Chuyển đổi số: 3 giai đoạn, đích đến và “chìa khóa” để thành công
Trong bối cảnh chuyển đổi số, kỷ nguyên số, mỗi cá nhân và doanh nghiệp buộc phải thích ứng nhanh hơn để tồn tại và bắt kịp nhịp phát triển. Dù đang trong thời công nghiệp 4.0, nhưng nhiều nơi đã đề cập đến xã hội 5.0. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từng đề cập khái niệm “vi tính lượng tử”, dự đoán sẽ trở thành xu thế của tương lai.
Tại chuỗi webinar MBA for Success do ISB tổ chức, ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Hitachi Vantara, kiêm Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam đã có nhiều chia sẻ đáng suy ngẫm. Với chủ đề “Thách thức chuyển đổi số – lãnh đạo và học tập”, diễn giả đã phân tích nhiều góc cạnh của công cuộc số hóa trong các công ty ở Việt Nam hiện tại. Đồng thời, đưa ra những lời khuyên hữu ích cho sự phát triển và thành công của lớp nhân sự trẻ trong tương lại.
Mục lục
Đích đến của chuyển đổi số là thay đổi văn hóa
Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, gần đây, chuyển đổi số đang được đề cập từ Chính phủ đến mọi công dân. Trong gia đình, môi trường số cũng dần chiếm một vị thế quan trọng, khi những đứa trẻ Gen Z thức dậy, việc đầu tiên chúng làm là kiểm tra mạng xã hội, xem bạn bè trên không gian “ảo” ra sao.
Đây là sự thay đổi có chiều từ “dưới lên trên” thay vì “từ trên xuống dưới”. Con cái thường rành công nghệ hơn cha mẹ. Nhân viên thường có nhu cầu dùng thiết bị số cấp thiết hơn, tạo áp lực cho lãnh đạo đổi mới hệ thống, nâng cấp thiết bị. Doanh nghiệp chuyển đổi số lại thúc đẩy nhà nước tạo hành lang pháp lý, thiết kế các chương trình hỗ trợ, tăng cường tuyên truyền,…
Ông Quỳnh giải thích công cuộc chuyển đổi số có thể phân thành 3 giai đoạn:
Trước hết là số hóa (digitization), chuyển dữ liệu từ não bộ, từ văn bản, giấy tờ sang thông tin dạng số. Đó gọi là số hóa tri thức thành các cơ sở dữ liệu tri thức.
Tiếp theo, khi đã có tài nguyên số, người ta bắt đầu tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng đã có. Nhờ dữ liệu số, tri thức số, nhiều tổ chức nâng lên tầm tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hiệu suất.
Cuối cùng, đích đến sẽ là thay đổi văn hóa làm việc: mọi mắc xích từ giám đốc, chuyên gia đến nhân viên của công ty đều ưu tiên sử dụng công nghệ số trong công việc. Họ tiết kiệm được thời gian, thay thói quen dùng giấy tờ bằng dữ liệu số, biết khai thác và tham gia chuỗi tự động hóa.
Văn hóa làm việc ở các doanh nghiệp nhờ vậy biến chuyển theo hướng năng động và hiệu quả hơn. Nói cách khác, lãnh đạo doanh nghiệp cần làm cho chuyển đổi số trở thành văn hóa số của công ty, nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi” trên thương trường 4.0.
Chuyển đổi số và cơ hội cho nhân sự ngành công nghệ
Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, trăn trở của nhiều công ty, tổ chức lớn ở Việt Nam là những lứa quản lý cấp trung và cấp cao hiện khá hiếm hoi, một phần do trải nghiệm của người lãnh đạo chưa đủ. Tuy nhiên, họ có thể tăng tốc bù đắp nhờ học hỏi công nghệ số.
Trở ngại lớn nhất ở đây là khả năng giao tiếp. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, giao tiếp giữa người và người luôn là điểm then chốt đảm bảo sự thành công.
