Vai trò của công nghệ với khởi nghiệp trong thời đại 4.0
Mục lục
- Hội thảo MBA For Success số 15 kết nối với ThS. Lê Diệp Kiều Trang – Nhà Đồng sáng lập, Alabaster – Quỹ đầu tư các dự án khởi nghiệp sáng tạo công nghệ chuyên sâu. Chị từng giành học bổng ĐH Oxford và tốt nghiệp thủ khoa MBA, MIT Sloan và là gương mặt nổi tiếng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
- Trong một start-up, ai cần có tinh thần khởi nghiệp?
- Rót vốn đầu tư khởi nghiệp phải dựa vào con người
- Hành trình học MBA, tấm bằng không phải là tất cả
Hội thảo MBA For Success số 15 kết nối với ThS. Lê Diệp Kiều Trang – Nhà Đồng sáng lập, Alabaster – Quỹ đầu tư các dự án khởi nghiệp sáng tạo công nghệ chuyên sâu. Chị từng giành học bổng ĐH Oxford và tốt nghiệp thủ khoa MBA, MIT Sloan và là gương mặt nổi tiếng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được host bởi PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Khách mời của hội thảo MBA For Success số 15 là nữ doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang – Nhà Đồng sáng lập, Alabaster. Đây là một quỹ đầu tư cho các startup công nghệ, các dự án sáng tạo về deeptech (công nghệ chuyên sâu), hướng đến giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chị từng giành học bổng ĐH Oxford và tốt nghiệp thủ khoa MBA tại MIT Sloan. Chị cũng từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, Misfit Wearables hay Fossil Việt Nam, Facebook Việt Nam, Go-viet… và là một gương mặt nổi tiếng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Kể lại câu chuyện “đi xuyên” thời dịch của Arevo, chị Trang chia sẻ sở dĩ start-up công nghệ do mình điều hành có thể tồn tại được cốt là vì có được những người đồng đội cùng chia sẻ đích đến. Nhiều khoảnh khắc, niềm tin về tiến độ của công ty trong chị bị lung lay, nhưng chính các đồng đội, nhân viên đã trở thành những người đồng hành, nâng đỡ cho nhau.
Theo chị Trang, sẽ có những giai đoạn cực kỳ khó khăn như giãn cách xã hội vừa qua. Khi đấy, bản thân công nghệ không thể thay thế được con người. Dù hệ thống máy móc in 3D của Arevo đã được kết nối trên cloud nhưng cũng cần người vận hành, thiết kế và lo nhiều đầu việc khác.
“Tôi đã rất may mắn khi tìm được những con người không chỉ có năng lực, có tâm huyết và chia sẻ với nhau niềm tin. Tôi chỉ mong Arevo có thể “sống” được qua mùa dịch là tốt, nhưng không ngờ các anh em lại đi nhanh được đến thế”, chị Trang nói.
Trong một start-up, ai cần có tinh thần khởi nghiệp?
Theo chị Trang, tư duy về khởi nghiệp ở nhiều người thường là, chỉ có những người lãnh đạo mới cần có tinh thần khởi nghiệp, sự nhiệt huyết và tư duy sáng tạo để đẩy cả một “con thuyền” start-up về phía trước. Thực tế, trong một doanh nghiệp khởi nghiệp, càng nhiều người trong đội ngũ có tinh thần này càng tốt.
Bởi vì, khởi nghiệp là hành trình không thể đi từ A đến Z, thậm chí đi một mạch từ A đến D cũng đã rất khó. Rõ ràng mỗi start-up đều có những tầm nhìn chiến lược nhưng sẽ có rất nhiều yếu tố bạn không thể đoán trước khiến đôi lúc những điểm đến phía trước trở nên mờ mịt. Nói cách khác, các doanh nghiệp khởi nghiệp chẳng khác nào những người mở đường. Vì thế, những bài toán của một start-up không phải chỉ cần các founder mà còn cần đến tất cả các bộ phận cùng hỗ trợ nhau giải quyết.
