Digital Marketing – Yếu tố giúp doanh nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu

Digital Marketing – Yếu tố giúp doanh nghiệp Việt phát triển thumb

MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được host bởi PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Nhận lời mời tham dự MBA For Success số 10, khách mời Tammy Thi Phan – Head of Marketing tại Google Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về việc học, con đường học vấn và những bài học thực tiễn, quý giá mà chị tích lũy được sau hành trình dài làm việc và trải nghiệm.

Chị Tammy Thi Phan sở hữu học bổng danh giá và chinh phục tấm bằng MBA từ Đại học INSEAD. Chị cũng từng làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia như: Accenture, The Boston Consulting Group, American Express. Năm 2015, chị Tammy gia nhập Google với vị trí đầu tiên là Head of Channel Sales, Việt Nam. Đến năm 2020, chị được tin tưởng và giao vị trí Head of Marketing tại thị trường Việt Nam.

Nội dung chia sẻ

Bà Tammy cho rằng chương trình MBA đã mang đến cho bà nhiều ý nghĩa. Trước hết đó là lượng kiến thức đồ sộ. Xuất thân là “dân” học Y tại Đại học Stanford danh giá, bà chuyển hướng sang các công việc liên quan đến kinh tế. MBA cung cấp cho người học khối kiến thức bao quát về từng góc cạnh của quản trị kinh doanh. Nhờ vậy, những người xuất thân “ngoại đạo” như bà có thể chuyển hướng dễ dàng hơn.

Tiếp đó là các mối quan hệ. Bà được gặp nhiều người tài năng đang giữ những vị trí khác nhau ở nhiều công ty. Họ có những kinh nghiệm và góc nhìn riêng trong mỗi vấn đề, nhờ vậy bổ sung hoàn hảo cho nhau trong lớp học.

Những gì học được từ bạn bè đôi khi còn quý giá hơn từ các giáo sư trong chương trình. Chưa kể, cộng đồng cựu học viên vẫn được duy trì, giúp đỡ nhau rất nhiều trên con đường lập nghiệp của mỗi người.

Chương trình học MBA giúp học viên tiếp xúc được nhiều điều mới mẻ trên nền tảng thực tế. Ở đó, giáo sư chỉ hướng dẫn một phần và đòi hỏi sự tự nghiên cứu, tự tìm tòi rất lớn từ các học viên. Từ những hiểu biết cơ bản, người học phải biết cách xâu chuỗi để giải quyết vấn đề. Bà Tammy cho rằng chính điều này đã tạo cơ sở xây dựng nên thói quen tự học. Đây là kỹ năng cần thiết nhất cho mọi thành công. Bởi không nhất thiết bạn phải hoàn hảo hay luôn sẵn sàng cho một công việc nào đó, mà điều quan trọng là cần phải làm hết sức. Mọi thứ bạn có thể học hỏi và làm được. Các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao kỹ năng tự học hỏi từ phía các ứng viên của mình

Vậy, nên chọn học MBA ngay sau tốt nghiệp hay chờ đi làm vài năm hãy bắt đầu? Bà Tammy cho rằng quyết định tùy thuộc vào mục đích của từng người. Tuy nhiên, người học nên tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi đăng ký học MBA. Khi có kinh nghiệm làm việc, những kiến thức rất dễ soi chiếu vào thực tế, giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Không chỉ vậy, bạn cũng có “chất liệu” để chia sẻ với bạn bè, từ thực tiễn của bản thân, qua đó đóng góp ngược lại cho lớp học.

PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng UEH-ISB cho biết những ai muốn học MBA chỉ để lấy tấm bằng thì nên cân nhắc lại. Khi tuyển dụng, tấm bằng không cho bạn sự khác biệt với những ứng viên còn lại. Giá trị thật sự của chương trình sẽ mở mang tầm nhìn cho mỗi người, giúp ích cho công việc kinh doanh thực tế, đồng thời tạo được những kết nối hữu ích cho “sự nghiệp” của mỗi cá nhân.

Nói về chiến lược săn học bổng, bà Tammy lưu ý cần bỏ công sức đúng chỗ và nghiêm túc. Từng hồ sơ, từng bài luận đều phải chăm chút chứ không nên “rải” bừa bãi. Ngoài ra cần biết mình có thể đóng góp gì cho sự phát triển của nhà trường, của học bổng, chứ không nên… chỉ biết “nhận” về mình. Đó là những bí quyết cơ bản để có thể thành công trên hành trình “săn” các học bổng đắt giá.

Một cú rẽ bất ngờ

Trong chương trình MBA for Success, bà Tammy chia sẻ từ năm lớp 2, bà đã muốn làm bác sĩ. Ước mơ này duy trì đến suốt những năm đầu đại học. Theo học Y khoa tại Đại học Stanford, bà thậm chí đã làm nhiều nghiên cứu, đi thực tập và đã chạm đến rất gần với tấm bằng danh giá. Nhưng cuối cùng, bà lại muốn tìm thử thách với một công việc mới toanh – một chuyên gia tư vấn (consultant).

Trong buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên, khi được hỏi liệu bản thân có phù hợp với công việc, dù chưa có kinh nghiệm, bà thẳng thắn trả lời và vẫn tin rằng những kỹ năng trong ngành Y sẽ giúp bà làm tốt nhiệm vụ mới. “Biết lắng nghe khách hàng, biết cách giúp đỡ họ giải quyết vấn đề, biết cách làm họ tin rằng những tư vấn của mình sẽ có hiệu quả”, những kỹ năng đặc thù này trong ngành Y hóa ra cũng là điều tối cần thiết đối với một nhà tư vấn. Và đây cũng chính là câu trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn ấy của Tammy Thi Phan.

Bà Tammy cũng nhấn mạnh các kỹ năng có thể luân chuyển theo từng công việc khác nhau. Điều cốt lõi là mỗi người cần biết tự học, tự điều chỉnh để thích nghi với những thử thách mới.