức thực tế kết hợp hiệu quả nhất với lý thuyết. Không còn là một lý thuyết suông, mà tất cả đều có thể chạy được một cách hiệu quả.”