Vì đặc thù những vấn đề của mỗi start-up sẽ rất khác, thậm chí chưa từng có trước đây, do đó những người chịu trách nhiệm trong từng mảng của công ty cũng cần linh hoạt thích ứng và đưa ra được những giải pháp tối ưu. Họ cũng cần sẵn sàng chấp nhận thay đổi và không phải cái gì đúng ở các công ty lớn đều sẽ đúng với một công ty khởi nghiệp.
“Do vậy khi tuyển người cho start-up, tôi ưu tiên những bạn có khả năng linh hoạt, có sức chống chịu tốt với sự thay đổi, có thể thích ứng, thay vì chỉ biết đi theo hành trình đã vạch sẵn”, chị Trang ví điều này như khả năng “mò đường” ở các ứng viên.
Tuy nhiên, chị Lê Diệp Kiều Trang không quên nhấn mạnh vai trò then chốt của các founder của start-up. Họ chính là người truyền cảm hứng, niềm tin và văn hóa doanh nghiệp cho các nhân viên. Cũng chính họ sẽ đưa tinh thần khởi nghiệp đến với các cộng sự, để những lãnh đạo cấp dưới tiếp tục truyền tinh thần này đến từng nhân viên và phòng ban. Có như vậy, công ty mới có khả năng chống chịu trước những thay đổi.
PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB cũng đồng quan điểm với chị Trang và cho rằng tinh thần khởi nghiệp ở đây không hẳn đồng nhất với ý muốn khởi nghiệp. Ông Quân cho rằng start-up cũng giống như đi đào vàng. Họ không có đủ thông số để biết ở đâu thật sự có “vàng”. Vì vậy, tinh thần khởi nghiệp với sự linh hoạt ứng biến để thích ứng hoàn cảnh đặc biệt ra quyết định vào những lúc start-up đứng ở “ngã ba đường”, sự kiên định với mục tiêu là rất quan trọng. Họ cần “cảm” và hình dung được những khả năng có thể xảy đến để đưa ra những chọn lựa hợp lý nhất. “Yếu tố này cũng là một trong những lý do khiến một số người dù thành công ở những tập đoàn lớn nhưng lại thất bại khi bước ra khởi nghiệp”, ông Quân nói.
Rót vốn đầu tư khởi nghiệp phải dựa vào con người
Chị Trang cho biết mình từng nhận được nhiều câu hỏi về chuyện làm thế nào để các start-up có thể nhận được vốn từ các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư khởi nghiệp. Nữ doanh nhân chia sẻ yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất để cân nhắc. Cụ thể ở đây là những người sáng lập start-up có đủ sức đi đến cuối con đường?
Để đánh giá được yêu cầu này, theo chị Trang, nên dựa vào 2 tiêu chí: năng lực và ý chí. Khái niệm năng lực sẽ bao gồm nhiều khía cạnh như khả năng tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tạo dựng, điều hành công ty, thu hút người giỏi… Còn ý chí là sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, trong thách thức, vẫn giữ được lòng tin và có khả năng lan tỏa sự nhiệt huyết ấy đến các nhân viên.
Chị Trang cũng thừa nhận: “Mỗi khi thấy tinh thần khởi nghiệp ngùn ngụt của các bạn trẻ Việt Nam, tôi lo nhiều hơn là mừng. Tôi thấy có nhiều rủi ro dẫn tới thất bại hơn là thành công”.
Chị lý giải rằng, khởi nghiệp, ở một góc độ nào đó không hề “hào nhoáng” và cũng chỉ là một “cái nghề”, giống như bao nghề khác như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Cái nghề phải hợp với con người, hơn nữa bạn phải thật sự yêu thích mới có thể đi được đến cuối con đường. Cũng không phải cứ gọi vốn đầu tư và tạo dựng được một công ty khởi nghiệp thành công, đứng vững trên thị trường, đem về nhiều lợi nhuận mới gọi là vinh quang.
