ThS. BS. Nguyễn Thành Danh: MBA cần có “đất diễn”
Là một bác sĩ theo học MBA khi chưa có cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ThS. BS. Nguyễn Thành Danh nhận định: “Chương trình học MBA là cơ hội để hệ thống kiến thức một cách bài bản, lấp đầy những kỹ năng còn khuyết, từng bước tháo gỡ khó khăn trong quản trị kinh doanh”.
MBA có thể xuất phát điểm từ nhiều ngành nghề. Vậy Kinh doanh và Y dược, hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan này liệu rằng có thể kết hợp với nhau hay không? Tại chương trình MBA For Success gần đây, ThS. BS. Nguyễn Thành Danh – Tổng Giám đốc Besins Healthcare Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị dưới góc nhìn của một bác sĩ doanh nhân với hơn 25 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngành y dược.
Mục lục
MBA đáp ứng kỳ vọng của chàng bác sĩ trẻ
Tốt nghiệp bác sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP. HCM năm 1993, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Danh bắt đầu học bác sĩ nội trú, lấy chứng chỉ hành nghề như con đường của nhiều bác sĩ trẻ khác thời bấy giờ. Ông từng có thời gian làm việc tại cơ quan y tế nhà nước rồi mở phòng mạch riêng, sau đó “đánh lái” sang một hướng mới là “đầu quân” cho các công ty y dược hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Bayer, Sanofi, Pfizer…Ông bắt đầu theo đuổi lĩnh vực kinh doanh ngành Y dược.
Từ “tay ngang” chuyển sang lĩnh vực kinh doanh y dược, ông Danh chia sẻ rằng phải tự bồi dưỡng và được các công ty đào tạo rất nhiều về quản trị Sales & Marketing, kỹ năng quản lý chung… Tuy nhiên, với các kinh nghiệm tích góp chưa mang tính tổng quát trong khi càng lên những vị trí cao, buộc phải có kiến thức đa dạng chuyên môn, sâu hơn, rộng hơn,… chàng bác sĩ khi ấy đã quyết định theo học và chinh phục thành công tấm bằng MBA bất chấp điều kiện học thạc sĩ có phần “thiệt thòi” hơn nhiều người về mặt kiến thức nền tảng. Theo ông, năng lực quản lý cần có bài bản, hệ thống. Đặc biệt khi đối tượng quản lý là con người, sự chuẩn mực lại cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, đối với người lãnh đạo trong một công ty kinh doanh y dược, ngay cả ở vị trí quản lý cấp trung, kiến thức tài chính luôn là thiết yếu. Cấp bậc quản lý càng cao, hiểu biết về tài chính càng phải vững vàng. Điều này khó lòng “nghề dạy nghề” với xuất phát điểm là một bác sĩ. Và chương trình học MBA đã giúp ông “lấp đầy” các kiến thức, kỹ năng còn “khuyết”, tháo gỡ dần từng khó khăn trong quản trị kinh doanh về y dược.
ThS. BS. Nguyễn Thành Danh: Học MBA cần có “đất diễn”
Hầu hết những người theo đuổi MBA đều mong muốn được phát triển kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý, hướng đến việc nâng tầm sự nghiệp lên vị trí lãnh đạo. Ông Danh nhấn mạnh, nếu chọn học thạc sĩ kinh doanh, cần xác định cụ thể cho con đường của bạn, sau này sẽ quản trị cái gì, sẽ là trưởng nhóm, trưởng phòng, lãnh đạo doanh nghiệp hay tự mở công ty riêng? Học MBA mà không sử dụng kiến thức, sách vở rồi cũng sẽ “trả chữ” lại cho thầy. Vì MBA cần có “đất diễn” cho những gì bạn đã lĩnh hội.
Nhiều người băn khoăn về việc có nên học thạc sĩ kinh doanh MBA trước rồi vào chuyên sâu sau, hay cần “học sâu” một mảng trước? Ông Danh cho rằng các bạn trẻ ngành y có khá nhiều hướng học lên chuyên môn sâu, như thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa, tiến sĩ. Các khối ngành kinh tế cũng tương tự. Trong khi đó, học MBA cho bạn kiến thức rộng về quản trị kinh doanh, dù hiểu biết ở từng mảng có thể không sâu nhưng được khái quát.
Quyết định “học sâu” rồi mở rộng kiến thức, hoặc học MBA để hiểu tổng quát, hiểu điểm mạnh, chuyên môn để phát triển sâu sẽ tùy vào mỗi người. Vì vậy theo ông Danh, các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu, hoàn cảnh và môi trường hiện tại để cân nhắc và lựa chọn hướng đi phù hợp. Tùy thuộc vào ý thích, năng lực của bản thân để có thể chọn học “sâu” hay “rộng”.
Cá nhân TGĐ Besins Healthcare Việt Nam cho biết mình đã là một bác sĩ theo học MBA khi bản thân có khuyết cả chiều sâu và rộng. Khi bắt đầu với Sales hay chuyển sang Marketing trong kinh doanh, ông đều phải tự tìm hiểu và trau dồi rất nhiều. Cuối cùng khi lên cấp quản lý cao hơn, ông mới cần mở rộng “bề ngang”. Với những bạn học ngành y có định hướng tương tự mình, ông Danh khuyên nên chuyên sâu vào các vị trí nghề nghiệp được giao trước, phục vụ cho công việc trước mắt, rồi mới nên học MBA để có tầm khái quát.
Trong một hội thảo MBA For Success mới đây, diễn giả khách mời – TS. Lý Quí Trung cũng đã từng đánh giá “kiến thức từ MBA không bổ bề ngang thì bổ bề dọc, chúng ta có thể sử dụng cả đời không bao giờ hết”. Còn ThS. BS. Nguyễn Thành Danh chia sẻ những giá trị thiết thực mà MBA mang lại không chỉ giúp ông tháo gỡ những khó khăn trong quản trị kinh doanh. Bác sĩ doanh nhân còn nhận định thêm ngoài việc học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ chính những bạn học, bạn còn có thể rèn luyện nhiều kỹ năng ngay trong nội bộ những nhóm học. Sau tốt nghiệp, các mối quan hệ này cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp riêng, như một giá trị cộng thêm của tấm bằng thạc sĩ kinh doanh MBA.
Nguồn: ISB