Ít nhất cần hiểu được người đối diện và cho người đối diện hiểu mình. Tiếp đó mới nâng thành nghệ thuật đàm phán với đối tác, cách đối thoại hiệu quả với sếp, với nhân viên. “Đó là những thử thách lớn để có những lãnh đạo có đủ tố chất đứng vững trên thương trường quốc tế, có thể đàm phán với khách hàng, đối tác toàn cầu ở vị thế ngang bằng”, ông Quỳnh nói.
Với các nhân sự trẻ lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Quỳnh gợi ý hai chìa khóa mở cánh cửa thành công. Họ có tư duy kỹ thuật tốt, nắm bắt công nghệ nhanh nhưng thiếu đi sự sáng tạo. Đó là một phần hệ quả của cách học từ chương trình, nạp thông tin vào đầu như máy tính nạp dữ liệu, thay vì lĩnh hội tư duy giải quyết vấn đề.
Khi có xu hướng suy nghĩ máy móc, bạn sẽ thụ động trong việc dẫn dắt. Nhiều lao động Việt Nam ngại ra quyết định vì thường nghĩ mình chỉ là một con ốc trong guồng máy.
Nhìn rộng ra, 10 năm qua, Việt Nam nổi lên như một nơi có nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao nhưng không phải người tiên phong. Chúng ta có thể cung cấp nhiều dịch vụ rất tốt nhưng với điều kiện đã được mở đường. “Đó là một lỗ hổng, đồng thời cũng là cơ hội cho các bạn trẻ Việt lấp đầy những lỗ hổng này” – ông Quỳnh nói.
Thành công từ nghệ thuật “quản trị nghịch lý”
Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam cũng cho biết, những nhân sự trẻ có thể lưu ý về phương châm “quản lý nghịch lý” cho sự nghiệp của mình. Nhiều bạn trẻ vào doanh nghiệp với trái tim nóng bỏng cống hiến nhưng vào rồi lại thấy thất vọng và lập tức ấp ủ suy nghĩ nhảy việc.
Nghịch lý đó luôn xuất hiện xung quanh ta, ở bất cứ công việc nào, phải học cách tỉnh táo để đối mặt mọi khó khăn với thái độ đúng mực. Là nhân viên hay lãnh đạo bất kỳ tổ chức nào, kể cả lãnh đạo chính mình, đều là một chuỗi quản trị những nghịch lý.
Cũng tại MBA For Success – hội thảo kết nối cùng các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao nhằm mang đến góc nhìn tổng quan và những tri thức hữu ích cho các học viên chương trình Thạc sĩ Kinh doanh và khán giả quan tâm, người dẫn dắt là PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB đã chia sẻ sức nóng của cuộc đua chuyển đổi số ở các công ty đã tạo nên các đòi hỏi với nhân sự ở mọi bộ phận. Chẳng hạn trước đây, ở các công ty nhỏ, phòng kế toán có ít nhất có vài ba người, công ty lớn đến vài chục người. Hiện nay, không ít trường hợp đến hai, ba nhà máy mới cần một kế toán, đồng nghĩa lượng nhân sự giảm đi đáng kể.
Vì sao vậy? Các công cụ số hóa đã tăng tốc và tăng độ chính xác cho công việc này gấp nhiều lần. Tài liệu đã có thể lưu trữ trên mạng, phần tính toán được máy tính “gánh vác”, giúp hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian ngắn. Ngày trước, để có một báo cáo, kế toán viên phải xin “deadline” vài ba ngày, thì giờ có thể trình bày chớp nhoáng.
“Tương tự, nhiều công việc truyền thông trước nay cũng không ngừng cải tiến. Vì vậy, kỹ năng của các bạn trẻ cũng cần được cập nhật liên tục nếu không muốn “rơi lại” trong thời đại công nghệ 4.0” – ông Quân nói.