Với chị Trang, nghề nào cũng là nghề, và vinh quang sẽ tìm đến khi bạn thật sự giỏi trong cái nghề của mình chứ không phải chỉ có việc khởi nghiệp, gọi vốn thành công… là con đường vinh quan duy nhất. Chính vì vậy, tính trưởng thành của người khởi nghiệp cũng thường được nhắc đến và cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi nó phản ánh liệu rằng họ đã biết chính xác mình đang làm gì, khởi nghiệp để làm gì và có hợp với mình hay không?
Theo chị Kiều Trang, có nhiều yếu tố quan trọng hơn cần cân nhắc khi chọn đầu tư vào một chủ dự án khởi nghiệp hay chọn đội ngũ cho start-up. Trước hết, họ phải là những người có đạo đức bên cạnh cạnh sự tài giỏi để có thể đi được đường dài. Chị Trang nói: “Tôi có thể vận hành được nhiều công ty lúc cùng một phần nhờ ở sự tin tưởng vào đội ngũ của mình sẽ luôn đi theo chuẩn mực đạo đức mà chúng tôi hướng đến.
Kế đến là khả năng học hỏi. Chị Trang nhận định ở thời đại này, thiếu đi tinh thần tự học dễ dẫn đến sự khiếm khuyết trong bạn. Muốn có khả năng này, các nhà khởi nghiệp cần chịu đầu tư học tập, trân trọng những người có năng lực hơn mình. Từ đó, họ có thể học hỏi và phát triển theo hướng tốt hơn mỗi ngày, thích ứng và ứng biến tốt với những sự linh hoạt cần có trong khởi nghiệp.
Hành trình học MBA, tấm bằng không phải là tất cả
Sở hữu một trong những tấm bằng MBA danh giá trên thế giới từ MIT Sloan (Hoa Kỳ), chị Trang cho rằng học thạc sĩ MBA nói riêng và giá trị của việc học nói chung mang lại là rất lớn. Chẳng hạn, người học sẽ có được tính hệ thống và khả năng mở rộng kiến thức, nâng cấp chính mình. Qua đây, họ có thể giải quyết những vấn đề phát sinh trong công ty một cách bài bản, hệ thống.
Chương trình học MBA thường có nhiều môn về kết nối con người, phát triển tư duy lãnh đạo… phát triển con người. Tuy nhiên, không hẳn có bằng MBA là có thể “đắc nhân tâm”. Ngược lại, cách ứng xử giữa người với người, cách lãnh đạo giỏi có thể đến từ chính những kinh nghiệm làm việc của mỗi người. Vì vậy, những người học MBA rất cần có sự linh hoạt để áp dụng các lý thuyết giúp chinh phục nhân tâm đã học, đặc biệt với những người làm việc trong lĩnh vực khởi nghiệp.
PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, cũng đồng quan điểm với chị Trang và cho rằng những giá trị có được từ việc học MBA cần được chuyển hóa thành các năng lực cốt lõi cho mình. Đó là năng lực học tập, nghiên cứu, phân tích, khả năng tư duy, có thể uyển chuyển thích ứng trong mọi tình huống.
Chị Trang cũng đánh giá cao giá trị việc học và cho biết nếu được lựa chọn, chị vẫn ưu tiên các ứng viên học giỏi cho công việc. Bởi vì, họ thường có kỹ năng làm việc tập trung và rất nghiêm túc với những gì mình làm. Điều này không bảo chứng cho sự thành công và họ cần rèn luyện nhiều yếu tố khác. Dù vậy, sự nghiêm túc với những việc mình làm được rèn luyện từ ngày còn đi học sẽ là tiền đề cho sự phát triển bản thân trong môi trường làm việc. Những người này cũng thường ham học hỏi và có khả năng mở rộng kiến thức của mình mỗi ngày.
Chị Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ thêm dù rất bận rộn với các dự án kinh doanh nhưng hiện tại, vợ chồng chị đều dành một ngày trong tuần để tự học. “Được học là một niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Ngay cả sự thỏa mãn khi nhìn thấy một công ty thành công cũng không thay thế được hạnh phúc khi mỗi ngày mình trưởng thành hơn và phát triển nhờ học tập”, chị Trang nói.